Khôi phục sản xuất ngành trồng trọt

Bão, lũ ở các địa phương phía bắc vừa qua khiến ngành nông nghiệp nước ta thiệt hại rất lớn, trong đó riêng lĩnh vực trồng trọt hơn 4.000 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cũng như bà con nông dân đang nỗ lực khôi phục sản xuất. Nhiều giải pháp được đưa ra như: Tiêu thoát nước ở những diện tích bị ngập; bảo đảm lượng giống để khôi phục sản xuất; ưu tiên gieo trồng những loại rau ăn lá ngắn ngày đáp ứng nhu cầu tiêu dùng…

 Người dân xã Văn Xá, huyện Kim Bảng (Hà Nam) thu hoạch lúa sau bão.

Người dân xã Văn Xá, huyện Kim Bảng (Hà Nam) thu hoạch lúa sau bão.

Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: Ðến sáng 18/9, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa, lũ đã làm hơn 300.000 ha cây trồng bị thiệt hại; trong đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng là 200.000 ha, rau màu 51.000 ha và 61.000 ha cây ăn quả, cây công nghiệp…”.

Theo Cục Thủy lợi, các hệ thống thủy lợi liên tỉnh Bắc Ðuống, Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà, Sông Nhuệ đang vận hành tối đa trong khả năng các công trình đầu mối tiêu thoát nước ra sông. Ðến sáng ngày 18/9, các địa phương và công ty thủy lợi khu vực Bắc Bộ đã vận hành 428 trạm bơm với 1.800 máy bơm và mở 122 cống để tiêu nước.

Mặc dù vậy, việc phòng, chống úng còn gặp khó khăn do mất điện và lũ sông ngoài cao ảnh hưởng đến khả năng vận hành; nhiều công trình phải dừng vận hành dài ngày như: Các công trình dọc sông Cầu của hệ thống thủy lợi Bắc Ðuống; dọc sông Ðáy, sông Hồng của hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà, Sông Nhuệ.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung: “Bão, lũ ước tính thiệt hại trong lĩnh vực trồng trọt hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó lúa khoảng 3.000 tỷ đồng; rau màu, cây ăn quả… khoảng 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là con số ước tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương đang tiếp tục thống kê, rà soát để có những số liệu cụ thể.

Ðể hạn chế thiệt hại do bão, lũ gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản hướng dẫn các địa phương phục hồi sản xuất sau bão, nhất là hoàn lưu sau bão. Trên cơ sở đó, tất cả những lĩnh vực trong ngành nông nghiệp đều có những hướng dẫn cụ thể để các địa phương và nhân dân khắc phục những diện tích cây trồng bị ngập, úng có thể hồi phục được; chủ động bơm tiêu úng đối với những diện tích cây trồng bị ngập với phương châm giúp người dân mau chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống… Bên cạnh đó, Bộ đã đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ… giúp nhân dân phục hồi sản xuất”.

Ðể đồng hành cùng các địa phương và bà con nông dân, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang chung tay, góp sức hỗ trợ để khôi phục sản xuất. Ðến sáng ngày 18/9, có nhiều doanh nghiệp, hiệp hội… thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ cây giống, phân bón, vật tư nông nghiệp… cùng tiền mặt giúp các địa phương và bà con nông dân phục hồi sản xuất với trị giá 15,2 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Vượng, đại diện Tập đoàn Quế Lâm cho biết: “Bão, lũ vừa qua, các mô hình trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ giữa tập đoàn và nông dân như: Lúa, cam, bưởi, ngô... nhiều nơi bị ngập. Một số nơi, khi nước rút, thóc bị mọc mầm hoặc mất trắng, cây ăn quả có nơi rụng từ 70 đến 80%, ngô đổ rạp. Ðể giúp nhân dân, thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập đoàn hỗ trợ 100 tấn phân bón hữu cơ để phục vụ khôi phục sản xuất”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo cũng chia sẻ: “Nhằm giúp nhân dân phục hồi sản xuất, công ty sẽ hỗ trợ 30 tấn giống ngô, 20 tấn giống lúa. Trên cơ sở đó, công ty sẽ phân bổ theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và giao trực tiếp để bảo đảm đúng giống cho địa phương có nhu cầu”.

Bảo đảm nguồn giống phục vụ sản xuất

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, hiện nay nhu cầu hạt giống và cây trồng để phục hồi, khôi phục sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt là rất lớn. Trong đó, với cây lúa cần 15 nghìn tấn giống để sản xuất vụ đông xuân 2024-2025; rau các loại cần 112,5 tấn và hơn 1.000 tấn giống ngô. Tuy nhiên, lượng giống trong kho dự trữ quốc gia đối với giống lúa chỉ còn hơn 4.100 tấn; hạt giống rau còn 0,25 tấn, giống ngô còn 257,4 tấn.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng: “Với sự chung tay của các doanh nghiệp, cộng với các nguồn lực khác và những chính sách hỗ trợ, chúng tôi tin tưởng số lượng giống để nhân dân khôi phục sản xuất sẽ bảo đảm. Theo đánh giá lúa giống hiện nay thiếu nhiều nhưng là phục vụ cho sản xuất vụ đông xuân 2024-2025 cho nên còn thời gian để bảo đảm nguồn cung ứng”.

Nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người nông dân, góp phần khắc phục hậu quả bão, lũ gây ra, bảo đảm kế hoạch sản xuất trồng trọt cho các địa phương phía bắc, Cục Trồng trọt cũng có văn bản đề nghị các hội, hiệp hội, doanh nghiệp… sản xuất, kinh doanh giống cây trồng xem xét, chủ động hỗ trợ giống cây trồng cho bà con nông dân tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn của mưa, bão, lũ; không nâng giá bán giống cây trồng; chủ động phương án sản xuất, kinh doanh bảo đảm đầy đủ số lượng, chất lượng giống cây trồng như: Lúa, ngô, rau màu, cây ăn quả... nhằm cung ứng kịp thời cho sản xuất.

“Sau bão số 3, lĩnh vực trồng trọt thiệt hại nhiều; vì vậy các địa phương cần đánh giá, phân loại những thiệt hại cụ thể. Cục cũng đề nghị các địa phương với những diện tích trồng rau, màu không khôi phục được cần dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị lượng giống để gieo trồng ngay; ưu tiên các giống cây rau, màu ngắn ngày chu kỳ 25 đến 30 ngày bảo đảm cung cấp cho thị trường để giúp nhân dân có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống; đối với những diện tích lúa còn khôi phục được cần khẩn trương tiêu thoát nước cứu lúa; những diện tích mất trắng dọn dẹp vệ sinh để trồng cây vụ đông sớm.

Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Trồng trọt

Ngoài ra, những diện tích cây ăn quả bị nghiêng, đổ bà con nông dân cần chống dựng, bón phân… để cây hồi phục, phát triển. Dự kiến, trong sản xuất vụ đông năm 2024 ở các địa phương phía bắc, diện tích sẽ được mở rộng thêm để bảo đảm nguồn rau, củ, quả cho người tiêu dùng.

Bão, lũ vừa qua cũng gây thiệt hại nặng cho nhiều diện tích cây có múi và chuối. Hai loại quả này vào dịp Tết Nguyên đán có nhu cầu nhiều, trong khi việc trồng mới để có quả phục vụ không kịp; vì vậy, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương có diện tích bị ảnh hưởng cần khôi phục, chăm sóc tối đa để có sản lượng tốt cho những nơi bị thiệt hại nặng.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/khoi-phuc-san-xuat-nganh-trong-trot-post390683.html
Zalo