Khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Phú Tân

Những ngày cuối năm, nông dân trồng lúa, nếp huyện Phú Tân phấn khởi thu hoạch dứt điểm vụ thu đông, tổng diện tích hơn 12.500ha. Theo thống kê của ngành chuyên môn, thời tiết năm nay gặp nhiều bất lợi, sau nhiều nỗ lực, kết quả cuối vụ của nông dân tương đối ổn định. Năng suất lúa, nếp đạt 5,85 tấn/ha, giá bán được thu mua cao hơn so cùng kỳ từ 500 - 700 đồng/kg. Ước tính bình quân lợi nhuận, nếu sản xuất trên đất nhà, nông dân có lời từ 15 - 20 triệu đồng/ha, còn trồng lúa trên đất thuê thì có lời từ 10 - 13 triệu đồng/ha.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, đến nay, huyện có thêm 3 trường đạt chuẩn quốc gia. Các chỉ tiêu dạy nghề, giới thiệu việc làm, tạo việc làm mới cho người lao động đều vượt so kế hoạch đề ra. Đặc biệt, huyện quan tâm thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đến cuối năm 2024, huyện đã giảm 0,58/0,5% hộ nghèo (đạt 116,6% kế hoạch); giảm 1,6%/1,5% hộ cận nghèo (đạt 107,04% kế hoạch). Các phong trào thi đua được tổ chức phát động kịp thời, góp phần động viên các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, công chức, người lao động … trong học tập, lao động, công tác.

Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Thị Tuyết Minh, nhìn chung, năm 2024, tình hình KTXH của huyện có nhiều khởi sắc. Quy mô giá trị sản xuất đạt kết quả khá; thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán; đời sống, thu nhập của người lao động được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội và quốc phòng - an ninh được giữ vững. Đến cuối năm 2024, UBND huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết HĐND huyện đề ra (còn chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế).

Tham quan cửa hàng sản phẩm OCOP huyện Phú Tân

Tham quan cửa hàng sản phẩm OCOP huyện Phú Tân

Về phát triển kinh tế, tổng giá trị sản xuất hơn 15.000 tỷ đồng, so cùng kỳ tăng 7,69%, đạt 106,67% so nghị quyết. Sản xuất nông nghiệp được thúc đẩy bằng nhiều giải pháp, duy trì tăng trưởng, ổn định đời sống của người dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giảm phát thải, hướng đến phát triển bền vững. Trong đó, huyện tích cực triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, có 11 xã, thị trấn đăng ký, với diện tích 929ha; vụ thu đông đã tổ chức 9 mô hình điểm tại 8 địa phương, với diện tích 100ha.

Tiếp tục duy trì liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là trên lúa, nếp và cây rau màu. Toàn huyện hiện có 839,77ha trồng cây ăn trái, đã thu hoạch diện tích 596,44ha, tổng sản lượng ước đạt 8.549,15 tấn. Chăn nuôi - thủy sản duy trì ổn định, không phát sinh dịch bệnh, sản lượng thu hoạch 41.500 tấn, tăng 500 tấn so kế hoạch và tăng 1.000 tấn so cùng kỳ. Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ cho chuyển đổi và ứng dụng công nghệ cao đã đưa vào sử dụng tại 3 xã: Bình Thạnh Đông, Tân Trung, Phú Long và thị trấn Chợ Vàm. Địa phương còn quan tâm hỗ trợ nông thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đến nay, huyện Phú Tân có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Thị Tuyết Minh đánh giá, sản phẩm OCOP của huyện Phú Tân tuy còn khiêm tốn về số lượng (11 sản phẩm) so các huyện, tuy nhiên chất lượng sản phẩm đảm bảo và tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Định hướng phát triển trong năm 2025, trong lĩnh vực nông nghiệp, UBND huyện yêu cầu các địa phương quan tâm xác định sản phẩm trọng tâm để hỗ trợ, đăng ký và phấn đấu có sản phẩm đạt OCOP. Với những địa phương đã có sản phẩm được công nhận, tiếp tục cải tiến mẫu mã, đưa sản phẩm “nâng sao” và tận dụng các kênh, mạng xã hội quảng bá, tiếp cận rộng rãi đến người tiêu dùng.

Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng; thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện tiếp tục duy trì ổn định, phát triển nhiều cơ sở mới, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Các ngành chuyên môn tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả hàng hóa thiết yếu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kích cầu tiêu dùng; quan tâm thực hiện công tác quản lý, thúc đẩy hoạt động thương mại, kinh doanh tại các chợ.

Cùng với “điểm sáng” về kinh tế, lĩnh vực thu, chi ngân sách, giáo dục, an sinh xã hội, văn hóa - thông tin được thực hiện đảm bảo. Huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Chuyển đổi số huyện Phú Tân giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2023, huyện đạt 6/11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (Quyết định 1044/QĐ-UBND, ngày 27/6/2024 của UBND tỉnh).

So với mặt bằng chung các huyện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của huyện Phú Tân nằm trong “tốp” huyện có tỷ lệ giải ngân cao. Thời gian tới, UBND huyện yêu cầu các đơn vị tập trung chỉ đạo tăng tốc giải ngân đầu tư công, tuy nhiên không vì chỉ tiêu mà thiếu sự kiểm tra, giám sát các nhà thầu thi công, đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng các công trình ở địa phương.

Giai đoạn nước rút cuối năm, UBND huyện Phú Tân yêu cầu các xã, thị trấn tăng tốc hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu trong năm để có cơ sở, tiền đề phương hướng đặt ra chỉ tiêu của năm 2025 và khái quát được tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua 5 năm

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/khoi-sac-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-o-huyen-phu-tan-a411988.html
Zalo