Khởi sắc vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Năm 2024 đã khép lại với nhiều dấu ấn nổi bật trong công tác dân tộc, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sự quan tâm từ Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và sự nỗ lực vươn lên của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại những thành tựu to lớn, đặt nền tảng vững chắc cho năm 2025.

Những thành tựu nổi bật trong năm 2024

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, năm 2024, công tác dân tộc đã nhận được sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ từ Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị ở các cấp. Điều này đã dẫn đến những kết quả quan trọng trong việc triển khai các chính sách dân tộc.

 69,1% số trạm y tế xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bác sĩ, y tá đủ khả năng khám chữa bệnh hiệu quả cho người dân. Nguồn: ITN

69,1% số trạm y tế xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bác sĩ, y tá đủ khả năng khám chữa bệnh hiệu quả cho người dân. Nguồn: ITN

Đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 17 tỉnh đã ban hành Nghị quyết lựa chọn huyện thí điểm phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 - 2025; 31 địa phương đã ban hành các văn bản điều hành về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hàng năm, điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm, lập thủ tục chuyển nguồn kế hoạch vốn các năm trước sang năm 2024. Đặc biệt, 16 tỉnh đã dành ngân sách địa phương để ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm hỗ trợ vay vốn cho các đối tượng chính sách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong năm 2024, các tỉnh Tây Bắc đạt mức tăng trưởng bình quân 8,0%, Tây Nguyên đạt 7,5% và Tây Nam Bộ đạt 7,0%. Những con số này phản ánh nỗ lực của chính quyền địa phương kết hợp với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế.

Hiện tại, khoảng 98,4% số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có đường ô tô đến trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và di chuyển của người dân. Cũng trong năm qua, 96,7% hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia, trong khi hệ thống giáo dục đã có sự tiến bộ rõ rệt, khi 100% xã có trường lớp từ mầm non đến trung học cơ sở. Về y tế, 99,3% số xã trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trạm y tế, với 83,5% trong số đó đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Đặc biệt, 69,1% số trạm y tế có bác sĩ, y tá đủ khả năng khám, chữa bệnh hiệu quả cho người dân.

 Nhiều trạm y tế xã tại vùng đồng bào dân tộc thiểu đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Nhiều trạm y tế xã tại vùng đồng bào dân tộc thiểu đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Về thông tin và truyền thông, hơn 90% số xã trong khu vực đã được phủ sóng phát thanh và truyền hình, 100% xã có hạ tầng viễn thông và dịch vụ di động. Điều này tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Nhiều tỉnh trong vùng có tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm trên 3%, vượt mục tiêu đề ra trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2045. An ninh trật tự tại địa phương được duy trì ổn định; khối đại đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cần sự thay đổi mạnh mẽ

Mặc dù đã gặt hái nhiều thành tựu, đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Tỷ lệ hộ nghèo tại đây cao gấp 2,5 - 3 lần mức trung bình toàn quốc; nhiều gia đình vẫn gặp khó khăn trong việc có đủ đất ở và sản xuất.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên biết tiếng dân tộc, đã dẫn đến chất lượng giáo dục không đồng đều. Ngành y tế cũng đang gặp khó khăn khi nhiều trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa chưa đạt chuẩn; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế cơ bản và khoảng cách xa giữa các cơ sở y tế với cư dân làm giảm khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

 Nhiều trạm y tế xã tại vùng đồng bào dân tộc thiểu đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Nhiều trạm y tế xã tại vùng đồng bào dân tộc thiểu đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Sự chênh lệch về mức sống và thu nhập giữa các vùng dân tộc thiểu số và miền núi với khu vực đồng bằng vẫn rất lớn. Mặc dù các chính sách hỗ trợ sinh kế đã được triển khai, nhưng còn nhiều bất cập trong việc đồng bộ hóa, dẫn đến hiệu quả giảm nghèo không được như mong đợi. Các chuyên gia cho rằng, thực tế đó đặt ra yêu cầu phải có sự đổi mới mạnh mẽ trong phương thức lãnh đạo, tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành và thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ủy ban Dân tộc đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng trong năm 2025. Cụ thể là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành với tinh thần quyết liệt, sâu sát; tăng cường phân cấp, xác định rõ nhiệm vụ gắn liền với trách nhiệm và quyền hạn cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công việc. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ được đặt lên hàng đầu, cùng với việc bố trí và sắp xếp cán bộ phù hợp với chuyên môn, năng lực, trình độ tương ứng với từng vị trí việc làm.

Các chuyên gia khẳng định rằng, nhiệm vụ công tác dân tộc năm 2025 mang tính chất nền tảng cho việc thực hiện các chương trình, chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn tiếp theo. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt hơn từ các cấp ủy, chính quyền nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng thiểu số và miền núi.

Các bộ, ngành và địa phương cũng cần nỗ lực nâng cao công tác giải ngân nguồn vốn cho các chương trình, chính sách dân tộc, đặc biệt là nguồn vốn trong Chương trình 1719 (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025).

Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần tham mưu, đề xuất Chính phủ phân bổ vốn cho các địa phương thực hiện chính sách trong thời gian tới; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các dự án nhằm tránh tình trạng phân tán và manh mún, tối ưu hóa nguồn lực của Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Dương Cầm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khoi-sac-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-post401124.html
Zalo