Khởi sắc Nậm Tăm
Phát huy tiềm năng, lợi thế cấp ủy, chính quyền xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) triển khai nhiều giải pháp đúng đắn, thuận với lòng dân, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, tạo diện mạo mới trên miền quê tái định cư.
Về với Nậm Tăm những ngày đầu xuân, chúng tôi cảm nhận được không khí chào đón năm mới khắp các bản làng. Những con đường rợp bóng cờ hoa, người dân hăng say lao động, sản xuất, buôn bán tấp nập. Các đội văn nghệ quần chúng cùng nhau tập luyện để biểu diễn mừng xuân mới, văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát triển tạo không khí phấn khởi mừng Đảng, mừng xuân.
Nậm Tăm theo tiếng dân tộc Lự có nghĩa là (nước húc đá) hoặc có thể hiểu là nước chảy siết đẩy tảng đá đi. Trước đây, cuộc sống của người dân rất khó khăn, sản xuất lạc hậu, trình độ dân trí thấp kéo theo nhiều hủ tục. Để thay đổi nhận thức của người dân, nhiều biện pháp được triển khai, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Trong tuyên truyền, các cán bộ nêu lên những tấm gương vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế làm động lực cho dân phấn đấu, chỉ ra những hướng đi mới, thuận lợi, giúp bà con thấy được tiềm năng, lợi thế mà khai thác.
Đồng thời cấp ủy, chính quyền địa phương vận động người dân khai hoang, tham mưu lên UBND huyện hỗ trợ cây trồng, vật tư nông nghiệp, tìm kiếm thị trường tiềm năng để nông sản của người dân được quảng bá, xuất bán nhiều nơi. Xã còn kêu gọi đầu tư từ bên ngoài, nâng cao tỉ lệ lao động có việc làm. Đối với các hủ tục, tìm cách xóa bỏ, phục dựng, duy trì bản sắc văn hóa, tổ chức thường xuyên các ngày hội để lưu giữ truyền thống và còn là tiền đề phát triển du lịch.
Mưa dầm thấm lâu, nhận thức người dân ở 10 bản của xã từng bước thay đổi, việc trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ không còn hiện diện mà thay vào đó là ý thức tự giác vươn lên. Hằng ngày, bà con dân bản tích cực chăm sóc ngô, lúa, khai phá thêm những vùng đất mới để tăng diện tích sản xuất. Giờ đây, ngô, lúa đã tăng lên 2 vụ với các loại giống chất lượng, có hệ thống kênh mương thủy lợi dẫn nước, từ gieo trồng đến chăm sóc, thu hoạch đều theo kỹ thuật. Nhờ vậy, tổng sản lượng lương thực có hạt của xã đạt 3.146,4 tấn, bình quân lương thực đạt 664,6kg/người/năm. Các mô hình trồng cây ăn quả, nuôi ong lấy mật, bò, dê sinh sản, trâu vỗ béo, lồng bè nuôi cá phát triển mạnh. Hiện nay, toàn xã có 133,5ha cây ăn quả, 457 đàn ong, 18ha nuôi thủy sản, gần 26.000 con gia súc, gia cầm. Đặc biệt, với diện tích 1.151,5ha cây cao su, có nhà máy chế biến mủ cao su và 2 mỏ khai thác đá, cát, sỏi đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Ngoài ra, kinh doanh thương mại, dịch vụ phát triển với gần 100 cửa hàng, hệ thống siêu thị, điểm chợ, hoạt động buôn bán, trao đổi nông sản diễn ra phong phú.
Ở các bản, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt khó nâng cao, nhiều câu lạc bộ được thành lập cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ vốn, con giống, chung tay xây dựng, phát triển các mô hình để cùng hưởng lợi. Xã chú trọng nâng cấp đường giao thông nông thôn, phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, cổ vũ, tuyên dương tấm gương sáng, mô hình tiên tiến. Bên cạnh đó, phát triển du lịch cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa.
Anh Lò Văn Sâu – Chủ tịch UBND xã cho biết: Hết năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 17,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng và xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016. Những năm tiếp theo, xã tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để nâng cao cuộc sống người dân, thay đổi bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.