Khởi sắc kinh tế trang trại
Những năm qua, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc góp phần quan trọng nâng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản; thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tại các địa phương xuất hiện nhiều chủ trang trại có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Xuất hiện nhiều tỷ phú
Huyện Tân Yên có số lượng trang trại lớn nhất tỉnh với gần 200 trang trại thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và tổng hợp. Riêng xã Việt Lập có 25 trang trại được cấp giấy chứng nhận, mỗi năm các trang trại có doanh thu từ 1- 3 tỷ đồng. Trên địa bàn xã dần hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung như bưởi, ổi, nhãn muộn, vú sữa cho thu nhập từ 200-250 triệu đồng/ha tại các thôn: Um Ngò, Nguyễn, Đồng Sen, Văn Miếu, Trong Giữa… Trong đó có hai mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động đối với cây bưởi của hộ ông Nguyễn Việt Tùng, thôn Trong Giữa (1 ha) và hộ ông Nguyễn Văn Thanh, thôn Lý (1,5 ha). Ngoài ra, Việt Lập còn có vùng chăn nuôi lợn, gia cầm kết hợp thủy sản tại nhiều thôn.
Ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch UBND xã Việt Lập cho biết: “Kinh tế trang trại đã giúp người dân địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, vốn và khoa học kỹ thuật, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất hàng hóa, đồng thời hình thành một số vùng sản xuất tập trung. Đặc biệt, các trang trại tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, có đóng góp quan trọng để địa phương về đích nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2023”.
Huyện Lục Nam hiện có 106 trang trại, trong đó 10 trang trại trồng trọt, 77 trang trại chăn nuôi, 4 trang trại thủy sản, 6 trang trại lâm nghiệp, 9 trang trại tổng hợp. Theo ông Lê Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, trang trại, gia trại có xu hướng tăng, mô hình nông hộ giảm dần. Các chủ trang trại đều hình thành tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn gắn với quy luật thị trường, đầu tư chuồng kín với hệ thống làm mát, máng ăn và nước uống tự động; xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể biogas, chế phẩm vi sinh và áp dụng quy trình an toàn sinh học. Đáng chú ý, nhiều trang trại sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Trên địa bàn tỉnh còn nhiều trang trại áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, cho hiệu quả kinh tế cao, có liên kết tiêu thụ sản phẩm và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Điển hình như trang trại cây ăn quả của gia đình ông Lưu Văn Sáng, xã Quý Sơn (TX Chũ) cho doanh thu từ 3-5 tỷ đồng/năm; trang trại trồng rừng gỗ lớn của hộ các ông: Nguyễn Văn Đoàn, xã Tân Lập; Hoàng Văn Thắng, xã Đèo Gia (Lục Ngạn) cho doanh thu 6-8 tỷ đồng sau chu kỳ trồng 5 năm; trang trại cam của gia đình ông Trịnh Sư Hòa, xã Kiên Lao (TX Chũ) cho doanh thu 9-10 tỷ đồng/năm; trang trại trồng bưởi kết hợp du lịch sinh thái của gia đình ông Nguyễn Văn Hữu, phường Thanh Hải (TX Chũ) cho doanh thu 6-7 tỷ đồng/năm…
Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa
Phong trào thi đua làm kinh tế trang trại, cải tạo vườn tạp, ao hồ thành hệ thống vườn, ao, chuồng, rừng (VACR) thâm canh, chuyên canh phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây. Nhờ đó, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi tăng rõ rệt, thị trường tiêu thụ nông sản mở rộng, nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong cả nước biết đến. Theo thống kê của cơ quan chức năng, Bắc Giang hiện có 586 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT; ngoài ra, toàn tỉnh có 885 hộ nuôi con đặc sản như: Ba ba, tắc kè, cầy hương, dúi, cá lăng, cá tầm, nhím, lợn rừng, vịt trời… cho hiệu quả kinh tế cao.
Các chủ trang trại đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm, áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch; bảo quản sản phẩm trong kho lạnh; sử dụng giống mới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học…
Bắc Giang hiện có 586 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngoài ra, toàn tỉnh có 885 hộ nuôi con đặc sản như: Ba ba, tắc kè, cầy hương, dúi, cá lăng, cá tầm, nhím, lợn rừng, vịt trời… cho hiệu quả kinh tế cao.
Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp nói chung, trang trại nói riêng. Toàn tỉnh đã triển khai 86 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, trong đó lĩnh vực trồng trọt có 51 chuỗi, chăn nuôi 10 chuỗi, thủy sản 25 chuỗi. Một số chuỗi điển hình như: Liên kết chăn nuôi gà đồi và dê thương phẩm an toàn sinh học (Yên Thế); liên kết chăn nuôi vịt an toàn sinh học (Hiệp Hòa); liên kết chăn nuôi và tiêu thụ dê thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAHP tại xã Vô Tranh (Lục Nam).
Nhiều trang trại liên kết chăn nuôi gia công với các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn RTD… Cùng đó, đã hình thành nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn gắn với du lịch sinh thái; hiện tổng diện tích nhà lưới, nhà màng toàn tỉnh đạt hơn 360 nghìn m2…
Để các trang trại phát huy hiệu quả hơn nữa, theo Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian tới, các ngành, địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện để chủ trang trại tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nâng cao trình độ quản lý. Đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, sinh thái; chú trọng sản xuất theo hướng tuần hoàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn OCOP để gia tăng giá trị nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác, vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn gắn với công nghiệp chế biến, góp phần thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng bền vững.
Tăng cường vận động, khuyến khích nông dân mạnh dạn dồn điền, đổi đất để quy hoạch phát triển kinh tế VACR. Cùng với đó là tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ sang phát triển theo hướng hàng hóa, trong đó ưu tiên các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Phấn đấu hình thành khu, vùng chăn nuôi tập trung, khép kín, xa khu dân cư và ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại thân thiện với môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, truy xuất được nguồn gốc.