Khốn khổ vì rác thải cây xanh sau Tết

Sau Tết, Hà Nội lại đối mặt với lượng rác thải khổng lồ từ cành đào, hoa tế, cây quất bị bỏ đi. Việc xử lý hiệu quả loại rác thải này không chỉ bảo đảm vệ sinh môi trường mà còn phản ánh ý thức bảo vệ môi trường của người dân Thủ đô.

“Núi rác xanh" sau Tết

Tết Nguyên đán vừa qua, Hà Nội ngập tràn sắc hoa đào, quất. Tuy nhiên, sau Tết, "di sản" của những ngày Xuân tươi đẹp ấy lại trở thành nỗi lo của các đơn vị môi trường đô thị và chính quyền TP. Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), lượng rác thải cây xanh sau Tết Nguyên đán tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường. Lượng rác này chủ yếu là cành đào, quất, các loại hoa tăng đột biến, gây khó khăn cho công tác thu gom, xử lý. Việc thu gom các loại rác thải cồng kềnh như cây cảnh đòi hỏi công nhân vệ sinh phải chặt nhỏ hoặc sử dụng phương tiện chuyên dụng, tăng thêm khối lượng công việc và chi phí xử lý. Bà Nguyễn Thị Lan - công nhân vệ sinh môi trường tại quận Hoàn Kiếm, chia sẻ: "Sau Tết, chúng tôi phải làm việc gấp đôi để thu gom những cành đào, cây quất bị bỏ lại trên đường. Nhiều khi phải chặt nhỏ để dễ vận chuyển, rất mất thời gian và công sức".

Cành đào bị vứt bỏ vô tội vạ ven đường Tố Hữu, địa phận quận Hà Đông. Ảnh: Nguyễn Quý

Cành đào bị vứt bỏ vô tội vạ ven đường Tố Hữu, địa phận quận Hà Đông. Ảnh: Nguyễn Quý

Bà Ngô Thanh Loan - đại diện Công ty Urenco cho biết, đơn vị này đang đảm nhận thu gom, vận chuyển rác thải tại 16 quận, huyện trên địa bàn Thủ đô. Thời điểm trước và sau Tết, lượng rác thải tăng đột biến, trong đó có nhiều cành đào, cây quất bị bỏ lại trên vỉa hè, lòng đường. Do loại rác thải này không thể cuốn ép như rác sinh hoạt thông thường, Urenco phải tập kết về điểm xử lý, tiến hành cắt nhỏ để giảm thể tích trước khi vận chuyển. Quy trình này không chỉ kéo dài thời gian xử lý mà còn làm gia tăng chi phí nhân công, trong khi các phương tiện thu gom rác sinh hoạt hiện có lại không phù hợp để vận chuyển rác cồng kềnh như cành đào lớn, gây hư hỏng thiết bị và ảnh hưởng đến hiệu suất thu gom chung. “Đề nghị chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc xử lý rác thải cồng kềnh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm để hạn chế tình trạng vứt cành đào, cây quất cùng với rác thải sinh hoạt thông thường" - bà Ngô Thanh Loan kiến nghị.

Theo nhiều chuyên gia môi trường, các loại rác thải hữu cơ từ cây xanh (trong đó có các loại hoa, cành đào, cây cảnh, quất…) nếu không được xử lý kịp thời có thể phân hủy, tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đáng ngại hơn, trong rác thải sinh hoạt, hàm lượng hữu cơ thường chiếm tỷ lệ cao, là môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân nếu không được xử lý nhanh chóng và kịp thời.

Ngoài ra, việc vứt bỏ cây cảnh bừa bãi trên vỉa hè, lòng đường không chỉ gây cản trở giao thông mà còn làm xấu hình ảnh đô thị. Ông Trần Văn Minh - một người dân sống tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm bức xúc: "Mỗi năm sau Tết, phố phường lại ngập tràn cành đào, cây quất bị bỏ lại. Vừa mất mỹ quan, vừa gây khó khăn cho việc đi lại”. Tương tự, bà Nguyễn Thị Trang – người dân phường Văn Quán, quận Hà Đông, chia sẻ: "Nhiều hộ dân vẫn có thói quen vứt cành đào, cây quất ra vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị. Tôi mong chính quyền có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để nâng cao ý thức người dân".

