Khơi thông nguồn lực, khai thác hiệu quả các dư địa phát triển

Ngày 8.7 tới đây, Kỳ họp thứ 19 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của HĐND tỉnh Quảng Ninh Khóa XIV chính thức bước vào chương trình nghị sự. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Vi Ngọc Bích cho biết, với tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa, các nội dung trình kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để đại biểu có cơ sở thảo luận, tham góp, giúp HĐND tỉnh ban hành những quyết sách thiết thực khơi thông nguồn lực, khai thác hiệu quả các dư địa để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Dấu ấn từ những quyết sách sát thực, khả thi

- Qua nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2024, xin bà cho biết rõ hơn những kết quả nổi bật Quảng Ninh đã đạt được?

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Vi Ngọc Bích

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Vi Ngọc Bích

- Quảng Ninh bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 có nhiều thuận lợi khi tiếp nối đà ổn định, đổi mới, phát triển bền vững với tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số liên tục trong 9 năm liên tiếp (2015 - 2023) nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình thế giới, khu vực, biến đổi khí hậu. Bám sát chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn của địa phương, Tỉnh ủy – HĐND – UBND đã quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, chủ động vượt qua khó khăn, thử thách, triển khai thực hiện có hiệu quả, toàn diện trên các lĩnh vực công tác theo Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27.11.2023 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 176/NQ-HĐND ngày 8.12.2023 của HĐND tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 gắn với chủ đề công tác “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.

Nỗ lực, kiên trì, đổi mới sáng tạo, 6 tháng đầu năm 2024, Quảng Ninh đã hoàn thành trước nhiều mục tiêu của cả giai đoạn, tiếp tục khẳng định vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 9,02%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 48.035 tỷ đồng (tăng 9,1% so với cùng kỳ). Đến nay, tỉnh cũng đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã; trong đó, huyện Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; Tiên Yên, Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021 – 2025.

Đặc biệt theo công bố của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ ngày 17.4 vừa qua, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu Chỉ số SIPAS và PAR INDEX năm 2023. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã có 5 năm liên tục giữ vị trí dẫn đầu Chỉ số SIPAS (2019 - 2023); 6 năm dẫn đầu Chỉ số PAR INDEX (2017 - 2020 và 2022 - 2023). Tiếp tục có chuyển biến rõ rệt trong phát triển văn hóa - xã hội, con người, bảo đảm và nâng cao chất lượng an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng đời sống và “hạnh phúc” của Nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, xây dựng phòng tuyến cạnh tranh và hợp tác kinh tế quốc tế …

- Những kết quả nổi bật đó có vai trò quan trọng của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, nhất là trong ban hành các quyết sách nhằm khơi thông nguồn lực và tích cực đôn đốc việc triển khai thực hiện, thưa bà?

- Có thể khẳng định, những kết quả nổi bật trên không thể không nhắc đến vai trò, trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. 6 tháng đầu năm 2024, HĐND tỉnh đã tổ chức 2 kỳ họp chuyên đề, ban hành 18nghị quyết đều là những giải pháp, cơ chế, chính sách thiết thực, khả thi liên quan trực tiếp đến điều hành phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội. Nổi bật, như: bổ sung cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương, điều chỉnh, bổ sung, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024 và một số nội dung thuộc lĩnh vực tài chính- ngân sách nhằm quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn ngân sách nhà nước; cơ cấu lại chi thường xuyên để dành nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển. Các nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ BHYT cho đối tượng người thuộc hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025; quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (nhưng không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu) thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn; sửa đổi, bổ sung một số quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của tỉnh từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2025 - 2026; quy định số lượng, chức danh, một số chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, khu phố và người hỗ trợ hoạt động ở thôn, bản, khu phố; mức khoán, kinh phí hỗ trợ hoạt động của thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh (thay thế Nghị quyết số 207/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh)…

Quyết nghị nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền

- Bà có thể khái quát một số nội dung chính theo chương trình nghị sự và các cơ chế, chính sách quan trọng sẽ được HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị tại Kỳ họp thường lệ giữa năm?

Từ đầu năm đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 2 kỳ họp chuyên đề, ban hành 18 nghị quyết đều là những vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Ảnh: Q.M.G

Từ đầu năm đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 2 kỳ họp chuyên đề, ban hành 18 nghị quyết đều là những vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Ảnh: Q.M.G

- Tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh sẽ xem xét, cho ý kiến vào 24 báo cáo của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cơ quan liên quan, thông qua 26 tờ trình, 26 nghị quyết. Trong đó, tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, thống nhất nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; quyết nghị một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền về: hỗ trợ phát triển nguồn nhân lưc, giáo dục, y tế và đời sống nhân dân; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025; điều chỉnh, phân bổ dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2024; quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 23.4.2021 của HĐND tỉnh về ban hành một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững; thông qua nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh đến năm 2045: phê duyệt bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm 2024; quyết định số lượng hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc lĩnh vực sự nghiệp giáo dục đối với các cấp học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024; quy định tặng thưởng danh hiệu “Công dân Quảng Ninh ưu tú”; chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 – 2025; quy định tiêu chí thành lập và tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; mức chi hỗ trợ, bồi dưỡng, mua sắm và sửa chữa trang, thiết bị bảo đảm điều kiện hoạt động đối với Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh…

- Để kỳ họp diễn ra thành công, công tác chuẩn bị theo tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa được triển khai thực hiện như thế nào, thưa bà?

- Để bảo đảm thành công của kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động chỉ đạo công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ họp thứ 19 từ rất sớm (trước khai mạc kỳ họp 60 ngày), đúng pháp luật, đúng quy chế làm việc, có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy; sự chủ động phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan hữu quan.

Các nội dung trình kỳ họp được chuẩn bị với tinh thần tích cực, kỹ lưỡng trên cơ sở thống nhất về chương trình, nội dung và thời hạn gửi tài liệu kỳ họp giữa Thường trực HĐND với UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn có liên quan. Thường trực HĐND tỉnh không đưa vào chương trình kỳ họp những nội dung chưa bảo đảm chất lượng và quy trình, trình tự theo quy định của luật; chỉ đạo, định hướng đôn đốc, các Ban HĐND tỉnh chú trọng công tác khảo sát thực tiễn, phát huy và khai thác triệt để các ý kiến tham gia phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra đảm bảo rõ quan điểm và đề xuất phương án xử lý đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau theo quy định của pháp luật; Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong việc rà soát, hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, khả thi, đúng thẩm quyền, đúng quy trình, thủ tục theo quy định, trong đó chú trọng những nội dung có tác động lớn tới nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo

Thường trực HĐND tỉnh cũng đã tổ chức sớm Hội nghị giám sát giải quyết kiến nghị cử tri (trước khai mạc kỳ họp 30 ngày); hoàn thành sớm hoạt động tiếp xúc cử tri tại nơi ứng cử và tiếp xúc cử tri theo chuyên đề của đại biểu tại 13/13 địa phương bảo đảm đúng luật định; chỉ đạo số hóa tài liệu; tiếp tục triển khai hiệu quả Kỳ họp không giấy tờ giúp cho việc chuẩn bị, tham gia vào nội dung kỳ họp được chủ động, nhanh chóng, mang lại hiệu quả cao.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

MẠNH TUÂN thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/khoi-thong-nguon-luc-khai-thac-hieu-qua-cac-du-dia-phat-trien-i378552/
Zalo