Khơi thông nguồn lực phát triển từ 'dòng chảy' dữ liệu số
Chiều 15-11, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dữ liệu.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và linh hoạt trong quá trình quản lý, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị chỉ quy định những nội dung cơ bản mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Tương tự, dự thảo Luật chỉ quy định nội dung cơ bản về sàn giao dịch dữ liệu và giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung theo thẩm quyền.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã tổ chức nghiên cứu rà soát, chỉnh lý quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm nguyên tắc: Không vì mục đích lợi nhuận; quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch; hỗ trợ các hoạt động xây dựng, phát triển, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu; không được chi trùng với ngân sách nhà nước; đồng thời bảo đảm không trùng lặp với hoạt động chi của các loại quỹ khác.
Về xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia hiện đang triển khai thực hiện trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ. Theo đó, Trung tâm dữ liệu quốc gia là một đơn vị mới thuộc Bộ Công an, được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, trong đó có cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia để cung cấp hạ tầng cho các bộ, ngành, địa phương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy. Nguồn nhân lực phục vụ vận hành, quản trị Trung tâm dữ liệu quốc gia cơ bản là đội ngũ những người làm công tác xử lý, quản trị dữ liệu hiện có của Bộ Công an mà không làm phát sinh thêm biên chế.
“Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ quy định xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia như dự thảo Chính phủ trình”, ông Lê Tấn Tới nói.
Thảo luận về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị rà soát về khả năng huy động nguồn Quỹ phát triển dữ liệu và nội dung chi của Quỹ để tránh trùng lặp với hoạt động chi của các loại quỹ khác; bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc quản lý sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; làm rõ mô hình tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động của Quỹ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng cần làm rõ khái niệm “dữ liệu số” trong dự thảo Luật nhằm kết nối với khái niệm này trong Luật Giao dịch điện tử, bảo đảm thống nhất việc giải thích từ ngữ trong hệ thống pháp luật.
“Đây là vấn đề nhỏ nhưng hết sức quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, dữ liệu quan trọng phải được lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu quốc gia, nhưng cần có quy định chuyển đổi trong dự thảo Luật, bởi có nhiều cơ sở dữ liệu hiện đang được các bộ, ngành chủ quản lưu trữ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, dữ liệu số là nguồn tài nguyên, ngành kinh tế hết sức quan trọng.
Với tính chất như vậy, Luật sẽ quy định các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực lưu trữ dữ liệu số như thế nào? Cần làm rõ chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ số; đặt trung tâm phân tích dữ liệu số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá dự thảo Luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua tại đợt 2, kỳ họp thứ tám.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các quy định của dự thảo Luật cần bảo đảm vừa quản lý chặt chẽ nhưng vừa khơi thông nguồn lực phát triển từ “dòng chảy” dữ liệu số.