Khối ngành Luật: SV tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc nhiều ĐH có xu hướng tăng cao

Trong đợt xét tốt nghiệp khóa 45 của Trường Đại học Luật Hà Nội, tỷ lệ sinh viên xếp loại xuất sắc và giỏi cao gấp đôi tỷ lệ sinh viên xếp loại khá.

Theo thống kê của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho thấy, những năm gần đây, số lượng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc của một số trường đại học có đào tạo khối ngành Luật có xu hướng tăng.

Có trường số lượng sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi gần 70%

Tại Trường Đại học Luật Hà Nội, trong đợt xét tốt nghiệp khóa 45 của trường vừa qua, có 1675/2150 sinh viên được công nhận tốt nghiệp đại học và cấp bằng cử nhân. Trong đó, tỷ lệ sinh viên xếp loại xuất sắc và giỏi cao gấp đôi tỷ lệ sinh viên xếp loại khá và có xu hướng tăng so với các năm trước.

Cụ thể, có 141 sinh viên xếp hạng tốt nghiệp xuất sắc (chiếm tỷ lệ 8,5%); 1.030 sinh viên xếp hạng tốt nghiệp loại giỏi (chiếm tỷ lệ 61,5%); 502 sinh viên xếp hạng tốt nghiệp loại khá (chiếm tỷ lệ 30%). [1]

 Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp theo từng loại Trường Đại học Luật Hà Nội.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp theo từng loại Trường Đại học Luật Hà Nội.

Năm 2022 - 2023, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi của trường cũng rất cao. Cụ thể, tỷ lệ tốt nghiệp xuất sắc là 51 sinh viên (chiếm tỷ lệ 3,2%); Xếp hạng tốt nghiệp loại giỏi có 989 sinh viên (chiếm tỷ lệ 62,04%); Xếp hạng tốt nghiệp loại khá có 553 sinh viên (chiếm tỷ lệ 34,69%). [2]

Như vậy, trong ba năm trở lại đây, tỉ lệ sinh viên xếp loại giỏi của Trường Đại học Luật Hà Nội tăng từ 46,6% đến 61,5%; tỉ lệ sinh viên xuất sắc tăng từ 1,3% lên 8,4%; còn sinh viên khá giảm từ 51,8% xuống 30%.

Đối với Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp theo từng loại qua 3 năm trở lại đây như sau:

 Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp theo từng loại Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp theo từng loại Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội năm học 2021-2022 cho thấy, vào năm học 2020 - 2021 tổng số sinh viên tốt nghiệp là 335 sinh viên. Trong đó có 0,9% đạt xếp hạng xuất sắc; 25,7% có học lực giỏi; 72,2% loại khá.

Trong Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2022 - 2023 của nhà trường, số sinh viên tốt nghiệp là 617 sinh viên vào năm 2021 - 2022. Trong đó, 0,5% sinh viên đạt xếp hạng xuất sắc; 23,2% loại giỏi; 72,6% xếp loại khá.

Đến Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2023 - 2024 cho thấy có tổng số 735 sinh viên tốt nghiệp vào năm 2022 - 2023 . Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp xếp hạng xuất sắc chiếm 0,81%, sinh viên loại giỏi đạt 28,16%, nhóm xếp hạng khá còn 71,02%.

Như vậy, trong ba năm gần đây, tỷ lệ sinh viên xếp loại xuất sắc của Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội không có biến động nhiều; tỷ lệ sinh viên xếp loại giỏi có xu hướng tăng từ 25,7% lên 28,16%.

Tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khối ngành III theo từng loại qua 3 năm trở lại đây như sau:

 Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khối ngành III theo từng loại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khối ngành III theo từng loại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong Báo cáo 3 công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2023 - 2024, sinh viên tốt nghiệp khối ngành III - Kinh doanh và quản lý, Pháp luật có tỷ lệ như sau: sinh viên xếp loại xuất sắc đạt 0,07%; sinh viên xếp loại giỏi là 6,08% và sinh viên xếp loại khá chiếm 85,9%.

Còn theo Báo cáo 3 công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế của trường năm học 2022 - 2023, tỷ lệ xếp loại của sinh viên tốt nghiệp khối ngành III có sự thay đổi. Cụ thể, sinh viên xếp loại xuất sắc là 0,35% ; sinh viên xếp loại giỏi là 14,26% và sinh viên xếp loại khá chiếm 80,59%.

Trong 3 năm, tỷ lệ sinh viên xếp loại xuất sắc tăng nhẹ từ 0,07% lên 0,35%; tỷ lệ sinh viên xếp loại xuất sắc tăng mạnh từ 6,08% lên 14,26% (tăng 9%).

Đối với Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu trong Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2021 - 2022, nhà trường có 1398 sinh viên tốt nghiệp.

 Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2021 - 2022. Ảnh chụp màn hình

Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2021 - 2022. Ảnh chụp màn hình

Trong đó, khối ngành III - Kinh doanh và quản lý, Pháp luật có 1193 sinh viên tốt nghiệp, có 0,34% sinh viên xếp loại xuất sắc; 23,55% sinh viên xếp loại giỏi, 60,1% sinh viên xếp loại khá; 15,26% sinh viên xếp loại trung bình khá và loại trung bình chiếm 0,75%.

Đến Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2022-2023, nhà trường có 1843 sinh viên tốt nghiệp. Đối với khối ngành III - Kinh doanh và quản lý, Pháp luật có 1490 sinh viên tốt nghiệp, trong đó tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc chiếm 0,22%, loại giỏi đạt 34,45%, loại khá là 43,73%; loại trung bình khá chiếm 2.33% và loại trung bình chỉ chiếm 0,11%.

 Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2022-2023. Ảnh chụp màn hình.

Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2022-2023. Ảnh chụp màn hình.

Như vậy, trong hai năm gần đây, tại khối ngành III, tỷ lệ sinh viên xếp loại giỏi của trường đã tăng mạnh từ 23,55% lên 34,45% (tăng 10,9%). Tỷ lệ sinh viên xếp loại khá giảm từ 60,1% xuống 43,73% (giảm 16,37%). Tương tự, tỷ lệ sinh viên xếp loại trung bình khá giảm từ 15,26% xuống 2,33% (giảm 12,93%) và loại trung bình giảm từ 0,75% xuống 0,11%.

Do thay đổi trong quy chế, quy định tính điểm học tập

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách đào tạo Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong những năm qua, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi tại các cơ sở đào tạo đại học có xu hướng tăng cao. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ xếp loại tốt nghiệp, trong đó phải kể đến những thay đổi trong quy chế, quy định tính điểm học tập để xếp hạng tốt nghiệp cho sinh viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy chế đánh giá của mỗi cơ sở giáo dục.

Thứ nhất, việc thay đổi từ học niên chế sang học tín chỉ và các quy định về học cải thiện điểm cũng khiến cho kết quả cuối cùng của sinh viên được cải thiện từ đó nâng tỷ lệ xếp loại xuất sắc và giỏi của sinh viên.

Trước đây, điểm kiểm tra trong quá trình học là điểm để xác định liệu sinh viên có đủ điều kiện dự thi kết thúc học phần và điểm thi kết thúc học phần là điểm duy nhất để đánh giá kết quả học tập học phần.

Hiện tại, việc đánh giá học phần bao gồm ít nhất hai loại điểm: điểm kiểm tra quá trình và điểm thi kết thúc học phần. Nếu trường dành tỷ trọng cao cho điểm kiểm tra quá trình, sinh viên sẽ thường xuyên phải làm bài tập lớn, bài tập nhóm, và kiểm tra liên tục, góp phần đáng kể vào điểm tổng kết học phần.

Quy chế đào tạo tín chỉ cũng tạo điều kiện cho sinh viên được học cải thiện điểm ngay cả khi đã đạt yêu cầu. Theo quy chế trước đây, sinh viên thi được từ 5 điểm trở lên đã đủ điều kiện qua học phần sẽ không được đăng ký học cải thiện điểm. Hiện nay, sinh viên hoàn toàn có thể đăng ký học cải thiện điểm để nâng cao điểm số, góp phần gia tăng tỷ lệ sinh viên đạt loại giỏi và xuất sắc vào cuối khóa.

Thứ hai, theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học, quy định điểm học phần được tính từ tổng các điểm thành phần nhân với trọng số tương ứng, được làm tròn tới một chữ số thập phân và xếp loại theo thang điểm 4.0. Cụ thể, từ 3,6 đến 4,0 sinh viên xếp loại xuất sắc; từ 3,2 đến cận 3,6 sinh viên xếp loại giỏi; từ 2,5 đến cận 3,2 sinh viên xếp loại khá; từ 2,0 đến cận 2,5 sinh viên xếp loại trung bình; từ 1,0 đến 2,0 sinh viên xếp loại yếu.

Trước đây, theo thang điểm 4, điểm trung bình được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Sinh viên đạt 3,19 theo quy tắc làm tròn vẫn sẽ được xếp loại khá (trong khi 3,2 là loại giỏi). Hiện nay, chỉ làm tròn đến 1 chữ số thập phân, nên sinh viên đạt điểm trung bình 3,19 có thể được làm tròn lên 3,2 xếp loại giỏi. Đây cũng là một yếu tố góp phần làm tăng tỷ lệ sinh viên đạt loại giỏi.

Thứ ba, chất lượng đầu ra của sinh viên một phần phụ thuộc vào chất lượng đầu vào. Theo thầy Hiển, chất lượng đầu vào tốt, sinh viên học tập tiếp thu tốt, chất lượng và xếp loại đầu ra sẽ được nâng lên.

Thầy Hiển cho rằng, để đánh giá chất lượng đào tạo, cần xem xét nhiều yếu tố, bao gồm đánh giá từ xã hội, đơn vị sử dụng lao động và sự quan tâm của xã hội cũng như người học đối với đơn vị đào tạo.

“Điều quan trọng không phải là tỷ lệ sinh viên giỏi, xuất sắc cao hay thấp mà cơ sở giáo dục đại học cần xác định đúng chất lượng đào tạo và đánh giá chính xác năng lực sinh viên. Điều này cần được thực hiện thông qua việc đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá và cơ chế đánh giá để phát huy tối đa năng lực của sinh viên”, vị phó trưởng phòng phụ trách đào tạo đánh giá.

Tư liệu tham khảo:

[1] https://hlu.edu.vn/News/Details/28036

[2]https://giaoduc.net.vn/sv-tot-nghiep-xuat-sac-va-gioi-cao-gan-gap-doi-loai-kha-dh-luat-ha-noi-ly-giai-post236666.gd

Thùy Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/khoi-nganh-luat-sv-tot-nghiep-loai-gioi-xuat-sac-nhieu-dh-co-xu-huong-tang-cao-post244823.gd
Zalo