Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Các chương trình, dự án, chính sách thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, cùng các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng ĐBDTTS và miền núi, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT - XH trên địa bàn tỉnh.
Đời sống vật chất, tinh thần nâng cao
Trùng Khánh là huyện vùng cao biên giới, ĐBDTTS chiếm trên 98%. Xác định thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, huyện lồng ghép nguồn vốn CTMTQG với các chương trình, dự án khác đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Trong 2 năm (2023 - 2024), với nguồn vốn được phân bổ gần 400 tỷ đồng, huyện đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt, đường, mương thủy lợi, trạm y tế, nhà văn hóa xóm, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, nước sinh hoạt tập trung... Triển khai chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò sinh sản và tiêu thụ bò thương phẩm tại các xã: Quang Trung, Lăng Hiếu, Ngọc Côn, Phong Nặm, Phong Châu, Đàm Thủy. Năm 2024, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 730 hộ nghèo, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 77 hộ nghèo…
Trưởng Phòng Dân tộc huyện Hoàng Đức Độ cho biết: Các dự án, chương trình, chính sách dân tộc được triển khai hiệu quả tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho ĐBDTTS. Đến nay, 100% dân số được sử dụng điện, trên 98% dân số được dùng nước sạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,34%...
Được sự hỗ trợ các chương trình, bà con xóm Lũng Tỳ, xã Lương Thông (Hà Quảng) có nhiều đổi thay. Xóm có 51 hộ dân tộc Mông, Dao sinh sống rải rác trên sườn núi. Trước đây, cuộc sống của bà con khó khăn, trẻ em không được đến trường, không có điện, nước sinh hoạt phụ thuộc vào thiên nhiên, đường lên xóm dốc và hiểm trở. Nhờ các chương trình, chính sách dân tộc đến nay đường vào xóm được đầu tư, mở rộng, người dân được sử dụng nước sạch, 100% hộ có điện lưới quốc gia, 100% trẻ em trong độ tuổi được đi học, xóm không có tệ nạn xã hội, an ninh trật tự được giữ vững. Nhiều hộ đưa giống mới vào gieo trồng và thâm canh 2 vụ/năm. Ngoài cây ngô, bà con trồng thêm đỗ tương, lạc, chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng lúa cho năng suất cao. Đầu tư chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, lợn, gà… Anh Triệu Quốc Kim, Trưởng xóm cho biết: Chúng tôi mong các ngành chức năng quan tâm, đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn thuộc các CTMTQG; hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện các mô hình hiệu quả; hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con, tạo việc làm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng cao.
Nhờ nguồn hỗ trợ từ các dự án, chương trình, ĐBDTTS đổi mới phương thức canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tại các vùng ĐBDTTS hình thành nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng cây dược liệu, cây trúc sào huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc; gừng trâu, thuốc lá, lạc hàng hóa, nuôi lợn đen huyện Hà Quảng; hồi, thạch đen huyện Thạch An; chăn nuôi trâu, bò huyện Bảo Lâm...
Công tác giáo dục và đào tạo đối với ĐBDTTS được quan tâm, đầu tư. Các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa ĐBDTTS được bảo tồn; y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ĐBDTTS được chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho ĐBDTTS được khám, chữa bệnh…
Từ Những chính sách hợp lòng dân
Công tác dân tộc và chính sách dân tộc được các cấp, các ngành triển khai thực hiện kịp thời. Đặc biệt là 3 CTMTQG với trọng tâm là CTMTQG phát triển KT - XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn I, từ năm 2021 - 2025 được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng. Hệ thống các chính sách về công tác dân tộc được Trung ương, tỉnh và các địa phương ban hành đầy đủ.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bế Văn Hùng cho biết: Ban Dân tộc triển khai, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn kịp thời. Phối hợp với các ngành, địa phương huy động, lồng ghép các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế các vùng, miền…, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho ĐBDTTS. Tuyên truyền, phổ biến nội dung các chương trình, dự án…, kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc của bà con ĐBDTTS. Nhờ đó, an ninh chính trị, trật tự xã hội trong vùng ĐBDTTS được giữ vững, đời sống người dân được cải thiện.
Ban Dân tộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán của từng địa phương; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người có uy tín. Chỉ đạo các cấp, ngành nắm tình hình trong vùng ĐBDTTS, kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền triển khai các chương trình, dự án; kiểm tra, đánh giá, giám sát việc thực hiện các dự án, chương trình, chính sách, kịp thời phát hiện và khắc phục những sai sót trong quá trình thực hiện…
Thực hiện CTMTQG phát triển KT - XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Ban Dân tộc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai 10 dự án, 13 tiểu dự án, 15 nội dung liên quan đến ĐBDTTS. Năm 2024, tổng số vốn thực hiện CTMTQG phát triển KT - XH vùng ĐBDTTS và miền núi 2.240.116 triệu đồng. Trong đó, vốn năm 2022, 2023 chuyển nguồn sang năm 2024 là 713.326 triệu đồng, năm 2024 là 1.528.990 triệu đồng. Ước thực hiện đến ngày 31/12/2024, giải ngân đạt khoảng trên 65%. Nguồn vốn hỗ trợ các địa phương vùng ĐBDTTS xây dựng hạ tầng cơ sở, bố trí đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sạch, y tế, văn hóa, giáo dục; tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho ĐBDTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới..., góp phần thay đổi đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân vùng khó khăn.
Giai đoạn 2016 - 2025, Ban Dân tộc tham mưu UBND tỉnh thực hiện một số chương trình, đề án hỗ trợ phát triển dân tộc thiểu số rất ít người theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Với kinh phí trên 40 tỷ đồng, tỉnh đầu tư 5 dự án hạ tầng cơ sở, đường, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà công vụ giáo viên, công trình cấp nước sinh hoạt tại các xóm đồng bào dân tộc Lô Lô: Cà Đổng, Cà Pẻn A, xã Đức Hạnh (Bảo Lâm); Khau Chang, Khau Cà, xã Hồng Trị, Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc). Cùng với đầu tư hạ tầng cơ sở, hỗ trợ 1.079.316 cây lâm nghiệp, 354 con bò cái sinh sản, làm chuồng trại, mua tăng âm, loa truyền thanh, hỗ trợ thành lập và duy trì đội văn nghệ, khôi phục sản xuất nhạc cụ, trang phục dân tộc cho 11 xóm, nghiên cứu, phục dựng lễ hội dân tộc Lô Lô, nghi lễ đám cưới của người Lô Lô, bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc); tổ chức truyền dạy tiếng dân tộc Lô Lô giúp đồng bào thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất, ổn định dân cư; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.
Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng ĐBDTTS” được triển khai, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Chính sách đối với người có uy tín trong vùng ĐBDTTS tiếp tục được quan tâm, đảm bảo quyền lợi của người có uy tín theo đúng quy định.
Các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với vùng ĐBDTTS được triển khai đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, có sự tham gia của người dân trong việc lựa chọn đối tượng, nội dung đầu tư; hỗ trợ, giám sát quá trình tổ chức thực hiện chính sách tạo động lực mới, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm trên 4%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50,9%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 38,8%; 96% hộ DTTS có thẻ bảo hiểm y tế. Thu nhập bình quân đạt 46,98 triệu đồng/người/năm; 95% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 94% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, không xảy ra những điểm nóng phức tạp.