Khơi dòng du lịch sông Hồng

Sông Hồng là 'sông mẹ' của Đồng bằng Bắc Bộ, với hệ thống di tích, di sản, làng nghề dày đặc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên hai bên bờ, đặc biệt là đoạn chảy qua Hà Nội dài 160 km. Dù sở hữu tiềm năng phong phú, nhưng việc khai thác, phát triển du lịch sông Hồng lại chưa được 'thông dòng'.

Hạ tầng các bến sông còn đơn sơ là lực cản lớn đối với du lịch sông Hồng.

Hạ tầng các bến sông còn đơn sơ là lực cản lớn đối với du lịch sông Hồng.

Toàn bộ tuyến sông Hồng chảy qua Hà Nội, rồi kết nối với các địa phương khác như Bắc Ninh, Hưng Yên, hiện nay mới chỉ có duy nhất một doanh nghiệp khai thác. Hạ tầng chính là một trong những rào cản lớn nhất.

Độc đáo tour đường sông

Từ bến Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), du thuyền sông Hồng của Công ty Thăng Long GTC chầm chậm rời bến, bỏ lại sau lưng phố phường ồn ã. Hành trình khám phá sông Hồng đưa khách du lịch đến với vùng đất Ninh Sở (huyện Thường Tín) giàu truyền thống văn hóa và bề dày lịch sử. Nơi đây có Di tích quốc gia đền Đại Lộ, chùa Công Minh, đền Mẫu Cửu Trùng Thiên, đền Dầm... Rời bến Đại Lộ, chỉ mất khoảng 30 phút, du khách tiếp tục đến với đền Đa Hòa (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).

Đây là nơi thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử - một trong “tứ bất tử” của người Việt. Chia tay với đền Đa Hòa, chiếc thuyền đưa du khách đến với làng nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Đây cũng là điểm tham quan cuối của hành trình. Điểm nhấn chính tại làng gốm Bát Tràng là thăm Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt - một công trình kiến trúc ấn tượng, mang đậm dấu ấn đặc trưng của làng nghề có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi.

Ngoài việc chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm tinh xảo, du khách còn được tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc ánh sáng độc đáo để thấy sức sáng tạo đầy nội lực của người dân Bát Tràng. Chị Nguyễn Linh Tâm cho biết: “Cảm giác khám phá các di tích, làng nghề bằng đường sông rất khác lạ.

Du khách được hòa mình vào thiên nhiên, hít thở không khí trong lành. Bản thân tôi đã đến làng gốm Bát Tràng, nhưng nay đi từ bến sông lên vẫn rất thích, chưa kể một số di tích khác dọc sông còn rất nhiều điều thú vị”.

Hưởng ứng chủ trương phát triển kinh tế đêm của Chính phủ, từ tháng 3/2024, Xí nghiệp Đầu tư và phát triển Du lịch sông Hồng (Công ty Thăng Long GTC) đưa vào hoạt động chương trình “Những cây cầu hạnh phúc”.

Hành trình bắt đầu vào lúc hoàng hôn và kết thúc sau ba giờ trải nghiệm. Du khách được thưởng ngoạn cảnh sắc hai bên bờ sông Hồng vào buổi chiều tối, đi qua các cây cầu Chương Dương, Long Biên. Du thuyền sẽ thả neo để khách du lịch ngắm cầu Nhật Tân và thưởng thức bữa tối trên du thuyền. Trong suốt hành trình, khách du lịch được thưởng thức âm nhạc, giao lưu văn nghệ... Tiết trời se lạnh là thời điểm lý tưởng để khách du lịch có những trải nghiệm trên sông khi màn đêm buông xuống.

Sông Hồng là con sông mẹ của Đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó, riêng đoạn chảy qua Hà Nội có chiều dài khoảng 160 km, đi qua địa bàn 15 quận, huyện. Dọc hai bên sông Hồng có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề. Đó là đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm); đền Ghềnh, đền Rừng (quận Long Biên); làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); đền Dầm, đền Đại Lộ (huyện Thường Tín)...

Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành nên tuyến du lịch sông Hồng. Xí nghiệp Đầu tư và phát triển Du lịch sông Hồng sau gần 30 năm khai thác, từ chỗ ban đầu chỉ có một tuyến mang tên “Ấn tượng sông Hồng”, hiện đã có thêm năm chương trình đi từ Hà Nội tới các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam với nhiều điểm tham quan nổi tiếng.

Ngoài ra còn có các chương trình dọc sông được thiết kế riêng theo nhu cầu khách hàng. Tháng 10/2023, Xí nghiệp đầu tư thêm du thuyền Thăng Long Victory có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại nhất Hà Nội hiện nay.

Khách du lịch phấn khởi khi được trải nghiệm du lịch trên sông Hồng.

Khách du lịch phấn khởi khi được trải nghiệm du lịch trên sông Hồng.

