Khơi thông dòng chảy kiều hối cuối năm
Lượng kiều hối về Việt Nam vẫn tăng đều và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới nhờ những biện pháp, chính sách thu hút nguồn ngoại tệ này.
Kiều hối chảy mạnh
Theo thống kê từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 đến hết năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân trong cùng thời kỳ. Nếu tính cả năm 2023, lũy kế đạt khoảng 206 tỷ USD.
Lượng kiều hối mỗi năm chuyển về TP.HCM chiếm 50% tổng lượng kiều hối chuyển về của cả nước. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, lượng kiều hối về địa phương này trong 9 tháng năm 2024 đạt gần 7,392 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Dù lượng kiều hối về TP.HCM quý III/2024 giảm nhẹ 4,1% so với quý II, nhưng vẫn bằng 78,1% so với cả năm 2023 (năm có lượng kiều hối chuyển về cao nhất, đạt 9,46 tỷ USD).
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho hay, trong 7,392 tỷ USD kiều hối chuyển về Thành phố, nguồn kiều hối thông qua tổ chức kinh tế (các công ty kiều hối) đạt 5,485 tỷ USD và qua các tổ chức tín dụng hơn 1,9 tỷ USD. Lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất (53,8%) và duy trì tốc độ tăng trưởng tốt nhất, tăng 24,1% so với cùng kỳ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng dự báo, lượng kiều hối về Việt Nam trong thời gian tới còn tăng, một phần do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất USD, dòng vốn có thể dịch chuyển khỏi các tài sản bằng USD vì lợi suất giảm. Nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang các thị trường mới nổi hoặc các nước đang phát triển, nơi có lợi suất đầu tư cao hơn, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, quý cuối năm là thời điểm kiều bào ở nước ngoài gửi tiền về cho gia đình để đầu tư, mua sắm, đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Cũng theo TS. Hiếu, những điểm mới trong Luật Đất đai 2024 sẽ gia tăng cơ hội sở hữu nhà ở cho Việt kiều tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy nguồn kiều hối vào thị trường địa ốc. Trong đó, việc mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều là một trong những điểm mới nổi bật của Luật, gỡ bỏ rào cản pháp lý cũng như khẳng định quyền sở hữu bất động sản bình đẳng cho Việt kiều.
Khơi thông cuối năm
Mới đây, TP.HCM triển khai một số chính sách mới được kỳ vọng sẽ thu hút lượng kiều hối hiệu quả hơn trong thời gian tới. Trong đó, ngày 27/9, UBND TP.HCM phê duyệt Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn Thành phố từ nay đến năm 2030. Theo đó, TP.HCM đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét cho phép người nước ngoài có gốc Việt Nam không cư trú ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng được mở tài khoản, được lựa chọn giữ tiền gửi bằng ngoại tệ hoặc bằng VND được chuyển gốc và lãi bằng ngoại tệ đã chọn.
Ông Trịnh Hoài Nam, Giám đốc Công ty kiều hối Vietcombank (VCBR) cho rằng, chính sách cần hỗ trợ tốt hơn nữa quá trình chuyển USD từ một tổ chức nào đó ở Mỹ về cho các cá nhân đang làm việc cho tổ chức đó ở Việt Nam. Lượng ngoại tệ chuyển về này không nhỏ vì số người như vậy không ít và sẽ tăng hơn nữa do chi phí lao động thấp hơn thuê người tại Mỹ.
Theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, kiều hối về Việt Nam ngày càng gia tăng, là nguồn vốn lớn bổ sung vào đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Đặc biệt, với việc Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 cho phép kiều bào về đầu tư, kinh doanh bất động sản như người dân trong nước, dòng kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa có cơ chế, chính sách cụ thể thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối.
Để thu hút nguồn vốn kiều hối nhiều hơn cho phát triển kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề nghị, trước mắt cho phép gửi tiết kiệm ngoại tệ tính lãi suất 1 - 2%/năm, thay vì mức 0% như hiện nay. Với mức tăng tỷ giá hằng năm từ 3 đến 5%, thì mức lãi suất này vẫn thấp hơn so với lãi suất tiết kiệm VND. Về lâu dài, chính quyền địa phương có thể thực hiện phát hành trái phiếu thu hút nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, hàng không, đường sắt...