Khôi phục dữ liệu không cần trả tiền chuộc nhờ hợp tác quốc tế
Nhiều vụ tấn công mã hóa dữ liệu ở Việt Nam được xử lý hiệu quả nhờ hợp tác quốc tế, khi các quốc gia cung cấp công cụ giải mã giúp khôi phục mà không cần trả tiền chuộc, ông Vũ Ngọc Sơn, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia chia sẻ.

Thông tin được ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia cho biết tại tọa đàm "Công ước Hà Nội: Khuôn khổ pháp lý toàn cầu chống tội phạm mạng", tổ chức hôm 22/4.
Đóng góp thực chất và trách nhiệm của Việt Nam
Theo ông Nguyễn Hữu Phú, Phó Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, sự quan tâm của Liên Hợp Quốc (LHQ) đối với an ninh không gian mạng được khởi động từ năm 1998, khi Đại hội đồng quyết định thành lập nhóm công tác đầu tiên nhằm thảo luận về các vấn đề an ninh trong không gian mạng.

Ông Nguyễn Hữu Phú chia sẻ về tiến trình vận động thành lập Công ước Hà Nội.
Việt Nam không chỉ là quốc gia ủng hộ tiến trình từ sớm, mà còn chủ động đóng góp vào việc định hình nội dung và cơ chế đàm phán.
Sau nhiều năm thương thảo, tháng 9/2024, Công ước LHQ về chống tội phạm mạng đã chính thức hoàn thiện, lấy tên là "Công ước Hà Nội". Đây được xem là dấu mốc lớn không chỉ đối với an ninh mạng toàn cầu, mà còn là bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong vai trò chủ nhà của buổi lễ mở ký công ước, dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào năm 2025.
Việc Hà Nội được lựa chọn là nơi tổ chức sự kiện thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với những đóng góp thực chất và trách nhiệm của Việt Nam trong tiến trình đàm phán Công ước.
Tấn công mạng có thể liên quan nhiều quốc gia
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia khẳng định việc xử lý các hành vi phạm tội trên không gian mạng luôn đòi hỏi sự hợp tác đa quốc gia.
Dẫn chứng điển hình vụ tấn công vào các website chính phủ Mỹ và Hàn Quốc, trong đó máy chủ kiểm soát lần lượt được truy vết qua Anh rồi quay lại Mỹ. Điều đó cho thấy, một vụ tấn công có thể liên quan đến nhiều quốc gia khác nhau, chỉ khi có sự phối hợp nhịp nhàng, quá trình điều tra và xử lý mới đạt hiệu quả.

Ông Vũ Ngọc Sơn, chuyên gia Hiệp hội An ninh mạng quốc gia.
Cũng theo ông Sơn, đã có nhiều vụ việc mà Việt Nam phối hợp bắt giữ hàng trăm đối tượng tại nước ngoài, cho thấy sự hợp tác quốc tế là tất yếu. Tuy nhiên, việc thiếu một khuôn khổ pháp lý chung gây ra nhiều trở ngại trong quá trình xử lý.
Có những vụ việc như hacker tấn công và thay đổi tài khoản nhận tiền của doanh nghiệp, dù cơ quan chức năng đã xác định rõ và giữ được số tiền lớn, lên tới hàng chục triệu đô la Mỹ, nhưng vì thiếu nền tảng pháp lý phù hợp nên không thể nhanh chóng hoàn trả cho doanh nghiệp bị hại.
Gần đây, nhiều vụ tấn công mã hóa dữ liệu ở Việt Nam đã được xử lý hiệu quả nhờ hợp tác quốc tế, khi các quốc gia khác cung cấp công cụ giải mã giúp khôi phục dữ liệu cho doanh nghiệp bị hại mà không cần trả tiền chuộc.
Điều này một lần nữa khẳng định vai trò của Công ước Hà Nội - nếu đi vào thực thi sẽ là lá chắn pháp lý giúp bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân, cũng như tăng cường năng lực điều tra và xử lý tội phạm mạng toàn cầu - ông Vũ Ngọc Sơn nhấn mạnh và cho hay Hiệp hội An ninh mạng quốc gia sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho các doanh nghiệp và cá nhân về an ninh mạng, đồng thời tham gia vào việc hoàn thiện khung pháp lý.
Chia sẻ ý kiến, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cho biết Bộ Công an sẽ tập trung nâng cao năng lực của lực lượng an ninh mạng, chuẩn bị cho việc xử lý dữ liệu và chứng cứ điện tử. Điều này bao gồm việc đào tạo cán bộ, điều chỉnh các quy định pháp lý và tăng cường hợp tác quốc tế.

Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an
Tóm lại, Công ước Hà Nội sẽ là một công cụ pháp lý quan trọng giúp Việt Nam nâng cao năng lực phòng chống tội phạm mạng và bảo vệ an ninh thông tin quốc gia. Việc tham gia công ước sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác quốc tế, hỗ trợ công tác điều tra và thu thập chứng cứ điện tử trong các vụ án hình sự.
Công ước còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam, giúp họ tiếp cận thị trường quốc tế và phát triển mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực này.