Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo: Tạo chân đế vững chắc

Cần có chính sách nâng tầm các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo...

Các đội dự thi đến từ những trường THPT đang trình bày mẫu thử và nhận góp ý từ ban huấn luyện cuộc thi U-Invent 2024. Ảnh: VNUK

Các đội dự thi đến từ những trường THPT đang trình bày mẫu thử và nhận góp ý từ ban huấn luyện cuộc thi U-Invent 2024. Ảnh: VNUK

Từ những nỗ lực trong kết nối doanh nghiệp, đào tạo kiến thức, kỹ năng liên quan đến khởi nghiệp cho sinh viên, các trường đại học, cao đẳng… đã hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để những dự án khởi nghiệp trở thành các start-up, tránh việc thực hiện giữa chừng, cần có chính sách nâng tầm các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng): Kiến thức khoa học, công nghệ song hành với quản trị, thị trường

Đối với việc thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong trường đại học, những năm vừa qua, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã có động thái, hành động cụ thể.

Trước tiên, nhà trường có giảng viên được đào tạo và có chứng chỉ của các khóa học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ các trung tâm uy tín quốc tế. Từ 2016, trường tham gia chương trình hợp tác phát triển IPP giai đoạn 2 do Bộ Ngoại giao Phần Lan và Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam đồng chủ trì và đào tạo được nguồn giảng viên cốt lõi cho nhà trường trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ.

 PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu.

Từ đó, nhà trường đã và đang xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ và toàn diện, tập trung vào kết nối chặt chẽ giữa giảng viên, sinh viên, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như sở, ban, ngành, quỹ đầu tư… Khi hợp tác với doanh nghiệp, nhà trường tạo cơ hội cho sinh viên trải nghiệm thực tế, tham gia vào các dự án khởi nghiệp và phát triển ý tưởng sáng tạo từ yêu cầu đặt hàng giải quyết vấn đề của doanh nghiệp hay người dùng.

Hoạt động chính của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) là đào tạo chính quy học phần “Tư duy khởi nghiệp/ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” ở một số khoa như: Điện, Khoa học Công nghệ Tiên tiến, Cơ, Xây dựng dân dụng và Công nghiệp...

Nhà trường tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo hay hỗ trợ cho sinh viên tham gia các cuộc thi với quy mô lớn hơn như cuộc thi “Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên” hằng năm do Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng tổ chức. Hoạt động này nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng, tâm thế, kinh nghiệm khởi nghiệp cho sinh viên.

Đồng thời, nhà trường kiến tạo ra hai nguồn lực quan trọng cho bất kỳ hệ sinh thái nào hướng tới thành công trong cả ngắn và dài hạn, đó là các sáng lập khởi nghiệp Founder và dự án khởi nghiệp - tiền thân doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ngoài ra, chúng tôi xây dựng các chương trình cố vấn người hướng dẫn/huấn luyện, hệ thống tài liệu, cung cấp không gian làm việc và các nguồn lực cần thiết nhằm hỗ trợ sinh viên trong quá trình triển khai và phát triển dự án khởi nghiệp, từ đó góp phần xây dựng hệ sinh thái sáng tạo năng động và hiệu quả trong khuôn viên trường.

Trường Đại học Bách khoa đã khánh thành Không gian Đổi mới sáng tạo tháng 3/2024 dựa trên nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp như Fujikin, hiện đưa vào hoạt động, là nơi sinh viên có thể tập hợp và trao đổi ý tưởng học thuật, nghiên cứu.

Các khoa trong trường cũng thường xuyên phối hợp với công ty để tổ chức cuộc thi thiết kế dành cho sinh viên như: Khoa Cơ khí với cuộc thi thiết kế nhanh; Khoa Hóa với cuộc thi dành cho Start-up; Khoa Công nghệ thông tin; Khoa Điện tử Viễn thông phối hợp với FPT tổ chức các cuộc thi ý tưởng về phát triển phần mềm.

Nhà trường có kế hoạch tham khảo mô hình đã hoạt động tốt của các trường đại học trong và ngoài nước để xây dựng Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp phù hợp với thực tế. Giai đoạn tiếp theo, từ các đề tài nghiên cứu khoa học thực sự có ý nghĩa của sinh viên xuất phát từ hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học được trường tổ chức thường niên, chúng tôi sẽ tìm cách hỗ trợ hoặc kêu gọi hỗ trợ từ doanh nghiệp đối tác, đồng thời tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu mượn địa điểm trong trường để tiếp tục nghiên cứu ngay cả khi đã tốt nghiệp nhằm tạo nên các start-up, duy trì hoạt động, tránh các đề tài thực hiện giữa chừng.

Mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong trường đại học phải được quan niệm xuất phát từ điều rất nhỏ, có thể khởi nguồn từ các câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học đang triển khai hiệu quả trong trường. Hệ sinh thái không cần thiết phải quy mô lớn từ đầu mà quan trọng có được nơi để các thế hệ sinh viên hoạt động, duy trì giao lưu giữa các khóa, kết nối ý tưởng. Về mặt hành chính, thủ tục nhà trường sẽ có thành viên hỗ trợ, như vậy hoạt động khởi nghiệp mới thực tế.

Thầy Nguyễn Quang Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng): Chuẩn bị kỹ năng khởi nghiệp từ gốc

 Thầy Nguyễn Quang Hưng.

Thầy Nguyễn Quang Hưng.

Trường THPT Phan Châu Trinh đẩy mạnh dạy học theo hướng trải nghiệm sáng tạo. Đó là đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, đưa STEM và dạy học theo dự án vào trường học.

Để triển khai hiệu quả, nhà trường có bước chuẩn bị từ sớm; cử giáo viên tham gia tập huấn về công tác dạy học STEM do Sở GD&ĐT Đà Nẵng và các trường đại học tổ chức. Để học sinh có thêm điều kiện vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống, nhà trường phối hợp với các trường đại học trên địa bàn tổ chức chuyến tham quan, trải nghiệm mô hình dự án, từ đó nắm quy trình triển khai dự án mình đảm nhận. Chính sự hợp tác giữa trường đại học và phổ thông đã giúp học sinh có thêm nhiều sân chơi liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ.

Ngoài ra, từ những buổi tập huấn của chuyên gia - giảng viên các trường đại học đã góp phần hình thành cho học sinh tư duy tài chính để những ứng dụng, sản phẩm STEM của các em có tính ứng dụng cao, hướng tới đáp ứng nhu cầu người dùng. Định hướng giáo dục STEM - khởi nghiệp các mô hình hợp tác giữa trường phổ thông và đại học sẽ giúp các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học của học sinh được thực hành nhiều hơn khi tận dụng không gian đổi mới sáng tạo tại trường đại học.

Năm học 2023 - 2024, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh đoạt Giải chuyên đề thuyết trình ấn tượng trong cuộc thi “Sáng tạo STEM phục vụ thành phố thông minh SI4SC” do Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tổ chức; Giải Ba dự án “Giải pháp cho biến đổi khí hậu” và 12 giải ở cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố. Năm học 2024 - 2025 trong số 10 sản phẩm đoạt giải ở cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố, có một sản phẩm được Sở GD&ĐT Đà Nẵng cử dự thi cấp quốc gia vào tháng 3/2025.

Việc đưa giáo dục STEM và tư duy tài chính, quản trị ngay từ cấp học phổ thông chính là sự chuẩn bị các kỹ năng khởi nghiệp từ gốc thay vì đợi đến bậc đại học. Những học sinh khi kết thúc THPT nếu theo các ngành Kỹ thuật sẽ có giải pháp về công nghệ đồng thời biết cách thương mại hóa sản phẩm từ các dự án học tập.

Nếu được trang bị các kiến thức cơ bản về kinh doanh, có tinh thần doanh nhân có thể tính tới chuyện “bán” sản phẩm. Mục tiêu định hướng giáo dục này giúp học sinh có các kỹ năng cần thiết để lập thân, chuẩn bị cho đội ngũ nhân sự chất lượng cao trong tương lai.

ThS Lê Vũ - Giám đốc Trung tâm Học liệu và truyền thông, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng): Hoàn thiện chính sách, cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp

 ThS Lê Vũ.

ThS Lê Vũ.

Thời gian qua, các cơ quan, trường học, doanh nghiệp… đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ từ giáo dục, tạo môi trường, chính sách và kết nối để có thể thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo ra một số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công từ trường đại học, góp phần phát triển kinh tế và tạo việc làm.

