Khởi công 3 cụm công nghiệp gần 42 ha: Tín hiệu sáng cho kinh tế Quốc Oai
Huyện Quốc Oai (Hà Nội) khởi công 3 cụm công nghiệp quy mô khoảng 42 ha, hứa hẹn giúp giảm ô nhiễm môi trường, tạo việc làm cho người dân và đưa kinh tế phát triển.
Đồng loạt khởi công
Sáng 26/12, UBND huyện Quốc Oai và các công ty: Công ty CP đầu tư hạ tầng DSG; Công ty TNHH Đầu tư Minh Hà; Công ty CP Xây dựng Giao thông Long Thành khởi công - động thổ nhóm dự án các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn huyện.
Các nhóm dự án gồm: Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp làng nghề xã Ngọc Mỹ - Thạch Thán; cụm công nghiệp làng nghề xã Nghĩa Hương (phần mở rộng) và cụm công nghiệp xã Ngọc Liệp.
Cụ thể, Cụm công nghiệp làng nghề Ngọc Mỹ - Thạch Thán do Công ty CP Đầu tư Hạ tầng DSG làm chủ đầu tư với quy mô 21 ha, tổng mức đầu tư khoảng 438 tỷ đồng.
Cụm công nghiệp Nghĩa Hương do Công ty TNHH Đầu tư Minh Hà làm chủ đầu tư với quy mô 10,7 ha, tổng mức đầu tư khoảng 233 tỷ đồng.
Cụm công nghiệp Ngọc Liệp (phần mở rộng) do Công ty CP Xây dựng Giao thông Long Thành làm chủ đầu tư với quy mô khoảng 9,8 ha, tổng mức đầu tư khoảng 209 tỷ đồng.
Theo đó, dự án bao gồm các hạng mục đầu tư san nền, giao thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải, cây xanh, cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc, nhà điều hành, nhà dịch vụ, bảo vệ vá các công trình phụ trợ khác.
Sau khi được lựa chọn là chủ đầu tư dự án, các doanh nghiệp đã tập trung nguồn lực, lập kế hoạch thực hiện, khẩn trương, nỗ lực với các Sở ngành của TP Hà Nội, chính quyền địa phương hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đại diện các chủ đầu tư, ông Nguyễn Minh Đông - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng DSG, chủ đầu tư cụm công nghiệp làng nghề Ngọc Mỹ - Thạch Thán - bày tỏ niềm vinh dự khi được lựa chọn làm chủ đầu tư một dự án quan trọng trên địa bàn huyện phía Tây Hà Nội.
Theo ông Đông, nhóm các chủ đầu tư đều đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm, điểm công nghiệp cùng với tổng thầu xây dựng; có đội ngũ kỹ sư, nhân viên chất lượng cao.
Các chủ đầu tư đều xác định việc xây dựng các dự án cụm công nghiệp kể trên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Quốc Oai, góp phần giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, giải quyết ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động…
"Chỉ chưa đầy một năm nữa, ngay trên chính mảnh đất này, sẽ hình thành cụm công nghiệp đồng bộ, khang trang, hiện đại, thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp, đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân địa phương. Chúng tôi xin cam kết ngay sau lễ động thổ - khởi công sẽ tập trung mọi nguồn lực triển khai thi công dự án tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động và các quy định của pháp luật có liên quan, không để dự án ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân khu vực lân cận", ông Đông nói.
Bến đỗ cho các làng nghề
Tại lễ khởi công, đại diện UBND huyện Quốc Oai đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của các chủ đầu tư trong quá trình hoàn thành thủ tục đầu tư dự án. Với năng lực tài chính, kinh nghiệm xây dựng, các chủ đầu tư sẽ triển khai dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng như đã cam kết, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quốc Oai, trở thành cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, đồng bộ, hiện đại.
Đồng thời, việc hoàn thành, sớm đưa vào hoạt động các cụm công nghiệp cũng có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu phát triển làng nghề của địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để huyện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn.
Phát biểu tại lễ khởi công, bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, huyện Quốc Oai hiện có 45 làng và tổ dân phố có nghề, trong đó có 17 làng nghề. Hơn 4.500 hộ làm nghề trên địa bàn các xã đang tạo việc làm cho khoảng 11.400 lao động địa phương.
Trên địa bàn huyện hiện cũng có 1.436 doanh nghiệp, 5.464 hộ cá thể kinh doanh lĩnh vực công nghiệp - xây dựng. Hoạt động có hiệu quả của các doanh nghiệp đã và đang góp phần mang lại thu nhập ổn định cho một bộ phận người lao động tại địa phương.
Để đưa sản xuất của các doanh nghiệp, hộ cá thể đi vào nền nếp, trong những năm qua, địa phương đẩy mạnh phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp. Hiện, hai cụm công nghiệp Yên Sơn và Ngọc Liệp với tổng quy mô gần 30ha đã đi vào hoạt động. 25 doanh nghiệp hoạt động trong hai cụm công nghiệp này đang tạo việc làm cho hơn 6.500 lao động trong và ngoài huyện.
Trong khi đó, khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai thuộc địa giới hành chính của huyện Quốc Oai quản lý hiện cũng có 42 doanh nghiệp đang hoạt động. Cơ quan chức năng địa phương xác nhận các doanh nghiệp đang duy trì hoạt động tương đối hiệu quả và thực hiện việc đóng thuế đầy đủ.
“Để đáp ứng nhu cầu về địa điểm sản xuất cho các doanh nghiệp, hộ cá thể, UBND TP Hà Nội đã cho phép huyện Quốc Oai thành lập mới 3 cụm công nghiệp làng nghề (Tân Hòa, Ngọc Mỹ -Thạch Thán và Nghĩa Hương), và mở rộng cụm công nghiệp Ngọc Liệp”, bà Oanh nói.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cũng nhấn mạnh, chính quyền địa phương xác định việc hoàn thành các cụm công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh phát triển cụm công nghiệp, huyện cũng khuyến khích, vận động các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong khu dân cư vào sản xuất tập trung trong các khu công nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về mặt bằng sản xuất để có điều kiện phát triển.
“Việc khởi công, hoàn thành, sớm đưa vào hoạt động các cụm công nghiệp cũng có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu phát triển làng nghề của địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để huyện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn”, ông Nguyễn Trường Sơn nói.