Khơi tiềm năng 'chất xám' để phát triển Thủ đô

Triển khai Chương trình số 07-CTr/TU về 'Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025', phấn đấu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, Hà Nội đã chủ động khai thác, phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ, nhất là trí tuệ, tiềm năng 'chất xám' của đội ngũ trí thức tại các viện, trường trên địa bàn Thủ đô. Đây được xem là nguồn lực quan trọng để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học của Đại học Bách khoa Hà Nội luôn bám sát định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội và đất nước. Trong ảnh: Giới thiệu sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Thành

Các hoạt động nghiên cứu khoa học của Đại học Bách khoa Hà Nội luôn bám sát định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội và đất nước. Trong ảnh: Giới thiệu sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Thành

Nhiệt thành và trách nhiệm

Hà Nội là địa phương tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc. Đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để Thủ đô tập trung đầu tư và tận dụng thành quả của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thời gian qua, các viện, trường đã thực hiện hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có nhiều đề tài trực tiếp ứng dụng vào giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của Thủ đô; làm gia tăng chất lượng nguồn nhân lực; tham mưu, tư vấn, phản biện, cung cấp nhiều luận cứ góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, chuyển giao công nghệ có giá trị..., qua đó từng bước phát triển kinh tế tri thức ở Thủ đô. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, một trong các khâu đột phá về kinh tế - xã hội Thủ đô nhiệm kỳ 2020-2025 là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Quá trình thực hiện mục tiêu này, các cơ sở giáo dục đại học có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia tư vấn cơ chế, chính sách.

Theo Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Đăng Chính, hoạt động nghiên cứu khoa học của Đại học Bách khoa Hà Nội luôn bám sát định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội và đất nước, đáp ứng nhu cầu xã hội; tham gia xây dựng định hướng phát triển khoa học và công nghệ; chuyển giao nhiều kết quả nghiên cứu cho Hà Nội nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển của Thủ đô.

Hướng dẫn thiết kế vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học Phenikaa.

Hướng dẫn thiết kế vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học Phenikaa.

Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội Hoàng Tùng cũng cho biết, những năm qua, nhà trường đã thực hiện 11 nhiệm vụ khoa học và công nghệ với thành phố Hà Nội. Các nhiệm vụ được triển khai đã góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn của thành phố và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Vì mục tiêu phát triển bền vững

Một trong những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác với thành phố Hà Nội, theo Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Đăng Chính, là chưa được tiếp cận thông tin về mạng lưới doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Nguồn ngân sách dành riêng cho hoạt động hỗ trợ sinh viên, cán bộ trẻ khởi nghiệp cũng chưa có. Ông Huỳnh Đăng Chính đề xuất Hà Nội nên có ngân sách hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Còn Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, nguồn lực đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu. 10 năm qua, Hà Nội chưa có các hợp đồng cụ thể, đặt hàng lớn cho các trường trong đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ. Đề án “Kết nối, phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô” trong Chương trình số 07-CTr/TU do Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội chủ trì đã hoàn thiện và gửi đến UBND thành phố Hà Nội chờ phê duyệt. Nếu được thông qua, đề án sẽ giúp tăng cường kết nối, phát huy có hiệu quả tiềm năng của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn thông tin thêm, trong thời gian tới, Hà Nội mong muốn các nhà khoa học từ các viện, trường xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm với Thủ đô tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ, đề xuất với thành phố những công trình nghiên cứu, chương trình khoa học và công nghệ thiết thực, xứng tầm. Trước mắt, Hà Nội mong muốn các nhà khoa học tham gia đóng góp vào việc triển khai thực hiện quy hoạch Thủ đô, nghiên cứu định hướng phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới. Đặc biệt, thành phố mong muốn nhận được nhiều ý kiến tham vấn, giúp Hà Nội triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện, cụ thể hóa các vấn đề quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi), sớm đưa luật vào thực tiễn cuộc sống và phát huy được giá trị.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khoi-tiem-nang-chat-xam-de-phat-trien-thu-do-676673.html
Zalo