Chúng tôi nhận thấy một số giải pháp rõ nét nhất mà các đơn vị trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã làm là: Tăng cường giáo dục khởi nghiệp trong chương trình đào tạo và xây dựng môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong trường học. Cung cấp cơ sở vật chất, tài chính và đội ngũ cố vấn, hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Các trường đã kết nối sinh viên với nhà đầu tư, doanh nghiệp để tìm kiếm đối tác, nguồn vốn…

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn tinh thần khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo trong sinh viên, cần hoàn thiện chính sách, cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp. Trong đó, Nhà nước phải hoàn thiện, điều chỉnh chính sách, cơ chế ưu đãi, miễn giảm thuế, phi thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên. Bộ GD&ĐT cần đề xuất Chính phủ, Quốc hội có các chính sách tăng cường nguồn vốn và quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên. Nhà nước cần có chính sách đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho dự án khởi nghiệp của sinh viên.

Về cơ bản, trường đại học, cao đẳng hiện nay đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, cần có sự tích hợp các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần vào hệ sinh thái để hỗ trợ tài chính cho các dự án khởi nghiệp tiềm năng. Tổ chức sự kiện kết nối đầu tư, trường học tạo ra cầu nối với nhà đầu tư để giúp sinh viên gọi vốn.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng hệ thống đánh giá và tôn vinh sinh viên khởi nghiệp như: Thiết lập các giải thưởng uy tín về khởi nghiệp dành cho sinh viên hằng năm. Xây dựng hệ thống đánh giá kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp với dự án khởi nghiệp sinh viên. Mời chuyên gia, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đánh giá, phản biện dự án khởi nghiệp của sinh viên. Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống theo dõi các doanh nghiệp khởi nghiệp của cựu sinh viên. Tôn vinh, trao học bổng cho dự án khởi nghiệp xuất sắc.

Trường đại học cần tăng cường huy động nguồn lực tài chính cho hoạt động khởi nghiệp như thành lập quỹ khởi nghiệp với nguồn đóng góp từ nhà trường, các nhà tài trợ, doanh nghiệp. Kêu gọi cựu sinh viên thành đạt đầu tư ngược trở lại quỹ khởi nghiệp của trường. Hợp tác với tổ chức tài chính để cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho dự án khởi nghiệp. Các trường đại học tổ chức định kỳ sàn gọi vốn để sinh viên gặp gỡ, thuyết trình với nhà đầu tư.

Bộ GD&ĐT cần ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chuẩn cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên để đảm bảo tính khách quan, toàn diện và phù hợp thực tế. Một số chỉ số chính có thể xem xét để tạo ra bộ tiêu chí là: Tính sáng tạo và đổi mới của ý tưởng kinh doanh; tính khả thi và tiềm năng tăng trưởng của mô hình kinh doanh; năng lực và sự cam kết của đội ngũ thực hiện; nhu cầu và quy mô thị trường tiềm năng: Khả năng gọi vốn đầu tư và sinh lợi…

Những giải pháp đột phá này đòi hỏi sự đầu tư lớn về nguồn lực tài chính, nhân lực và cam kết lâu dài từ nhà trường. Tuy nhiên, từ các giải pháp này sẽ tạo ra môi trường thuận lợi, năng động và chuyên nghiệp để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp bền vững trong học sinh, sinh viên.

Dự án Phát triển mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và tạo sản phẩm có giá trị gia tăng từ sinh khối tảo xoắn Spirulia của nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) là dự án hiếm hoi trở thành một start-up thực sự

Anh Lê Văn Kiêm, đồng tác giả dự án chia sẻ, các dự án khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo của sinh viên nếu muốn trở thành một start-up, có sản phẩm đưa ra thị trường có thể không mới nhưng phải có đặc điểm mới và quan trọng nhất phải có sự kiên trì, đam mê.

Nếu không có đam mê thì chỉ dừng lại ở sản phẩm mẫu để dự thi lấy giải. Với dự án khởi nghiệp của sinh viên thì kiến thức khoa học, công nghệ chiếm ưu thế nhưng kiến thức về quản trị, thị trường yếu. Nếu muốn đi xa hơn cần có sự liên kết giữa sinh viên khối ngành công nghệ - kỹ thuật và kinh tế.

Hà Nguyên (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-tao-chan-de-vung-chac-post718724.html
Zalo