Tháo gỡ những rào cản

Hầu hết các con sông lớn chảy qua thành phố đều được khai thác du lịch. Ở Việt Nam, những tour đường sông nổi tiếng phải kể đến sông Hương (Thừa Thiên Huế), sông Hàn (Đà Nẵng)... Năm 2019, tờ Daily Mail (Anh) đã bình chọn sông Hồng là một trong tám địa điểm du thuyền trên sông tuyệt nhất thế giới. Từ tuyến du lịch dọc sông Hồng, có thể dễ dàng kết nối với các tuyến du lịch đường sông khác thông qua sông Đuống, sông Đáy.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trên địa bàn Hà Nội, chỉ duy nhất một doanh nghiệp khai thác du lịch sông Hồng. Đáng tiếc hơn, trong các tuyến du lịch của doanh nghiệp này, chỉ có tuyến “Ấn tượng sông Hồng” thường xuyên hoạt động, các tour còn lại chỉ thực hiện khi có khách đặt hàng.

Trước đây, Công ty A Class Cruises Group từng kéo du thuyền cao cấp mang tên Jade of River từ vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) về hoạt động trên sông Hồng. Nhưng sau khi kéo vào thì đã phải… kéo ra. Bởi việc khai thác du lịch sông Hồng không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Giám đốc A Class Cruises Group Nguyễn Quốc An chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là hạ tầng yếu kém. Hà Nội có Bến Bạc, Chương Dương Độ, Bát Tràng. Nhưng bến Chương Dương Độ thì hạ tầng còn nhếch nhác, mất cảm tình với du khách. Bến Bát Tràng hiện nước cạn cho nên du thuyền không cập bến được”.

Điều ông Nguyễn Quốc An trăn trở cũng chính là rào cản lớn nhất của du lịch sông Hồng hiện nay. “Bến tàu du lịch” Chương Dương Độ chỉ là một cầu tàu tạm làm bằng gỗ. Thậm chí bước lên còn cảm giác bập bênh thiếu an toàn. Chung quanh bến tàu là khu vực sinh sống của người dân nên rất lộn xộn. Hệ thống thoát nước thải chảy qua bến, người dân đổ rác thải ra ven bờ khiến môi trường bị ô nhiễm.

Trong khi bến Chương Dương Độ không đáp ứng được yêu cầu phục vụ khách thì bến thủy nội địa tại khu vực làng gốm Bát Tràng lại bị bỏ quên. Dù đã được thành phố đầu tư xây dựng nhiều năm nay, nhưng bến tàu này lại chưa từng hoạt động do nhiều yếu tố. Trong đó có yếu tố kỹ thuật khiến tàu rất khó cập bến và gây khó khăn cho khách du lịch.

Cảnh quan sông Hồng nhìn chung đẹp mắt, nhưng nhiều năm qua, nhiều khu vực bị đổ rác thải, hoặc nhếch nhác. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch AZA Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, đây là một trong những lý do vì sao khi đi tàu du lịch trên sông Hồng, du khách không mấy hào hứng ngắm cảnh.

Việc các tour chủ yếu tham quan đình, đền, chùa, làng nghề, chưa tạo thành gói sản phẩm hấp dẫn cũng đang “kéo lùi” du lịch sông Hồng. Để “đánh thức” tiềm năng du lịch sông Hồng, trước mắt, cần giải được các bài toán bất cập nêu trên.

Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư và phát triển Du lịch sông Hồng Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, cần xây dựng thêm các khu vui chơi giải trí trên sông như chèo thuyền kayak, cắm trại; xây dựng khu trải nghiệm nông nghiệp ven sông; phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm đời sống văn hóa Đồng bằng sông Hồng, trải nghiệm nghề truyền thống tại các làng nghề...

Những hoạt động hấp dẫn có sự tham gia của người dân địa phương sẽ thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế; kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch AZA Nguyễn Tiến Đạt đề xuất: “Cần đầu tư, nâng cấp chất lượng tàu song song với việc nâng cao chất lượng phục vụ, trình độ của đội ngũ phục vụ du khách. Có thể mời các ban nhạc chơi trên tàu để du khách thưởng thức nghệ thuật.

Bên cạnh đó, các đơn vị tàu cần tăng năng lực đón khách thông qua việc giới thiệu sản phẩm tới từng đối tượng khách; kết nối với chính quyền địa phương và doanh nghiệp lữ hành để cùng xây dựng sản phẩm và đưa khách đến...”.

Sở Du lịch đã khảo sát tuyến du lịch sông Hồng và sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các sở, ngành, các chuyên gia để tham mưu, đề xuất với UBND thành phố về việc khai thác, phát triển tuyến du lịch sông Hồng theo quy định, trong đó, ưu tiên đầu tư, xây dựng và quản lý bến tàu thủy nội địa; cải tạo cảnh quan môi trường; bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách gia tăng trải nghiệm cho du khách.

Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội

Bài và ảnh: GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khoi-dong-du-lich-song-hong-post854191.html
Zalo