Khối ngoại bán ròng kỷ lục, chứng khoán Việt có đáng lo?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua chuỗi bán ròng mạnh của khối ngoại. Diễn biến điểm số cũng không mấy tích cực khiến nhiều người lo ngại về triển vọng những tháng cuối năm.

Chuỗi bán ròng kỷ lục

Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần giao dịch giằng co khi giới đầu tư giao dịch đầy thận trọng trước ngưỡng cản mạnh 1.290-1.300 điểm. Sau 2 phiên đầu tuần tăng điểm, nỗ lực kéo thị trường của bên mua đã bất thành và VN-Index liên tục giảm điểm, chốt tuần ở mức 1.280,75 điểm.

Đi cùng với điểm số thì khối lượng giao dịch cũng sụt giảm và duy trì dưới mức trung bình 20 ngày. Điều này cho thấy, không chỉ khối ngoại liên tục bán ròng mà tâm lý thận trọng của nhà đầu tư nội cũng ngày càng gia tăng.

Trong tuần trước, nhà nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh bán ròng với giá trị bán ròng lên tới gần 4.500 tỷ đồng, gấp đôi tuần trước. Đỉnh điểm, phiên giao dịch đầu tuần (8/7), khối này đã bán ròng tới gần 2.500 tỷ đồng.

Trước đó, trong tháng 6, các nhà đầu tư nước ngoài đã có tháng bán ròng kỷ lục 16.700 tỷ đồng (tương đương 657 triệu USD) trên sàn HOSE.

Lý giải nguyên nhân của chuỗi bán ròng này, các chuyên gia Maybank Investment Bank (MSVN) cho rằng, xu hướng này nằm trong bối cảnh dòng tiền toàn cầu rút khỏi các thị trường mới nổi do tăng trưởng vượt trội của kinh tế Mỹ, làn sóng đổ xô vào cổ phiếu công nghệ theo sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), các rủi ro địa chính trị toàn cầu và việc các quỹ ETF tập trung vào Việt Nam bị rút ròng mạnh.

Tuy nhiên, MSVN kỳ vọng dòng tiền bán ròng của khối ngoại sẽ dần giảm bớt trong những tháng tới và sẽ mua ròng trở lại từ nửa cuối năm 2024 nhờ vào tăng trưởng vượt trội của kinh tế Mỹ và việc các quỹ ETF tập trung vào Việt Nam giảm bớt áp lực hút ròng.

“MSVN dự đoán dòng tiền rút ròng mạnh ở các quỹ ETF sẽ giảm bớt trong thời gian tới, và kỳ vọng mức Chủ nghĩa ngoại lệ của kinh tế Mỹ sẽ phai nhạt nếu Fed thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên, khả năng cao vào giữa nửa cuối năm 2024, giúp thu hút dòng tiền trở lại các thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam.

Đà bán ròng của khối ngoại dự kiến sẽ không kéo dài đến cuối năm

Đà bán ròng của khối ngoại dự kiến sẽ không kéo dài đến cuối năm

Bên cạnh đó, MSVN duy trì dự báo rằng FTSE sẽ nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi vào tháng 3/2025 hoặc tháng 9/2025 nhờ những tiến triển trong việc loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding), điều này cũng sẽ giúp dòng tiền mua ròng của khối ngoại trở lại Việt Nam” – báo cáo mới nhất của MSVN nhận định.

Cũng cho rằng khối ngoại sẽ sớm quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam, chuyên gia VinaCapital nhận thấy một số yếu tố trong thời gian tới có thể thu hút họ quay trở lại gồm: Kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh hơn kỳ vọng; Nhiều dự báo cho thấy Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong thời gian tới; và thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt được mục tiêu nâng hạng sắp tới.

"Từ những yếu tố đó, VinaCapital kỳ vọng những áp lực bán ròng của khối ngoại sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới", ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư, Nhà điều hành quỹ của VinaCapital chia sẻ.

Thị trường chứng khoán sẽ tích cực trở lại

Nhận định về thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm, các chuyên gia chia sẻ quan điểm khá lạc quan.

Với kỳ vọng dòng tiền bán ròng của khối ngoại sẽ dần giảm bớt trong những tháng tới và sẽ mua ròng trở lại từ giữa nửa cuối năm 2024 và lợi nhuận doanh nghiệp cũng sẽ tăng tốc trở lại trong nửa cuối năm, MSVN duy trì mục tiêu chỉ số VN-Index ở mức 1.420 điểm.

Còn chuyên gia VinaCapital cho biết hai yếu tố vĩ mô có tác động lớn đến thị trường chứng khoán cần đặc biệt lưu ý là tỷ giá và lãi suất.

Trong năm 2023, nền kinh tế yếu nhưng thị trường chứng khoán vẫn tăng nhờ yếu tố quan trọng là lãi suất thấp. Sang 6 tháng đầu năm nay lãi suất đã tăng nhẹ, tuy nhiên kênh tiền gửi vẫn chưa thực sự hấp dẫn so với kênh đầu tư chứng khoán, cùng với kỳ vọng nền kinh tế phục hồi nên thị trường đã tiếp tục tăng. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán cũng đối mặt áp lực tỷ giá. Thông thường, khi tỷ giá USD/VND biến động, thị trường chứng khoán gần như bị ảnh hưởng ngay lập tức.

Đặc biệt, hai yếu tố nền tảng nhất cho tăng trưởng thị trường là tăng trưởng kinh tế và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Ở năm ngoái, hai yếu tố này hoàn toàn không tốt với GDP 2023 của Việt Nam chỉ tăng 5% và lợi nhuận 2023 của các doanh nghiệp niêm yết giảm 5%.

Sang năm 2024, hai yếu tố này đã trở nên tích cực rõ ràng, GDP đã tăng 6,4% trong nửa đầu năm và VinaCapital dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp năm nay tăng khoảng 21%.

Hai yếu tố chính hỗ trợ cho thị trường chứng khoán năm ngoái là định giá cổ phiếu và lãi suất hiện được đánh giá ở mức trung lập. Định giá cổ phiếu năm 2023 rẻ, hiện tại đã tăng nhưng vẫn chưa đắt và ở mức hợp lý cho đầu tư dài hạn. Lãi suất năm ngoái thấp và là động lực chính cho thị trường đi lên, hiện đã tăng và trong tương lai có thể tăng cao hơn.

"Tuy nhiên, với mức lãi suất này, kênh chứng khoán vẫn còn tương đối hấp dẫn so với kênh tiền gửi ngân hàng, do đó VinaCapital đánh giá mức lãi suất hiện tại vẫn đang hỗ trợ cho tăng trưởng thị trường chứng khoán", chuyên gia VinaCapital nhận định.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khoi-ngoai-ban-rong-ky-luc-chung-khoan-viet-co-dang-lo-post582865.antd
Zalo