Khởi công xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ Biệt động Sài Gòn
Công trình Bia tưởng niệm được xây dựng tại Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM (P.Long Bình, TP.Thủ Đức). Ngay sau lễ khởi công sáng 03/02/2025 (Mùng 6 Tết Ất Tỵ), Bộ Tư lệnh TP.HCM phối hợp với Câu lạc bộ (CLB) Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang - Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định (SG-GĐ) đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Biệt động Sài Gòn (BĐSG) tại 499/20 Cách Mạng Tháng Tám, P13Q10...
Về với mái nhà chung...
Được sự chấp thuận chủ trương của Thường trực Thành ủy TP.HCM, sau thời gian chuẩn bị về mọi mặt, sáng 03/02/2025 (Mùng 6 Tết Ất Tỵ), Bộ Tư lệnh TP phối hợp với Thành ủy TP.Thủ Đức tổ chức lễ khởi công xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ BĐSG tại Nghĩa trang liệt sĩ TP. Đây là công trình tiêu biểu của lực lượng vũ trang Biệt động SG-GĐ kỷ niệm 57 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tiến tới chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Tham dự lễ khởi công có nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân; Thiếu tướng Phạm Văn Rậm - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM; bà Nguyễn Thị Bích Nga - Quyền Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động SG-GĐ; ông Trần Kiến Xương - Vụ trưởng Vụ công tác phía Nam TAND Tối cao (con trai Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai, tức Mai Hồng Quế), đại diện lãnh đạo TP.Thủ Đức...
Thay mặt lãnh đạo Bộ Tư lệnh TP.HCM, Thiếu tướng Phạm Văn Rậm bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc các Anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do, vì hạnh phúc của nhân dân; máu của các anh đã tô thắm lá cờ vẻ vang của Tổ quốc, làm nên dáng đứng Việt Nam.
![16 chữ vàng do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng lực lượng Biệt động SG-GĐ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_05_62_51414780/cdb997c5af8b46d51f9a.jpg)
16 chữ vàng do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng lực lượng Biệt động SG-GĐ
Tiền thân của lực lượng BĐSG là các tổ chức Tự vệ quyết tử khi toàn dân bước vào năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thời gian đầu, nhiều đơn vị vũ trang và bán vũ trang tự phát với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tính chất hoạt động mang nét đặc trưng chung "bí mật, táo bạo, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm". Xuyên suốt quá trình hoạt động, lực lượng BĐSG thể hiện là đội quân đặc biệt, luôn tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.
Lực lượng Biệt động SG-GĐ phát triển đến đỉnh cao trong chiến tranh cục bộ (1965-1968) với lối đánh táo bạo, lập nên những chiến công vang dội. Những trận đánh "xuất quỷ nhập thần" của Biệt động là nỗi kinh hoàng của bọn xâm lược và tay sai. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lực lượng Biệt động được chuẩn bị tốt về tinh thần, trang bị vào trận chiến đấu với khát vọng hòa bình, không có gì quý hơn độc lập tự do.
Với bề dày truyền thống và thành tích chiến đấu đặc biệt xuất sắc, Biệt động SG-GĐ đã được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng 16 chữ vàng "Đoàn kết một lòng, mưu trí vô song, dũng cảm tuyệt vời, trung kiên bất khuất". Đã có 5 đơn vị và 31 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND, càng tôn vinh truyền thống tự hào của lực lượng Biệt động anh hùng.
Thiếu tướng Phạm Văn Rậm nhấn mạnh: "Năm tháng sẽ qua đi nhưng với cả nước, với miền Nam thành đồng, với thành phố mang tên Bác, những chiến công vang dội của lực lượng BĐSG sẽ là tượng đài bất tử - biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh phi thường của lòng yêu nước nồng nàn, của trí tuệ, khí phách Việt Nam. Nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, theo đề nghị của Ban liên lạc BĐSG, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh TP.HCM nhận thấy việc xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ BĐSG tại Nghĩa trang liệt sĩ TP là tấm lòng, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang TP".
Bà Nguyễn Thị Bích Nga bày tỏ: "Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM được chọn làm nơi dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ BĐSG, trở thành chốn yên nghỉ của những người con ưu tú đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Với 61 chiến sĩ Biệt động hy sinh khi đang chiến đấu trong Tết Mậu Thân năm 1968, đến nay chỉ có 8 người tìm được thân nhân, còn 53 người vẫn chưa tìm được danh tính. Khi Bia tưởng niệm xây dựng xong, vong hồn các anh sẽ được về với mái nhà chung của Nghĩa trang Liệt sĩ TP; không còn phải lang thang đây đó.
![Thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ BĐSG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_05_62_51414780/bf16ef6ad7243e7a6735.jpg)
Thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ BĐSG
Bia tưởng niệm không chỉ ghi lại những mốc son lịch sử vẻ vang, đáng tự hào của lực lượng vũ trang TP.HCM, mà còn nơi để mỗi người dân TP mang tên Bác, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang TP bày tỏ lòng thành kính, tri ân và nguyện tiếp bước theo con đường cách mạng của các thế hệ cha anh. Bia tưởng niệm còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý chí quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, vững mạnh".
Ấm áp những ngày đầu xuân
Ngay sau lễ khởi công Bia tưởng niệm, Bộ Tư lệnh TP.HCM phối hợp với CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang - Biệt động Quân khu SG-GĐ đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm liệt sĩ BĐSG tại 499/20 Cách Mạng Tháng Tám, P13Q10.
Tại lễ dâng hương, ông Phan Xuân Biên - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM (nguyên Thư ký Thiếu tướng Tư lệnh Quân khu SG-GĐ Trần Hải Phụng) đã ôn lại truyền thống của lực lượng Biệt động SG-GĐ: "Từ xuân Mậu Tý 2008 đến nay, cứ đến Mùng 6 Tết, gia đình, con cháu của nhiều thế hệ lực lượng Biệt động SG - GĐ cùng tề tựu về ngôi nhà chung, thành kính dâng hương, dâng hoa và làm giỗ tưởng nhớ đến các chiến sĩ Biệt động Thành đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Đặc biệt là những anh chị em Biệt động đã ngã xuống trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đánh vào các cơ quan đầu não của chế độ Sài Gòn. Đó là biểu tượng ngời sáng của tình nghĩa đồng đội, là bản lĩnh, trách nhiệm của "Bộ đội Cụ Hồ", là truyền thống "uống nước nhớ nguồn", văn hóa nghĩa tình của dân tộc ta, của nhân dân TP mang tên Bác.
Ông Nguyễn Quốc Độ - Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động SG-GĐ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và TP.HCM qua các thời kỳ, đã có mặt trong lễ dâng hương thường niên; thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", sự quan tâm, lòng tri ân đối với các Anh hùng, liệt sĩ BĐSG, góp phần tô đậm thêm trang sử vàng, truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc.
Liên quan đến Bia tưởng niệm, ông Độ bày tỏ phấn khởi: "Sau nhiều năm CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động SG-GĐ kiên trì kiến nghị, việc lập Bia tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ Biệt động SG-GĐ hy sinh trong cuộc kháng chiến, đặc biệt là Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã được lãnh đạo TP.HCM chấp thuận, giao trách nhiệm cho Bộ Tư lệnh TP triển khai thực hiện. Chúng tôi mừng đến rơi nước mắt khi tiếp nhận văn bản số 1203-TB/VPTU ngày 02/8/2024 của Văn phòng Thành ủy kết luận của Thường trực Thành ủy về đề xuất lập "Bia tưởng niệm các liệt sĩ BĐSG tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP". Lễ khởi công được tổ chức sáng nay càng thêm ý nghĩa khi trùng vào ngày lễ dâng hương, dâng hoa và làm giỗ tưởng nhớ đến các Anh hùng, liệt sĩ Biệt động SG-GĐ...".
Văn bản số 1203-TB/VPTU ngày 02/8/2024 của Văn phòng Thành ủy nêu rõ: Thường trực Thành ủy tại phiên họp ngày 22/7/2024, sau khi nghe CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu SG-GĐ, UBND TP, Bộ Tư lệnh TP và các sở, ngành có liên quan báo cáo về đề xuất nguyên vọng lập Bia tưởng niệm các liệt sĩ BĐSG tại Nghĩa trang liệt sĩ TP, ý kiến phát biểu của các đồng chí tham dự cuộc hợp, tập thể Thường trực Thành ủy đã thảo luận và thống nhất kết luận như sau:
1. Hoan nghênh, rất biết ơn và ghi nhận sự nỗ lực của các đồng chí CLB Truyền thống kháng chiến TP và CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu SG-GĐ trong suốt thời gian qua đã trăn trở, lo lắng, suy nghĩ, tìm cách giải quyết nguyện vọng lập Bia tưởng niệm các liệt sĩ BĐSG tại Nghĩa trang liệt sĩ TP nhằm bày tỏ tình cảm đối với những người đã khuất. Đây là việc làm rất có ý nghĩa mà cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân TP cần phải quan tâm, có bổn phận chăm lo công tác đền ơn, đáp nghĩa, thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn".
2. Giao Ban cán sự đảng UBND TP lãnh đạo, chỉ đạo UBND TP, Bộ Tư lệnh TP và các sở, ban, ngành liên quan tập trung nỗ lực tối đa, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, khẩn trương phối hợp, rà soát kỹ, hệ thống lại toàn bộ hồ sơ, tư liệu liên quan, hoàn thiện nội dung nêu trên, báo cáo, trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, có ý kiến kết luận chỉ đạo để kịp thời triển khai thực hiện, hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)...