Khơi dòng tín dụng xanh miền Trung

Về dải đất được ví như 'chiếc đòn gánh của đất nước' hôm nay, không chỉ thấy chất thơ của những dòng sông uốn lượn, bờ biển trải dài và cánh đồng xanh mướt hay sự kỳ vĩ của những di sản thế giới mà còn cảm nhận rõ một miền Trung đang từng ngày thay da đổi thịt từ chủ trương phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh, tín dụng xanh đang dần lan tỏa. 'Xanh hóa' dòng tín dụng.

Dấu ấn tín dụng xanh

Nổi lên là một khu vực có sự phát triển kinh tế khá năng động và đầy tiềm năng trong thời gian gần đây, miền Trung còn ghi dấu ấn với nhiều khu công nghiệp, nhà máy, cũng như nền nông nghiệp đang phát triển. Hòa vào dòng chảy ấy, “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” đã không còn là khái niệm xa lạ ở trong khu vực, trở thành một chủ trương quan trọng được các TCTD ở miền Trung triển khai mạnh mẽ để hỗ trợ người dân lẫn doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng bảo vệ môi trường, tạo dựng một hệ sinh thái hài hòa cho thế hệ mai sau.

Nghệ An, một trong những địa phương đi đầu trong việc áp dụng mô hình kinh tế xanh ở miền Trung, tạo dựng được những thành quả đáng ghi nhận. Suốt thời gian qua, các TCTD ở xứ Nghệ đã tích cực tham gia vào việc cung cấp nguồn vốn tín dụng xanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất sạch, nông nghiệp hữu cơ, lâm nghiệp bền vững và năng lượng tái tạo… Nguồn vốn tín dụng ưu đãi, với lãi suất chỉ từ 5-6% mỗi năm, giúp nhiều người dân lẫn doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng sạch… phát triển sản xuất kinh doanh, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Câu chuyện về gia đình ông Hoàng Xuân Anh ở xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn là một điển hình. Với nguồn vốn 1,2 tỷ đồng từ Agribank Tây Nghệ An theo gói tín dụng xanh, gia đình ông đã gây dựng thành mô hình trang trại chăn nuôi gà với tiêu chuẩn VietGap, cùng hơn 1.000 gốc ổi hữu cơ. Mô hình sản xuất sạch, không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững. Ông Hoàng Xuân Anh chia sẻ: “Nhờ có tín dụng xanh, gia đình tôi không những vượt qua khó khăn về vốn mà còn tạo ra mô hình sản xuất xanh, sạch, an toàn cho sức khỏe cộng đồng và môi trường”.

Nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An cũng đã chuyển mình nhờ vào nguồn vốn tín dụng xanh. Đơn cử, Công ty TNHH Green Solar Sông Lam, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện mặt trời đã nhận được sự hỗ trợ từ HDBank Nghệ An. Với khoản vay tín dụng xanh ưu đãi, doanh nghiệp có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất và phát triển thị trường điện mặt trời, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng sạch. Đặc biệt, doanh nghiệp còn được ngân hàng tạo điều kiện vay vốn bằng chính tài sản thế chấp là hệ thống điện mặt trời, giúp giảm bớt gánh nặng về tài sản đảm bảo cho Green Solar Sông Lam…

Hà Tĩnh cũng đang trở thành một điểm sáng trong việc phát huy nguồn vốn xanh. Tại xã Tân Hương, huyện Đức Thọ, chị Lê Thị Nguyệt đã tiếp cận thành công nguồn vốn tín dụng xanh từ Agribank Hà Tĩnh để xây dựng trang trại chăn nuôi gà theo mô hình VietGap, với quy mô gần 600 con. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời, lãi suất ưu đãi từ ngân hàng, chị đã triển khai mô hình chăn nuôi bền vững. Chị Nguyệt tâm sự: “Nguồn vốn tín dụng xanh đã giúp gia đình tôi hiện thực hóa ước mơ sản xuất sạch, xanh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường”.

Cũng tại Hà Tĩnh, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Thần Nông HT được “tiếp sức” từ tín dụng xanh, để triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở xã Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ). Có vốn, công ty đã áp dụng công nghệ mạ khay, máy cấy kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất lúa hữu cơ. Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp tái tạo hệ sinh thái đồng ruộng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông Phạm Hải Thăng, Giám đốc hợp tác xã chia sẻ: “Mô hình sản xuất lúa hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn là niềm tự hào khi giúp bảo vệ môi trường, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững ở địa phương”.

Cần thêm “sức bật” cho những màu xanh của nền kinh tế

Với những con người cần cù và sáng tạo, miền Trung đang chứng kiến một sự chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xanh. Những câu chuyện từ Nghệ An hay Hà Tĩnh… là mảnh ghép nhỏ trong bức tranh lớn về một miền Trung xanh.

Hiện, tại nhiều doanh nghiệp ở miền Trung cũng như cả nước nhu cầu về tín dụng xanh là rất lớn. Bà Nguyễn Thị Tố Trang, Tổng giám đốc Vinatex Phú Hưng (Thừa Thiên - Huế) chia sẻ, để đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh, công ty phải đầu tư vào hệ thống máy móc, công nghệ mới. Tuy nhiên, chi phí đầu tư rất lớn, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, sự hỗ trợ kịp thời từ các ngân hàng với lãi suất ưu đãi là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp qua cửa ải này.

Trên thực tế, dù tín dụng xanh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng ở miền Trung cũng như cả nước, tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng dư nợ vẫn còn khiêm tốn. Ngành Ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các chương trình tín dụng xanh, đặc biệt là trong thẩm định, đánh giá các tiêu chí “xanh”.

Ông Đoàn Mạnh Hà, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Nghệ An cho rằng, dù tín dụng xanh đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là việc thiếu cơ sở pháp lý và tiêu chí cụ thể để đánh giá dự án xanh. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh chủ yếu là nguồn vốn trung và dài hạn, thời gian hoàn vốn lâu, trong khi nguồn vốn huy động của các TCTD phần lớn là ngắn hạn…

Thực tế, việc thiếu các tiêu chí rõ ràng để phân loại, đánh giá dự án xanh là một trong những vướng mắc lớn nhất đối với các ngân hàng khi quyết định cho vay theo tín dụng xanh. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến các TCTD mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn tiếp cận nguồn vốn xanh… Bởi vậy, để thúc đẩy sự phát triển của tín dụng xanh tại miền Trung, cũng như cả nước, cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, có hướng dẫn cụ thể về danh mục xanh; tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam. Từ đó, làm cơ sở cho các TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Nhiều chuyên gia kinh tế từng khẳng định, “tín dụng xanh” là “mạch máu” nuôi dưỡng các “mầm xanh của nền kinh tế”. Và miền Trung đã và đang nỗ lực thúc đẩy tín dụng xanh để những “mầm xanh” lan tỏa. Đây cũng là nền tảng để ước mơ về một nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường đã không còn xa vời.

Một mùa xuân mới lại nhẹ nhàng gõ cửa, mang theo hơi thở tươi trẻ của đất trời vào xuân. Giữa bức tranh xuân rực rỡ sắc màu, tín dụng xanh vươn lên như một nét chấm phá tươi sáng, thổi luồng sinh khí mới vào vùng đất được ví von như “chiếc đòn gánh của đất nước” - nơi sự sống đột phá từ những giá trị vững bền và tràn đầy hy vọng.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khoi-dong-tin-dung-xanh-mien-trung-160077.html
Zalo