Khởi đầu mới…

Theo kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động và chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty về các bộ, ngành quản lý.

Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 cho thấy, đến nay, Ủy ban đã cơ bản tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp của 5 bộ để các bộ tập trung nhiệm vụ quản lý nhà nước, ban hành chính sách. Đã hình thành cơ quan chuyên trách thực hiện đầy đủ, toàn diện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty theo quy định. Hoàn thành xử lý hầu hết 259 công việc thuộc trách nhiệm các bộ còn xử lý dở dang, tồn đọng qua nhiều thời kỳ sau khi tiếp nhận doanh nghiệp.

Về vốn, hiện tổng vốn chủ sở hữu 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2018. Tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng, tăng 5%; tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 44%. Tổng nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2018 - 2023 đạt 1,28 triệu tỷ đồng, chiếm bình quân 10 - 12% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm của cả nước. Tổng giá trị đầu tư giai đoạn 2018 - 2023 đạt 777 nghìn tỷ đồng…

Có thể thấy về cơ bản, hiệu quả hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty những năm qua đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, kết quả này chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ và vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Cụ thể là chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực vốn, tài sản được Nhà nước giao trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, kiểm soát chất lượng thông qua lựa chọn và kiểm soát nhà thầu, xử lý phát sinh trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các dự án lớn, quan trọng.

Việc phân bổ nguồn vốn đầu tư chưa tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực. Chưa có các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghệ cao, công nghệ lõi, có tính chất lan tỏa hoặc có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế từng doanh nghiệp. Hoạt động đầu tư chủ yếu vẫn mang tính đơn lẻ, chưa có sự phối hợp, liên kết, tận dụng thế mạnh của hệ thống các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, nhất là vấn đề thu xếp vốn cho dự án. Một số dự án đầu tư ra nước ngoài không thành công, rủi ro cao…

Đối với hoạt động của mình, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã thẳng thắn chỉ ra các hạn chế. Đó là chưa thể hiện được sự vượt trội so với trước về tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Hoạt động còn mang tính chất hành chính; chưa đạt mục tiêu, kỳ vọng ban đầu đặt ra với Ủy ban là ngay sau khi thành lập sẽ tạo ra bước đột phá trong quản lý một cách chuyên nghiệp và hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty.

Hạn chế nữa là sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước với Ủy ban; doanh nghiệp với Ủy ban chưa thực sự rõ ràng, chặt chẽ và hiệu quả. Mục tiêu và kỳ vọng khi thành lập Ủy ban rất lớn nhưng khung khổ pháp luật cho tổ chức và hoạt động lại hoàn toàn dựa trên hệ thống thể chế, pháp luật có sẵn, phương thức hoạt động vẫn là quản lý hành chính như các bộ trước đây, chưa bổ sung, điều chỉnh để có thể nâng cao năng lực, hiệu quả của mô hình mới… đã khiến hiệu quả hoạt động không như kỳ vọng.

Cho nên, việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty về các bộ, ngành quản lý sẽ là khởi đầu mới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện để các tập đoàn, tổng công ty phát triển mạnh hơn nữa, tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Như ý kiến của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thì đây là vấn đề sẽ được làm và phải làm rất nhanh. Công việc của các đơn vị không thể gián đoạn, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước, để doanh nghiệp nhà nước thực sự là “quả đấm thép”.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khoi-dau-moi-post399261.html
Zalo