Khơi thông nguồn lực xã hội bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Theo chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua ngày 23.11, kỳ vọng sẽ tạo cú hích trong huy động nguồn lực xã hội bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

"Nguồn lực xã hội luôn đóng vai trò quan trọng"

Ninh Bình được đánh giá là địa phương đã làm rất tốt việc huy động nguồn lực xã hội cho hoạt bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt với trường hợp Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Chia sẻ tại tọa đàm “Hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 16.11, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết: tỉnh quyết tâm cao, kiên trì, kiên định định hướng phát triển du lịch gắn với bảo vệ di sản. Để làm được điều đó, Ninh Bình vận dụng tối đa, huy động các nguồn lực đầu tư vào hạ tầng, làm cơ sở để thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng địa phương tham gia đầu tư tu bổ, phát huy giá trị các di sản văn hóa.

 Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Sau khi được UNESCO công nhận, Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17.8.2016 về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, làm cơ sở để huy động các nguồn lực xã hội tham gia giữ gìn các di tích, di sản đã được khoanh vùng bảo vệ.

Ninh Bình cũng ban hành các chính sách hỗ trợ sửa chữa nhà ở trong vùng di sản, xây mới nhà theo kiến trúc truyền thống. Bên cạnh đó, tỉnh lấy mô hình dựa vào cộng đồng làm nền tảng chính phát triển du lịch. Hiện nay có khoảng 10.000 người lao động trực tiếp đang hưởng lợi trực tiếp từ việc bảo tồn di sản. Đây là điểm chính khiến UNESCO đánh giá Tràng An là hình mẫu về phát triển hài hòa giữa bảo tồn di sản và gắn kết, bảo đảm sinh kế cho người dân địa phương. Tỉnh cũng tranh thủ tối đa sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về nghiên cứu khảo cổ học, nâng cao năng lực cộng đồng trong quản lý di sản, hỗ trợ phát triển các sản phẩm trong khu vực di sản...

"Bài học của Quần thể danh thắng Tràng An có nhiều thành công song cũng có nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách. Chúng tôi chưa bao giờ dám nhận đó là mô hình hợp tác công - tư đúng như khái niệm của nó. Chúng tôi chỉ xác định đây là mô hình hợp tác 3 bên giữa người dân - doanh nghiệp và nhà nước, và đang thêm bên thứ 4 là nhà khoa học", ông Bùi Văn Mạnh chia sẻ.

 Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Không chỉ tại Ninh Bình, nhìn rộng ra cả nước, theo ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ sau khi Luật Di sản văn hóa được ban hành năm 2001 đến nay, hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực di sản văn hóa được đẩy mạnh.

Trong đó, di sản văn hóa vật thể như đình, đền, chùa hay các khu danh lam thắng cảnh, cùng với nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực xã hội hóa đã góp phần quan trọng bảo tồn các yếu tố gốc, đáp ứng các yêu cầu phát huy giá trị di tích.

Về di sản văn hóa phi vật thể, cộng đồng xã hội tham gia tổ chức lễ hội, nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, các giá trị của di sản. Không gian trình diễn gắn với di sản phi vật thể cũng được đầu tư tôn tạo và duy trì ngày càng quy củ, trang trọng.

Về bảo tàng, bảo tàng ngoài công lập phát triển mạnh, đến nay có số lượng tương đương và trong tương lai sẽ phát triển hơn bảo tàng công lập. Xã hội còn tham gia bảo vệ, bảo tồn, gìn giữ cũng như tìm tòi, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ở nước ngoài trở về nước và phát huy giá trị mạnh mẽ. Gần đây nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các bộ, ngành và tư nhân đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo về nước.

Về di sản tư liệu, đến nay nhiều di sản được kiểm kê, đưa vào Danh mục di sản tư liệu khu vực và thế giới, về cơ bản trong thời gian vừa qua nguồn lực xã hội đang tập trung đang đóng góp nhiều cho các hoạt động này.

 Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Ông Trần Đình Thành khẳng định, trong cả 4 lĩnh vực của di sản văn hóa nêu trên, nguồn lực xã hội đã đóng góp rất lớn cho bảo tồn, bảo quản, bảo vệ, sau đó là phát huy giá trị. Đến thời điểm hiện nay, nguồn lực này tương đương với nguồn lực Nhà nước trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cho rằng, với di sản văn hóa, từ trước đến nay, nguồn lực xã hội luôn đóng vai trò quan trọng, bởi di sản văn hóa sinh ra bởi cộng đồng, phục vụ cho hoạt động, lợi ích của cộng đồng. Vì thế nên cộng đồng chủ thể, người dân luôn gắn bó vô cùng mật thiết, một cách hữu cơ với di sản văn hóa.

"Nếu chúng ta tách vai trò của cộng đồng ra thì các di sản văn hóa sẽ tồn tại một cách khiên cưỡng. Đó là lý do tại sao vai trò của Nhà nước dù đến nay vô cùng quan trọng nhưng cũng không thể thiếu vai trò của cộng đồng hay các bên liên quan khác", PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

 PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nội dung cốt lõi. Sau hơn 20 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa, bên cạnh rất nhiều thành công, kết quả tích cực, còn có những hạn chế. Và để khắc phục những hạn chế đó, Luật Di sản văn hóa đã được sửa đổi toàn diện, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV.

Một trong ba chính sách được tập trung sửa đổi lần này là tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Điều này được đánh giá là đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 khẳng định quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, tạo thêm nguồn lực bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa, tạo động lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Theo đó, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định rõ hơn về cơ chế, chính sách trong đó dành riêng một điều về xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đồng thời quy định về hợp tác công - tư trong lĩnh vực di sản văn hóa. Điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với việc khuyến khích và tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; mà còn tạo niềm tin và động lực để cả xã hội chung tay chăm lo sự nghiệp phát triển văn hóa. Qua đó, huy động được nguồn lực ngoài Nhà nước để cùng với nguồn lực Nhà nước bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như đất nước nói chung

Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, mục đích quan trọng khi sửa đổi Luật Di sản văn hóa lần này là khơi thông được nguồn lực xã hội, để từ đó bảo vệ và phát huy giá trị di sản tốt hơn. Vì chỉ khi có sự chung tay của toàn xã hội thì công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị di sản mới bền vững.

 Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Và với các quy định khá rõ ràng, chi tiết, thể hiện quyền lợi, trách nhiệm của từng bên liên quan, đặc biệt là của các thành phần trong xã hội khi tham gia vào quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản… trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), PGS.TS. Bùi Hoài Sơn hy vọng sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, doanh nghiệp và tư nhân có thể tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. "Chúng ta phải tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, thông thoáng thì mới có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản".

Để Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua , đi vào cuộc sống đòi hỏi nhiều điều kiện khác nữa, song dưới góc độ di sản văn hóa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba tin rằng, từ đây sẽ tạo ra cú hích về pháp lý để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả.

Ông Bùi Văn Mạnh mong muốn, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật sẽ được ban hành kịp thời, được triển khai đồng bộ đến các địa phương. Về điều này, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát và xây dựng khung sườn hệ thống nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện luật này. "Dự kiến khoảng tháng 7.2025 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có hiệu lực thì nghị định và thông tư cũng sẽ được ban hành".

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khoi-thong-nguon-luc-xa-hoi-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-post396549.html
Zalo