Chung tay vì môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp

Vấn đề rác thải sau Tết không phải là câu chuyện mới, nhưng năm nào cũng tái diễn do ý thức của một bộ phận người dân chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề này, cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Trước hết, việc phân loại rác thải tại nguồn là rất quan trọng. Người dân nên phân loại rác thải hữu cơ từ cây xanh riêng biệt để thuận tiện cho việc thu gom và tái chế.

Cùng với đó là việc chặt nhỏ, buộc gọn gàng đào, quất trước khi bỏ vào thùng rác cũng cần được khuyến khích để tránh tình trạng vận chuyển cồng kềnh, tốn diện tích cho người thu gom rác.

Về phía chính quyền, cần có quy trình thu gom, xử lý rác thải cây xanh hiệu quả, khoa học. Đầu tư xây dựng các điểm tập kết, xử lý rác thải cây xanh chuyên biệt. Nghiên cứu, áp dụng các công nghệ xử lý rác thải cây xanh tiên tiến, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, tái chế và tái sử dụng rác thải cây xanh cũng là một giải pháp hữu hiệu. Sử dụng rác thải cây xanh để làm phân hữu cơ, phục vụ nông nghiệp hoặc trồng cây xanh đô thị, góp phần giảm thiểu lượng rác thải và bảo vệ môi trường.

Về phía người dân, cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, không vứt bừa bãi. Tham gia các hoạt động thu gom, xử lý rác thải cây xanh tại cộng đồng. Bà Lê Thị Hoa - một người dân quận Ba Đình, chia sẻ: "Tham gia các hoạt động dọn dẹp sau Tết không chỉ giúp làm sạch môi trường mà còn gắn kết cộng đồng, tạo nên nếp sống văn minh”.

Nhìn nhận vấn đề qua góc độ pháp lý, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc áp dụng chế tài xử phạt đối với hành vi vứt rác thải bừa bãi cần được thực hiện nghiêm túc, nhằm răn đe và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân. Cũng theo chuyên gia này, trên thực tế, dù các quy định xử phạt đối với hành vi vứt bỏ rác sinh hoạt và rác cồng kềnh không đúng nơi quy định đã được ban hành đầy đủ, nhưng việc thực thi vẫn chưa thực sự hiệu quả. Do đó, để chấm dứt tình trạng trên, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm, nhằm nâng cao ý thức người dân, thúc đẩy thay đổi hành vi. “Chỉ khi mỗi cá nhân có trách nhiệm hơn trong việc xử lý rác thải sau Tết, tình trạng vứt bỏ bừa bãi mới có thể chấm dứt, giúp môi trường đô thị trở nên sạch, đẹp và văn minh hơn” – luật sư Bùi Đình Ứng khẳng định.

Việc xử lý rác thải cây xanh sau Tết không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn đòi hỏi sự chung tay của toàn thể người dân. Khi mỗi người dân Hà Nội có ý thức hơn trong việc thu gom, phân loại và tái chế rác thải cây xanh, tình trạng rác thải ùn ứ sau Tết sẽ được cải thiện đáng kể. Những hành động nhỏ như không vứt bỏ cành đào, cây quất bừa bãi, chủ động tìm hiểu các phương pháp xử lý phù hợp sẽ góp phần xây dựng một Thủ đô xanh - sạch - đẹp hơn. Công việc thu gom rác sau Tết tưởng chừng như đơn giản, nhưng chỉ khi mỗi người đều có ý thức trách nhiệm, phối hợp nhịp nhàng cùng cơ quan chức năng thì việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường mới thực sự hiệu quả. Hà Nội không chỉ cần những con đường sạch đẹp vào ngày đầu năm mới mà cần một ý thức bảo vệ môi trường bền vững suốt cả năm. Chỉ khi đó, những cành đào, cây quất không còn là "gánh nặng" của TP, mà sẽ trở thành nguồn tài nguyên hữu ích trong một vòng tuần hoàn xanh.

Cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi này để nâng cao tính răn đe, từ đó khiến người dân từ bỏ dần thói quen xấu vứt bỏ rác bừa bãi, nhất là các loại cành, cây đào, quất sau mỗi dịp Tết.

Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khon-kho-vi-rac-thai-cay-xanh-sau-tet.html
Zalo