Khởi đầu trên hành trình phục thiện

80 năm qua, với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, đã có gần 40 lần đặc xá tha tù trước thời hạn cho hàng trăm nghìn phạm nhân trở về với gia đình và cộng đồng xã hội. Đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 767 đặc xá tha tù trước thời hạn, tạo cơ hội cho hơn 8.050 phạm nhân có cơ hội sớm làm lại cuộc đời.

Niềm vui ngày về. (Ảnh: Kiên Phạm)

Niềm vui ngày về. (Ảnh: Kiên Phạm)

Mặc dù tiến hành trong thời gian không dài, số lượng hồ sơ lớn, nhưng Bộ Công an cùng các bộ, ban, ngành thành viên Hội đồng Tư vấn đặc xá đã chỉ đạo các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an các địa phương trong cả nước nhanh chóng hoàn tất các thủ tục, bảo đảm chặt chẽ, thận trọng, đúng đối tượng và công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ, đúng pháp luật.

Công tác đặc xá triển khai thận trọng, chặt chẽ

Quyết định đặc xá năm 2025 có một số điểm mới căn bản so với những lần đặc xá trước đây. Trong đó, đáng chú ý, phạm nhân được xét đặc xá phải chấp hành thời gian cải tạo ít nhất 1/3 thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn so với trước là 1/2 thời gian; đã chấp hành cải tạo ít nhất 14 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, so với các lần trước là 15 năm.

Tại lớp học tái hòa nhập cộng đồng do Trại giam số 6 (Bộ Công an) tổ chức, chị Lê Thị T. quê ở Thanh Hóa, dù biết mình đủ điều kiện xét duyệt đặc xá dịp này nhưng hơn một tháng qua, chị vẫn còn bất ngờ, vui sướng. Với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, chị T. bị tuyên mức án phạt tù 7 năm, 6 tháng. Thụ án vừa đủ được 1/3 thời gian, nhờ mở rộng đối tượng và có kết quả cải tạo tốt nên chị T. đã may mắn được vào danh sách đủ điều kiện xét duyệt đặc xá. Như một “giấc mơ”, chị T. cứ nhắc đi nhắc lại như không tin đó là sự thật.

Dự lễ công bố quyết định đặc xá năm 2025 của Chủ tịch nước tại Trại giam A2 (Bộ Công an) ở tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá khẳng định: Đặc xá năm 2025 một lần nữa tiếp tục khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, đặc xá cũng là sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của phạm nhân; là kết quả của quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa trại giam, gia đình, các cơ quan có liên quan và toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương phải có kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức xã hội thực hiện có hiệu quả Nghị định số 49 ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng; các cấp, ngành, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân và thân nhân các gia đình có người được đặc xá trở về hãy luôn luôn mở rộng vòng tay, không kỳ thị người được đặc xá, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Tại Trại giam Ninh Khánh (Bộ Công an), Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Phó Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, Cục trưởng Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và Thi hành án hình sự tại cộng đồng đặc biệt lưu ý các anh chị phạm nhân được đặc xá về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Trung tướng Nguyễn Văn Phục nhấn mạnh: Các anh chị nhanh chóng tiếp cận, để có thể vay vốn tối đa 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để học nghề, tạo việc làm, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Khép lại quá khứ buồn

Cơn mưa trắng trời ập xuống bất ngờ trên nhiều trại giam, trại tạm giam các tỉnh phía bắc. Đợt đặc xá lần này đúng nghỉ lễ dài ngày, do vậy, các gia đình có điều kiện đi đón người thân của mình trở về. Tại Trại giam Ninh Khánh, từ mờ sáng, trước cổng trại, đã đông kín gia đình đến đón người thân ngày trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đợt này, trại có 146 phạm nhân được hưởng sự khoan hồng, gấp đôi so với đợt đặc xá năm 2024.

Nhanh chóng làm thủ tục trước khi ra về, anh Lương Văn H. (Chương Mỹ, Hà Nội), thụ án với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cho biết: Kể từ khi quyết định đặc xá của Chủ tịch nước được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bản thân tôi cũng như nhiều phạm nhân khác luôn mong ngóng mình được hưởng đặc xá. Hơn một tháng nay, đêm nào tôi cũng thao thức, nghĩ đến giờ phút được đoàn tụ gia đình. Được đặc xá là niềm ân huệ đối với tôi, tôi xin hứa khi trở về sẽ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và quy định của địa phương, không tái phạm tội, phấn đấu trở thành người lương thiện, có ích cho gia đình, xã hội.

Tính riêng từ năm 2009 đến nay, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho hơn 90 nghìn người.

