Khơi thông 'dòng chảy' bất động sản và nhà ở xã hội

Ngày 15-7, bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát, Trưởng đoàn công tác số 2 cùng đoàn công tác giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) từ năm 2015 đến năm 2023” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Làm việc với đoàn có các ông: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Còn nhiều bất cập

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Ngọc Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 15 dự án NƠXH đưa vào sử dụng với 3.783 căn hộ đã bàn giao cho khách hàng. Từ năm 2015 đến cuối năm 2023, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn đã giải ngân 831 tỷ đồng cho 1.776 khách hàng vay để mua, thuê mua NƠXH… Đối với thị trường BĐS, giai đoạn 2015 - 2023, trên địa bàn tỉnh có 12 dự án chuyển nhượng được UBND tỉnh chấp thuận. Trong đó, có 5 dự án khu đô thị, 2 dự án khu dân cư, 1 dự án nhà ở cao tầng, 2 dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, 2 dự án cao ốc, căn hộ du lịch (condotel). Trên thị trường có 46.539 giao dịch BĐS.

3 khối nhà tại Dự án nhà ở xã hội HQS. Ảnh: V.K

3 khối nhà tại Dự án nhà ở xã hội HQS. Ảnh: V.K

Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn còn những tồn tại như: Nguồn cung BĐS chưa đa dạng, thiếu sản phẩm chung cư với giá mức trung bình phù hợp với đại bộ phận người dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp; giá BĐS, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng so với mặt bằng thu nhập của người dân...; các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, nhà ở còn có điểm chưa thống nhất, mâu thuẫn, chưa có quy định riêng về trình tự, thủ tục chấp thuận đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư từng loại dự án BĐS, nhất là dự án nhà ở, dẫn đến lúng túng trong việc thực hiện.

Ông Trần Quang Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Lan Anh - chủ đầu tư Dự án Nha Trang City Central (TP. Nha Trang) cho biết, dự án đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 8-1-2018; Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường) cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và tài sản trên đất ngày 30-10-2020. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã nhiều lần nộp văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử hữu căn hộ nhưng chưa được giải quyết. Công ty kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm tháo gỡ khó khăn để không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

Theo ông Lê Đại Dương - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, hiện nay, số lượng nhà chung cư trên địa bàn Nha Trang đủ điều kiện bàn giao và đưa vào sử dụng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, công tác quản lý vận hành lại xảy ra nhiều tranh chấp, khiếu nại kéo dài. Do các quy định của pháp luật chưa thống nhất nên gây khó khăn, lúng túng trong việc quản lý, xử lý vướng mắc, tranh chấp.

Những giải pháp tháo gỡ

Đến nay, tỉnh đã cấp 269 giấy chứng nhận quyền sở hữu cho các căn hộ codotel. Ông Cao Thanh Vũ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ tại Dự án Nha Trang City Central kéo dài là do trước khi có Nghị định số 10 của Chính phủ ngày 20-5-2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thì sở không có cơ sở giải quyết. Khi áp dụng Nghị định số 10 vào dự án này cũng còn vướng mắc bởi mục tiêu dự án không thể hiện chủ trương bán hoặc cho thuê đối với loại hình này. Trong thời gian tới, sở sẽ đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và mục tiêu đầu tư, trong đó thể hiện chủ trương bán căn hộ để có cơ sở cấp giấy chứng nhận cho từng căn hộ. UBND tỉnh cũng đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, sớm có văn bản hướng dẫn để tỉnh tháo gỡ các vướng mắc khi cấp giấy chứng nhận cho người mua BĐS trong các dự án kinh doanh BĐS không phải dự án phát triển nhà ở.

Theo ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng, đối với các dự án NƠXH, ngân sách nhà nước không đảm bảo được nguồn hỗ trợ cho người mua và chủ đầu tư. Giai đoạn 2016 - 2021, Chính phủ mới bố trí được 2.163 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, nhưng mới chỉ đáp ứng được 27% nhu cầu. Từ tháng 4-2023, Nhà nước có gói cho vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng từ 4 ngân hàng thương mại nhà nước để cho chủ đầu tư và người dân vay, lãi suất khoảng 6,5%. Đến nay, có thêm 4 ngân hàng thương mại khác tham gia, nâng tổng số nguồn vốn ưu đãi lên 140.000 tỷ đồng. Cùng với đó, gói vay kéo dài thời gian cho vay và mở rộng đối tượng cho vay sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người mua NƠXH.

Tòa nhà chung cư VCN Phước Long 2 (TP. Nha Trang).

Tòa nhà chung cư VCN Phước Long 2 (TP. Nha Trang).

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là phát triển bền vững trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại (tăng tỷ lệ lao động dịch vụ, công nghiệp và xây dựng), phát huy hiệu quả của 3 vùng động lực phát triển (khu vực vịnh Cam Ranh; Khu Kinh tế Vân Phong; TP. Nha Trang). Đến nay, các đồ án quy hoạch lớn trên địa bàn tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các đồ án quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu đang ở bước lập, trình thẩm định làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là cơ sở để kêu gọi đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu thập thấp, nhà ở cho công nhân, thiết chế công đoàn… góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra. Với những chính sách được tháo gỡ, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh sẽ là tín hiệu khả quan cho thị trường BĐS trong thời gian tới.

MẠNH HÙNG - THÁI THỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202407/khoi-thong-dong-chay-bat-dong-san-va-nha-o-xa-hoi-4bf4519/
Zalo