Khôi phục nguyên trạng di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn
Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa tổ chức di dời dứt điểm về nơi mới, nhằm trả lại nguyên trạng không gian của di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn.
Sau hơn 40 năm “sống nhờ”, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiến hành di dời các hiện vật trưng bày ở di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn đến trụ sở mới, trả lại nguyên trạng di tích này cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý.
Theo đó thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Lịch sử tỉnh đã xây dựng kế hoạch di chuyển hiện vật tại kho cơ sở đến địa điểm mới ở 268 Điện Biên Phủ (TP Huế).
Hiện nay, tại kho của bảo tàng đang lưu giữ, bảo quản 32.107 hiện vật, trong đó có 2 bảo vật quốc gia là Bệ thờ Vân Trạch Hòa và Bộ chóp tháp Champa Linh Thái.
Ngoài ra ở đây cũng có nhiều hiện vật quan trọng như mỏ neo khổng lồ bằng gỗ, hệ thống súng, pháo từ thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ…
Các hiện vật được nhân viên bảo tàng cẩn thận dùng túi nhựa giảm va đập, xốp, đệm mút… quấn lên thành từng lớp dày, đặc biệt là hai bảo vật quốc gia.
Trong quá trình di chuyển hiện vật, đơn vị cũng yêu cầu lực lượng vận chuyển hết sức cẩn trọng, hạn chế tối đa lực tác động bên ngoài do cẩu, di dời làm ảnh hưởng đến hiện vật.
Sau khi toàn bộ hiện vật ở Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế được di dời đến trụ sở mới, di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn sẽ được bàn giao lại cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý để tiến hành trùng tu, phát huy giá trị.
Di tích Quốc Tử Giám cùng với hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn đã được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO vào năm 1993.
Do thời gian và thời tiết khắc nghiệt của xứ Huế khiến hệ thống cấu kiện bằng gỗ, tường ở hai dãy nhà học của di tích Quốc Tử Giám bị xuống cấp nghiêm trọng. Những năm gần đây, di tích này được tỉnh Thừa Thiên Huế lên kế hoạch xây dựng trở thành bảo tàng giáo dục khoa cử.