Khởi công xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn
Cây cầu có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dài khoảng 720m, rộng từ 6 - 11m, khẩu độ vượt sông hơn 187m với tĩnh không thông thuyền (80m x 10m). Điểm đầu cầu phía quận 1 nằm tại Công viên bến Bạch Đằng, cách Công trường Mê Linh 125m về phía Nam. Phía TP Thủ Đức, cầu kết nối với Công viên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tại ngã ba đường Nguyễn Thiện Thành và N14.
Sáng 29-3, nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025), UBND TPHCM tổ chức Lễ khởi công dự án xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.
Đến dự và nhấn nút khởi công có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội; Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM; Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG TPHCM.
Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cùng đại diện lãnh sự các nước và các sở, ban ngành TPHCM.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TPHCM nhấn nút khởi công xây cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Phát biểu tại Lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, khởi công xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn là một công trình trọng điểm nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025). Cây cầu sẽ kết nối Công viên bến Bạch Đằng (quận 1) với Công viên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), góp phần tạo nên một điểm nhấn kiến trúc mới, thúc đẩy giao thông và phát triển du lịch cho Thành phố. Đây là một công trình mang ý nghĩa quan trọng, không chỉ về mặt giao thông mà còn là biểu tượng văn hóa và cảnh quan hiện đại của TPHCM.
Phương án thiết kế kiến trúc được chọn là của Liên danh Chodai - Takashi Niwa và Chodai Kisojiban Việt Nam. Thiết kế lấy cảm hứng từ hình dáng chiếc lá dừa nước, một biểu tượng đặc trưng của vùng Nam bộ. Cây cầu không chỉ mang phong cách hiện đại mà còn tôn vinh nét đẹp truyền thống, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và đô thị xung quanh.

Phối cảnh cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có hình chiếc lá dừa nước. Ảnh: Liên danh Chodai - Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam
Theo ông Bùi Xuân Cường, sau khi hoàn thành, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn không chỉ đơn thuần là công trình giao thông, mà còn là biểu tượng kiến trúc mới của TPHCM, điểm đến văn hóa và du lịch hấp dẫn, không gian tổ chức sự kiện nghệ thuật và giao lưu cộng đồng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và phát triển đô thị thông minh.
Ngoài ra, cây cầu còn tạo thêm không gian xanh, giúp người dân và du khách tận hưởng khung cảnh đẹp của sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu nhà tài trợ cùng các đơn vị liên quan, đảm bảo hoàn thành công trình đúng tiến độ cam kết với chất lượng và mỹ quan cao nhất.
Theo thiết kế, cây cầu được trang bị hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, mái che bằng vật liệu ETFE, các tiện ích công cộng như: thang máy, thang cuốn sẽ giúp khách bộ hành thuận tiện khi chiêm ngưỡng, tham quan và trải nghiệm. Hệ thống chiếu sáng mỹ thuật sẽ mang đến diện mạo hiện đại và lung linh, biến cây cầu thành một điểm đến hấp dẫn, giúp thúc đẩy du lịch và các hoạt động giải trí về đêm của TPHCM.
Cây cầu có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dài khoảng 720m, rộng từ 6 - 11m, khẩu độ vượt sông hơn 187m với tĩnh không thông thuyền (80m x 10m). Điểm đầu cầu phía quận 1 nằm tại Công viên Bến Bạch Đằng, cách Công trường Mê Linh 125m về phía Nam. Phía TP Thủ Đức, cầu kết nối với Công viên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tại ngã ba đường Nguyễn Thiện Thành và N14. Kinh phí xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn do Nutifood tài trợ.