Không ai bị bỏ lại phía sau: Hành trình giảm nghèo bao trùm và công bằng

Trên hành trình giảm nghèo, phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái, là những đối tượng cần quan tâm, đảm bảo an sinh, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho họ được giảm nghèo một cách bao trùm và công bằng.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái, thường được coi là nhóm người yếu thế của xã hội, do đó, các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước hiện nay đều quan tâm đến vấn đề lồng ghép giới trong đảm bảo an sinh, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái, nhằm thực hiện bình đẳng giới và giảm nghèo một cách bao trùm, bền vững và công bằng.

Giảm nghèo bao trùm với trọng tâm là phụ nữ và trẻ em gái

Theo thông tin từ Quốc gia giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội), Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã đưa ra mục tiêu tổng quát giảm nghèo đa chiều có tính bao trùm hướng tới sự bền vững hơn, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo đó, chuẩn nghèo đa chiều rất chú ý tới việc phải bảo đảm mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin) gắn với mục tiêu phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã đưa ra mục tiêu tổng quát giảm nghèo đa chiều có tính bao trùm hướng tới sự bền vững hơn

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã đưa ra mục tiêu tổng quát giảm nghèo đa chiều có tính bao trùm hướng tới sự bền vững hơn

Khái niệm giảm nghèo bao trùm, được hiểu là một khái niệm nhấn mạnh việc không chỉ giảm nghèo về mặt tài chính mà còn bảo đảm rằng tất cả các nhóm dân cư, đặc biệt là nhóm yếu thế như phụ nữ và trẻ em gái, đều được tham gia và hưởng lợi từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tiêu biểu như các chính sách chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Khái niệm này gắn liền với việc đảm bảo công bằng, đầy lùi bất bình đẳng và không ai bị bỏ lại phía sau.

Đặt trọng tâm là phụ nữ và trẻ em gái, các chỉ số đo lường giảm nghèo bao trùm tập trung vào một số nội dung chính. Đó là:

- Tỷ lệ nghèo đa chiều, bao gồm các khía cạnh về y tế, giáo dục, điều kiện sống.

- Tỷ lệ tham gia giáo dục của trẻ em gái: Đo lường sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa trẻ em gái và trẻ em trai.

- Tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận dịch vụ y tế sinh sản: Bao gồm khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ.

- Khoảng cách thu nhập giới: Tạo sự bình đẳng giới trong thu nhập và cơ hội kinh tế.

Thu hẹp khoảng cách "nghèo" với phụ nữ và trẻ em

Đánh giá về chính sách hiện tại của nước ta trong việc chăm lo sức khỏe, giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái; với hệ thống pháp luật và chính sách bao phủ hầu khắp các lĩnh vực, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng mừng trong mục tiêu về bình đẳng và bình đẳng giới. Đặc biệt, hệ thống chính sách an sinh xã hội hỗ trợ nhóm yếu thế trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bao trùm và bền vững, tiếp cận việc làm, nhà ở, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa đã mang lại những hiệu quả tích cực về đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng thụ hưởng.

Chăm lo sức khỏe, giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái được Đảng, Nhà nước quan tâm

Chăm lo sức khỏe, giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái được Đảng, Nhà nước quan tâm

Về chăm sóc sức khỏe, hiện nay, nhiều chương trình quốc gia như chương trình tiêm vắc xin miễn phí và cung cấp dịch vụ y tế sinh sản đã giúp giảm tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, các dự án như cung cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, phụ nữ mang thai ở vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ chi trả dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số… đã gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái.

Về chính sách về giáo dục, tỷ lệ trẻ em gái đến trường tăng đáng kể trong 2 thập kỷ qua. Theo thông kê của UNESCO, tỷ lệ học sinh nữ bậc tiểu học ở Việt Nam đạt trên 95%. Bên cạnh đó, các chính sách miễn giảm học phí cho trẻ em nghèo, cung cấp sách giáo khoa miễn phí ở vùng khó khăn cũng tạo điều kiện cho trẻ em gái tiếp cận với giáo dục. Các chương trình đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng… dành cho phụ nữ do Chính phủ, các tổ chức, Hội LHPN các cấp… tổ chức cũng tạo động lực, truyền cảm hứng học tập cho nhiều chị em phụ nữ.

