Khối ngoại rơi vào trạng thái cạn cung, sẽ sớm trở lại mua ròng

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, sau giai đoạn bán ròng liên tiếp, hiện phần lớn nhà đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư chiến lược, họ không có nhu cầu mua bán lướt sóng, chờ đợi thị trường giảm để tăng tỷ trọng sở hữu.

Phóng viên: Ông có nhận định gì về gam màu thị trường những tháng cuối năm?

Ông Nguyễn Thế Minh: Về gam màu thị trường cho những tháng cuối năm, động lực tăng trưởng quý III vẫn tốt nhưng quý IV tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại, một phần do quý IV cùng kỳ đã phục hồi nên mức nền cao.

Quý IV là thời điểm kinh tế toàn cầu được dự báo có thể trầm lắng trở lại. Ba quý đầu năm có mức tăng hồi phục quy mô sản xuất, trong khi quý IV vẫn là dấu chấm hỏi.

Tăng trưởng tín dụng thường tốt hơn ở cuối năm. Về xuất nhập khẩu, hai quý cuối năm được dự báo xuất khẩu khả quan, đi cùng với cải thiện giá bán. Thời gian qua chúng ta đề cập số lượng đơn đặt hàng tăng nhưng giá bán chưa cải thiện.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: NVCC

Yếu tố ảnh hưởng tích cực nữa là chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi tháng 9 tới có xác suất cao sẽ giảm lãi suất. Nhưng cũng cần thời gian để nhìn nhận tác động tới kinh tế, tới thị trường. Có thể từ cuối quý IV sẽ có tác động tích cực từ động thái của Fed.

Động lực nữa là sự hồi phục của thị trường bất động sản. Nhưng tôi cho rằng bất động sản vẫn còn khó khăn chưa thuận lợi hoàn toàn. Hiện doanh nghiệp bất động sản đang phải giải quyết câu chuyện tồn kho sản phẩm, dòng tiền, thanh khoản bất động sản. Thời gian phù hợp cho sự hồi phục dần của bất động sản có thể từ giữa năm 2025, qua đó đóng góp vào đà tăng trưởng chung.

Tóm lại, mức tăng trưởng các tháng cuối năm phụ thuộc vào nhóm xuất nhập khẩu, vận tải, ngân hàng, thực phẩm, hóa chất. Bất động sản vẫn là nhóm gặp khó. Đầu năm, chúng tôi đưa ra con số tăng trưởng dự kiến 25-28% so với năm 2023, con số này vẫn có thể đạt được trong năm nay.

Phóng viên: Khối ngoại sau khi lập đỉnh bán ròng ở tháng 5, 6 đã giảm giá trị bán ròng gần 50% ở tháng 7 vừa qua, đặc biệt đã trở lại mua ròng ở nhiều phiên gần đây. Ông có nhận định gì về giao dịch của khối này?

Ông Nguyễn Thế Minh: Về khối ngoại, hiện nay có 2 vấn đề. Một là áp lực tỷ giá hạ nhiệt, vài tuần gần đây tỷ giá hạ nhiệt. Thời gian tới khả năng cao áp lực còn hạ nữa vì đồng USD đang giảm mạnh, lợi suất trái phiếu đồng USD giảm mạnh, nhất là khả năng giảm lãi suất của Fed là rất cao.

Tỷ giá hạ nhiệt là một trong các yếu tố khiến khối ngoại không còn lý do để bán ròng. Khi các thị trường định giá không còn quá rẻ, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển từ thị trường đang đắt đỏ sang thị trường định giá thấp. Việt Nam sẽ là thị trường đón dòng tiền nằm trong xu thế này.

Hiện nay, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tăng lên khoảng 17%. Lượng lớn nhà đầu tư tổ chức đã bán ra, hiện còn lại phần lớn là nhà đầu tư chiến lược. Nhóm này không có nhu cầu bán lướt sóng, gần như họ chờ đợi thị trường giảm để tăng tỷ trọng sở hữu. Tôi nghĩ hiện nay khối ngoại rơi vào trạng thái cạn cung. Với bối cảnh tỷ giá hạ nhiệt, tôi cho rằng khối ngoại sớm quay trở lại mua ròng.

Phóng viên: Ông có đánh giá gì về dự thảo Thông tư liên quan đến Pre-funding của Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ một trong những nút thắt lớn cho tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán?

Ông Nguyễn Thế Minh: Pre-funding là một giải pháp ngắn hạn có tính khả thi. Nếu chúng ta thực hiện được yếu tố này, khả năng cao thị trường được nâng hạng bởi FTSE.

Với các tổ chức nâng hạng, việc xem xét nâng hạng bao gồm xét yếu tố định lượng và định tính. Về định lượng chúng ta đang dần đáp ứng nhưng định tính vẫn khó nói vì liên quan nhiều yếu tố. Họ sẽ xem xét thị trường hoàn toàn minh bạch hay không. Về dài hạn, chúng ta cần triển khai CCP thì mới có thể nâng hạng cấp độ cao bởi FTSE hay MSCI.

Phóng viên: Ông có khuyến nghị gì với nhà đầu tư về lựa chọn danh mục cho triển vọng cuối năm cũng như đón cơ hội nâng hạng thị trường?

Ông Nguyễn Thế Minh: Tôi cho rằng có vài cổ phiếu/nhóm cổ phiếu vẫn có câu chuyện tăng trưởng cũng như định giá còn ở vùng hấp dẫn.

Đầu tiên là nhóm Ngân hàng. Thời điểm cuối năm có 2 câu chuyện liên quan đến cổ phiếu ngân hàng gồm tăng trưởng tín dụng và nợ xấu có thể đã tạo đỉnh từ quý II/2024. Tỷ lệ P/B đang dưới mức 1,5 lần, là mức thấp.

Thứ hai là nhóm Chứng khoán khi có câu chuyện kỳ vọng về Pre-funding rồi nâng hạng.

Thứ ba là nhóm Vận tải. Vào dịp cuối năm, tình hình xuất nhập khẩu khả quan, ngoài nhóm xuất nhập khẩu thì nhóm vận tải cũng hưởng lợi, hiện định giá phù hợp cũng như còn dư địa tăng.

Nhóm nữa là Bán lẻ, hóa chất và sản xuất thực phẩm - động lực chính là tiêu dùng tăng trưởng trở lại. Ngoài ra, dài hạn vẫn có 2 dòng an toàn là dầu khí, công nghệ, dù từ đầu năm đã tăng nhiều nhưng vẫn còn câu chuyện tăng trưởng...

Phóng viên: Xin cảm ơn thông tin ông đã chia sẻ!

Huyền Châm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/khoi-ngoai-roi-vao-trang-thai-can-cung-se-som-tro-lai-mua-rong.html
Zalo