Khởi nghiệp xanh để phát triển bền vững
Tìm kiếm mô hình giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống là điều mà hội liên hiệp phụ nữ các cấp luôn quan tâm chú trọng. Trong đó, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường được hội khuyến khích chị em nhân rộng. Tại xã Thanh An, huyện Hớn Quản hiện duy trì những mô hình khởi nghiệp xanh được hội viên phụ nữ học hỏi, ứng dụng.
Tận dụng không gian mát mẻ dưới tán cao su, ban đầu bà Lê Thị Lan ở xã Thanh An làm trại diện tích 50m2 nuôi trùn quế. Sau 3 tháng nuôi, trùn quế tăng đáng kể, bà tách trại, mở rộng diện tích nuôi lên 150m2. Trại nuôi trùn quế khá đơn giản, nguyên liệu chính là bạt để quây kín xung quanh; cây, gỗ làm khung có thể tận dụng. Nguồn thức ăn nuôi trùn quế là phân bò. Gia đình bà Lan hiện nuôi 6 con bò nên lượng phân hằng ngày cung cấp thêm cho 2 trại trùn quế.
Mô hình này được xem là mắt xích kết nối tuần hoàn với giá trị nông nghiệp khác, giúp bà có lượng phân hữu cơ bón cho vườn điều, tiêu và cao su, hạn chế dùng phân hóa học. Bà Lan chia sẻ: Phân trùn quế được tôi dùng để bón cho 3,5 ha tiêu, điều và cao su. Mục đích chính là giảm thiểu sử dụng phân hóa học, góp phần bảo vệ môi trường.
Bà Lê Thị Lan chia sẻ kinh nghiệm nuôi trùn quế với hội viên phụ nữ xã Thanh An - Ảnh: Từ Huy
Cùng ở xã Thanh An, gia đình chị Lê Thị Phương gắn bó với cây tầm vông hơn 20 năm nay, từ thu mua cây nguyên liệu đến cung cấp vật liệu xanh cho các cơ sở xây dựng, xuất khẩu sản phẩm mỹ nghệ. Gia đình chị Phương cũng sẵn sàng tạo điều kiện để người dân trong tỉnh chuyển đổi diện tích đất xấu sang trồng tầm vông làm vùng nguyên liệu. Tầm vông là loại cây giữ đất tốt, chống xói mòn, sạt lở, giúp những vùng đất nghèo kiệt có thể cho thu nhập bền vững. Hơn 20 lao động địa phương có việc làm ổn định từ dự án khởi nghiệp xanh của gia đình chị Phương.
Chị Phương chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, thấy nguồn cây tầm vông ở địa phương khá dồi dào nên đã tìm hiểu và nhận thấy đây là loại cây trồng đem lại giá trị kinh tế. Từ đó, tôi nghiên cứu, tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng sản xuất, thị trường tiêu thụ. Sau khi mở rộng sản xuất thì cần nguồn cây nhiều, cả trong và ngoài tỉnh. Công việc này thân thiện với môi trường, trồng tầm vông giữ được đất, chống xói mòn, có thu nhập ổn định mà không cần chăm sóc nhiều.
Mô hình khởi nghiệp từ cây tầm vông của chị Lê Thị Phương cung cấp vật liệu xanh, sản phẩm mỹ nghệ, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương - Ảnh: Từ Huy
Từ điều kiện thực tế địa phương, ngoài 2 mô hình nêu trên, hiện một số hội viên phụ nữ xã Thanh An đang khởi nghiệp từ nuôi dê, trồng dưa lưới. Nguồn phân dê được các hộ thu gom, xử lý và bán cho những người có nhu cầu mua bón vườn cây. Cây dưa lưới sau khi thu hoạch xong được gom ủ làm phân hữu cơ cho đất. Mỗi mô hình có quy mô và giá trị kinh tế khác nhau nhưng đều mang lại lợi ích thiết thực trong bảo vệ môi trường. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã khuyến khích hội viên phụ nữ nhân rộng các mô hình này trong thời gian tới để góp phần cải tạo đất, hướng đến phát triển bền vững.
Chị Trương Huỳnh Phương Thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh An cho biết: Những mô hình này ngoài mang lại thu nhập ổn định cho gia đình còn giúp phụ nữ hiểu hơn và chung tay bảo vệ môi trường nơi mình đang sống. Việc nhân rộng mô hình nhằm lan tỏa, để ngày càng có nhiều phụ nữ biết làm kinh tế xanh, phát triển bền vững. Điều này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên mà còn đối với sự phát triển của địa phương.
Việt Nam là một trong 6 quốc gia trên thế giới chịu tác động nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua là một minh chứng. Vấn đề bảo vệ môi trường luôn được các cấp, ngành quan tâm và đưa vào chương trình hành động cụ thể. Vậy nên, đẩy mạnh những mô hình khởi nghiệp xanh đến từng cơ sở hội, đoàn thể là việc làm cần thiết, chung tay vì một Việt Nam xanh.