Tuy nhiên, việc tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội với nhóm phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn tồn tại một số bất cập dẫn đến một bộ phận nhóm đối tượng này chưa thực sự được thụ hưởng các chính sách, phải chịu thiệt thòi ở nhiều lĩnh vực. Tại nhiều địa phương trên cả nước, phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa còn phải chịu nhiều thiệt thòi, hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: lao động, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, y tế…

Phụ nữ, trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Phụ nữ, trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Để đảm bảo các giải pháp an sinh xã hội bao phủ tới phụ nữ và trẻ em, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách để người dân có cơ hội tiếp cận, tham gia và thụ hưởng thành quả của phát triển một cách bình đẳng.

Cụ thể, hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới và lao động - việc làm hiện nay tương đối toàn diện, tương thích với các tiêu chuẩn và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Nguyên tắc bình đẳng giới và không phân biệt đối xử, nhất là với phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực lao động - việc làm đã được thể hiện rõ ràng trong Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Luật Bình đẳng giới, Luật Việc làm, Luật Giáo dục Nghề nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn-vệ sinh lao động,... Các văn bản chính sách, pháp luật về lao động, việc làm cũng được xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung theo hướng lồng ghép giới, nhạy cảm hơn về giới.

Quy định về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tạo điều kiện cho nhiều nhóm lao động nữ yếu thế trong thị trường lao động có cơ hội được tham gia bảo hiểm xã hội BHXH. Trong đó, chế độ thai sản theo Luật BHXH năm 2014 của Việt Nam là một trong số những chính sách ưu việt của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực ASEAN về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng; đồng thời, thể hiện nguyên tắc bình đẳng giới khi quy định lao động nam được hưởng chế độ thai sản trong một số trường hợp cụ thể.

Nhà nước và các địa phương có nhiều chính sách ưu tiên phát triển giáo dục

Nhà nước và các địa phương có nhiều chính sách ưu tiên phát triển giáo dục

Hiện nay, Chính phủ đang triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Giảm nghèo, Nông thôn mới, Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được tích hợp nhiều chính sách dân tộc để tập trung nguồn lực, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, là cơ hội lớn để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới bảo đảm công bằng, bền vững.

Tiêu biểu như Chương trình triển khai thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em". Đây cũng là lần đầu tiên có một dự án riêng biệt, đặc thù về giới trong Chương trình mục tiêu Quốc gia được Quốc hội thông qua và Chính phủ giao cho Hội LHPN chủ trì thực hiện, giúp tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ dân tộc thiểu số yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ hỗ trợ về giáo dục, y tế, văn hóa…

Thúc đẩy hơn nữa sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em gái

Để đảm bảo hành trình giảm nghèo bao trùm và công bằng dành cho phụ nữ và trẻ em gái, một số giải pháp được đặt ra, tập trung vào một số lĩnh vực cơ bản như việc làm, giáo dục, y tế… Cụ thể:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về kinh tế, lao động để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hội nhập kinh tế của Việt Nam, phù hợp với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em gái.

Vấn đề lồng ghép giới trong đảm bảo an sinh, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái giảm nghèo một cách bao trùm, bền vững và công bằng.

Vấn đề lồng ghép giới trong đảm bảo an sinh, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái giảm nghèo một cách bao trùm, bền vững và công bằng.

- Thực hiện lồng ghép giới một cách đầy đủ và hiệu quả vào các Chương trình MTQG như Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững nói riêng và các chính sách giảm nghèo nói chung.

- Thúc đẩy lồng ghép bình đẳng giới vào luật pháp, chính sách, chương trình, kế hoạch, bảo đảm chăm sóc sức khỏe, giáo dục cơ bản.

- Trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách trợ giúp xã hội và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, cần bảo đảm quan tâm đầy đủ tới nhu cầu và điều kiện thực tế của từng nhóm đối tượng và nhu cầu khác nhau của phụ nữ và nam giới, trẻ em trai và trẻ em gái; quan tâm đến các chế độ phúc lợi, nâng cao cơ hội tiếp cận chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng yếu thế để không để ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phương Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-hanh-trinh-giam-ngheo-bao-trum-va-cong-bang-20241221103230209.htm
Zalo