Khối ngoại mua ròng trở lại, cổ phiếu của Vietjet tăng trần phiên thứ hai

Ở vùng tiệm cận đỉnh lịch sử, VN-Index chịu áp lực bán chốt lời nên tạm chững lại đà tăng. Nhóm cổ phiếu Vingroup điều chỉnh trong khi nhiều mã khác vẫn bứt tốc.

Trong phiên 23/7, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ diễn biến tích cực hơn nhóm vốn hóa lớn.

Trong phiên 23/7, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ diễn biến tích cực hơn nhóm vốn hóa lớn.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 23/7, VN-Index có lúc tăng hơn 10 điểm lên vùng 1.520 điểm, tuy nhiên nhanh chóng hạ nhiệt và phần lớn thời gian giằng co quanh ngưỡng tham chiếu. Chỉ số đóng cửa ở mốc 1.512,31 điểm, tăng gần 3 điểm so với kết phiên trước. HNX-Index cũng tăng 1,5 điểm còn UPCoM tăng 0,78 điểm.

Thanh khoản tăng vọt với giá trị khớp lệnh đạt hơn 39.500 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 6.000 tỷ đồng và trở lại mua ròng hơn 100 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Các mã được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh là FRT 336 tỷ đồng, VPB 220 tỷ đồng; HDB, VNM, SSI hơn 100 tỷ đồng; HSG 96 tỷ đồng, DGC hơn 70 tỷ đồng... Chiều ngược lại, VIX bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 238 tỷ đồng, kế đến là SHB 114 tỷ đồng, VHM 100 tỷ đồng; DIG, FPT hơn 80 tỷ đồng...

VN30 giảm gần 3 điểm, lùi về mốc 1.653,01 điểm. Áp lực giảm đến từ bộ ba nhóm Vingroup, với VIC -2,1%, VHM -3,5%, VRE -2,5%. Các mã bluechip ở chiều giảm khác là LPB -1,8%, STB -1,6%, TCB -1%; VCB, SSB, MSN, HPG, FPT, BVH, BID giảm nhẹ.

Chiều tăng trong nhóm VN30 dẫn đầu là VJC, với mức tăng trần lên giá 108.800 đồng/cp. Đây là phiên thứ hai liên tiếp, cổ phiếu của Vietjet “cháy hàng”. Gần đây, hãng hàng không này không có thông tin gì đáng chú ý.

Một cổ phiếu khác liên quan đến tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là HDB cũng tăng mạnh hơn 4%, lập đỉnh mới ở vùng giá 26.500 đồng/cp. Ngoài ra tăng đáng kể còn có VNM +2,5%, VIB +2,3%, VPB +3,8%, GVR +2%.

Xét về nhóm ngành, nhóm chứng khoán có đóng góp lớn nhất cho chiều tăng của chỉ số. CTS có phiên tăng trần thứ hai liên tiếp, xác lập đỉnh mới ở giá 36.800 đồng/cp. Cổ phiếu của Chứng khoán Ngân hàng Công Thương thu hút dòng tiền tham gia sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh quý 2/2025 bứt phá.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của CTS trong quý vừa qua đạt gần 176 tỷ đồng, gấp gần 8 lần cùng kỳ năm trước. Theo giải trình của CTS, nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng vượt trội về lợi nhuận là nhờ doanh thu môi giới, lãi từ bán tài sản tài chính, lãi cho vay và các khoản đầu tư tài chính khác đều ghi nhận kết quả tích cực trong kỳ.

Ngoài CTS, nhóm chứng khoán còn ghi nhận VDS, WSS cũng tăng trần. VIX tiếp tục tăng mạnh gần 5% lên đỉnh mới ở vùng giá 21.650 đồng/cp. VND, SHS tăng hơn 2%; SSI, HCM tăng nhẹ. Một số mã nhỏ khác cũng giao dịch tích cực là ABW +4,5%, EVS +4,2%, HAC +4,8%.

Nhóm ngân hàng cũng đa số kết phiên trong sắc xanh. Ngoài HDB và VPB thì một số mã nhỏ cũng tăng mạnh, gồm ABB +11,2%, BVB +3,6%, KLB +4,5%. Chiều giảm mạnh nhất là VAB -2%, LPB -1,8%, STB -1,6%.

Nhóm bất động sản phân hóa hơn. Chiều giảm ngoài bộ ba nhóm Vingroup còn có CEO -1,8%; DIG, DXG, PDR giảm 1%; HPX -3,1%, SCR, KHG, DXS... giảm nhẹ. Ngược chiều, vẫn nhiều mã ở chiều tăng giá. HDC tăng mạnh hơn 4% lên giá 32.200 đồng/cp - cao nhất kể từ tháng 9/2022. SJS tăng trần lập đỉnh mới ở vùng giá 140.000 đồng/cp. TCH, NTL, IDC, BCM, QCG... tăng hơn 1%.

Các nhóm ngành thu hút dòng tiền mua mới khác là vận tải - cảng (HVN +2,7%, ACV +2,7%, VSC +3,4%), hóa chất - phân bón (DGC +3,3%, DPM +3,5%, BFC +4,4%, LAS +4,1%, CSV tăng trần), thép (HSG +4,7%, NKG +2,8%, TVN +3,8%), xây dựng (DPG tăng trần, VCG +3,9%), bán lẻ (FRT +4,3%, PET +4%, DGW +3,3%...).

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/khoi-ngoai-mua-rong-tro-lai-co-phieu-cua-vietjet-tang-tran-phien-thu-hai-44122.html
Zalo