Khơi gợi niềm tự hào, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ
Giáo dục truyền thống trong học đường được các trường xác định là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục. Theo đó, hằng năm, các trường đều xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động giáo dục thực tiễn như: văn hóa, văn nghệ ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước; hành trình về nguồn, kết nạp Ðảng, Ðoàn, Hội, Ðội tại các khu di tích lịch sử cách mạng; tri ân, đền ơn đáp nghĩa hướng về cội nguồn dân tộc, thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia; đồng thời lồng ghép nội dung này vào chương trình giảng dạy.
Ðồng hành với các trường trong nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh Cà Mau đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả: trưng bày, giới thiệu chuyên đề về các vị anh hùng dân tộc, nhà lãnh tụ, nhà chính trị, những di tích lịch sử; trưng bày bản đồ, tư liệu, hình ảnh chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam” trên địa bàn các huyện, thành phố. Hoạt động này không chỉ thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, giáo viên và học sinh mà còn tạo điều kiện để di sản văn hóa được lan tỏa mạnh mẽ.
Ông Cao Hồng Lĩnh, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Qua hoạt động tuyên truyền nhằm khơi gợi niềm tự hào về lịch sử địa phương, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Tạo điều kiện cho các em tham gia tìm hiểu, rèn luyện kỹ năng mềm, bổ sung kiến thức, phục vụ nhu cầu học tập. Ðồng thời, tạo sân chơi bổ ích, ý nghĩa để các em được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong học tập và sinh hoạt”.
Các trường còn giáo dục về truyền thống lịch sử, cách mạng thông qua các môn học: Lịch sử, Văn học, Ðịa lý, hoạt động trải nghiệm... giúp học sinh hiểu rõ hơn về cội nguồn, từ đó hun đúc tinh thần yêu nước, đoàn kết và sáng tạo trong xây dựng tương lai; đồng thời, nâng cao ý thức tự hào, trách nhiệm đối với lịch sử và văn hóa Việt Nam. Qua đó, tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm hứng thú, say mê của học sinh trong học tập và nghiên cứu lịch sử, truyền thống cách mạng.
Thầy Nguyễn Văn Hải, giáo viên, Tổng phụ trách Ðội, Trường THCS Nguyễn Thiện Thành (xã Trí Phải, huyện Thới Bình), cho biết: “Ðể giáo dục truyền thống cho các em, trường tổ chức nhiều hoạt động như: lồng ghép vào các buổi chào cờ đầu tuần tuyên truyền về ý nghĩa của các ngày lễ lớn trong năm của đất nước; lồng ghép giáo dục lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc vào các môn học, hoạt động trải nghiệm với hình ảnh minh họa sinh động, tạo hứng thú cho các em. Ðồng thời, nhà trường phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức hoạt động ngoại khóa, cho học sinh tham gia, tìm hiểu. Giáo dục truyền thống cho các em là hoạt động rất ý nghĩa, đặc biệt là giáo dục lịch sử địa phương. Qua đó, giúp các em hiểu biết về lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc, tự hào hơn, yêu quê hương, đất nước mình hơn, từ đó tích cực học tập và rèn luyện”.
Em Ðỗ Thanh Tâm, học sinh Lớp 8A3, Trường THCS Nguyễn Thiện Thành, chia sẻ: “Ðược tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống, em cảm thấy rất tự hào về lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương mình. Hoạt động ý nghĩa này giúp chúng em biết được thông tin hữu ích, đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước, từ đó sẽ cố gắng hơn trong học tập và thêm yêu quê hương đất nước. Hy vọng sắp tới em sẽ được tham gia nhiều hơn nữa những hoạt động giáo dục truyền thống như thế này”.
Giáo dục lịch sử truyền thống đã tạo động lực tích cực, giúp thế hệ trẻ hiểu đúng, tự hào, trân trọng về truyền thống cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, sống có lý tưởng và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử trong công cuộc xây dựng và phát triển địa phương./.