Tính riêng từ năm 2009 đến nay, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho hơn 90 nghìn người. Những phạm nhân được đặc xá tha tù trước thời hạn đã được gia đình, các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể-xã hội tiếp nhận, tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ để nhanh chóng ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Gần đây nhất, đợt đặc xá năm 2024, có 3.765 người được đặc xá, thì chỉ có 5 người tái phạm tội, chiếm tỷ lệ rất thấp (0,13%). Kết quả này càng khẳng định công tác đặc xá đã được triển khai thận trọng, chặt chẽ, hiệu quả, vừa bảo đảm thực thi chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước, vừa bảo đảm giữ gìn an ninh, trật tự và cuộc sống thanh bình cho nhân dân.

Đặc xá mới chỉ là bước khởi đầu của con đường hướng thiện, trước mắt những người được đặc xá hôm nay còn nhiều thử thách, khó khăn và gian khổ. Bên cạnh sự cám dỗ, lôi kéo, xúi giục thậm chí là đe dọa của kẻ xấu, kẻ ác, là ánh mắt thiếu thiện cảm từ những người chung quanh, thì “trở ngại” lớn nhất của những người từng có thời gian thi hành án tại các trại giam chính là phải vượt qua sự tự ti, mặc cảm.

Niềm vui ngày về. (Ảnh: Kiên Phạm).

Niềm vui ngày về. (Ảnh: Kiên Phạm).

Đối với anh Nguyễn Giang N. quê Yên Bái, quãng thời gian 8 năm, 4 tháng, 25 ngày thụ án tại Trại giam Thanh Lâm là những chuỗi ngày quá dài để trả giá cho lỗi lầm đã gây nên. N. bị bắt vì tội vận chuyển trái phép chất ma túy, khi chỉ còn năm ngày nữa là tổ chức đám cưới. Ngày cầm tờ quyết định đặc xá, N. rưng rưng nói: Ra trại ở độ tuổi bạn bè cùng trang lứa đã lập thân, lập nghiệp ổn định, hành trang tôi mang về là nỗi day dứt với mẹ. Tôi sẽ quyết tâm kiếm công việc, thu nhập ổn định để báo hiếu với mẹ, người duy nhất thăm nuôi tôi trong những ngày tôi trong trại.

Còn chị Nguyễn Thị Nhân H., ở thành phố Huế, thụ án tại Trại giam số 6 vì tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cho biết: Trở về chắc chắn tôi không tránh khỏi ở đâu đó còn ánh mắt kỳ thị, xa lánh. Tuy nhiên, những ngày tháng lao động, cải tạo trong trại, được cán bộ trại giáo dục, động viên thường xuyên, được tham dự lớp tái hòa nhập cộng đồng, trang bị kỹ năng, kiến thức cũng như tư vấn pháp luật, tôi cũng vững tâm hơn ngày trở về. Không còn cách nào khác, tôi cần phải nhanh chóng vượt qua “rào cản” vô hình, chủ động tái hòa nhập cộng đồng, sớm làm người có ích, bù đắp cho chồng, con những ngày tôi vắng nhà.

Những bước chân gấp gáp của những người được hưởng sự khoan hồng của pháp luật lao nhanh ra phía cổng trại. Bắt đầu từ giây phút cánh cổng trại giam khép lại sau lưng, những năm tháng thụ án, bị cách ly xã hội giờ chỉ còn là những kỷ niệm buồn, đầy day dứt. Cơn mưa cũng vừa tạnh, ánh nắng bắt đầu xuất hiện. Phía sau những bước chân vội vã của những người học trò “đặc biệt” là những cán bộ, chiến sĩ trại giam - người thầy “đặc biệt” trong môi trường “đặc biệt”, tiếp tục hết lòng chăm lo những học trò còn lại bằng cả tình thương, kỷ cương và trách nhiệm.

Tiễn “học trò” thêm vài chục bước chân, Thượng tá Nguyễn Văn Hồng - Đội trưởng Đội Giáo dục và hồ sơ, Trại giam Ninh Khánh cho biết: Đối với những người được đặc xá hôm nay, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Trên con đường hoàn lương phía trước, hy vọng sẽ có rất nhiều cơ hội để các anh chị được làm việc tử tế, trở thành người tử tế, sống có ích cho gia đình, xã hội. Trong cuộc sống, có nhiều sự gặp gỡ rồi chia ly, có những mối quan hệ mong muốn có lương duyên được gặp lại nhau, nhưng nhất định không phải là tại nơi này.

Thái Sơn

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khoi-dau-tren-hanh-trinh-phuc-thien-post876974.html
Zalo