Khối Ả-rập loay hoay việc thay thế kế hoạch 'tái thiết Gaza' của ông Trump

Kế hoạch biến Dải Gaza thành một 'Riviera Trung Đông' của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến lãnh đạo các nước Ả-rập gấp rút xây dựng một 'lối thoát' trị giá 50 tỷ USD để cứu vãn vùng đất này. Nhưng câu hỏi lớn vẫn treo lơ lửng: Ai sẽ chịu trách nhiệm cho tương lai của Gaza?

Trong một động thái gây chấn động, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch để Mỹ "tiếp quản" Dải Gaza (Palestine), biến vùng đất này thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp dọc Địa Trung Hải, đồng thời đề xuất di dời hàng triệu người Palestine sang các nơi khác, bao gồm cả vùng sa mạc Negev hoặc các nước láng giềng như Ai Cập và Jordan.

Được giới thiệu như một phần của "thỏa thuận kinh tế thế kỷ" vào ngày 15/2 tại một hội nghị ở bang Florida (Mỹ), kế hoạch mang tên "Riviera Gaza" của ông Trump dự kiến xây dựng các khách sạn sang trọng, sòng bạc và bến du thuyền, với mục tiêu thu hút đầu tư từ các tập đoàn Mỹ và biến Gaza thành "Dubai thứ hai". Nhà lãnh đạo 78 tuổi tuyên bố đây là cách để "chấm dứt xung đột bằng lợi ích kinh tế", dù chưa đưa ra lộ trình cụ thể về việc tái định cư người dân Palestine hay giải quyết tình trạng chiến tranh kéo dài tại khu vực.

Ý tưởng này ngay lập tức vấp phải làn sóng chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, bị xem là mang tính "thanh trừng sắc tộc" và làm sống lại “nỗi đau Nakba" – thảm họa di dân năm 1948 khi hơn 700.000 người người Palestine phải rời bỏ nhà cửa trong cuộc chiến lập quốc Israel. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres gọi đây là "một đề xuất không thực tế và thiếu tôn trọng chủ quyền của người Palestine”.

Trong khi đó, nhiều tổ chức quốc tế cho rằng kế hoạch của Tổng thống Trump không chỉ vi phạm luật quốc tế, mà còn có thể làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo tại Gaza - nơi hơn 2 triệu người đang sống trong điều kiện thiếu thốn sau nhiều năm phong tỏa và xung đột.

"Cuộc giải cứu" của khối Ả-rập

Trước diễn biến trên, lãnh đạo các nước Ả-rập đã nhanh chóng tập hợp tại Riyadh (Ả-rập Saudi) vào ngày 21/2 để thống nhất một giải pháp thay thế cho kế hoạch "Riviera Gaza" của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuộc họp, được triệu tập bởi Thái tử Ả-rập Saudi Mohammed bin Salman, có sự tham gia của các nhà lãnh đạo từ Jordan, Ai Cập, Các Tiểu Vương Quốc Ả-rập Thống Nhất (UAE), Kuwait, Qatar, Bahrain và các quốc gia khác trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), với mục tiêu kép: phản đối mạnh mẽ ý tưởng di dời hơn 2 triệu người Palestine khỏi Gaza và đề xuất một lộ trình tái thiết Gaza khả thi, giữ vững lập trường ủng hộ quyền tự quyết của người Palestine.

Graffiti ủng hộ người dân Dải Gaza tại Bethlehem (Palestine). Ảnh: AA

Graffiti ủng hộ người dân Dải Gaza tại Bethlehem (Palestine). Ảnh: AA

Đây là cuộc gặp "anh em không chính thức" đầu tiên giữa các lãnh đạo khối Ả-rập kể từ khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch gây tranh cãi vào ngày 4/2, đánh dấu sự phối hợp khẩn cấp trước thềm hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả-rập dự kiến diễn ra tại Cairo (Ai Cập) ngày 4/3 tới. Theo các nguồn tin nội bộ, đề xuất của các nước tập trung vào 2 trụ cột chính:

- Thành lập một chính phủ kỹ trị tạm thời do các chuyên gia Palestine điều hành, không thuộc bất kỳ phe phái nào, đặc biệt loại trừ sự tham gia của Hamas – tổ chức đã kiểm soát Gaza từ năm 2007. Chính phủ này sẽ trực thuộc về mặt pháp lý và chính trị dưới sự giám sát của chính quyền Palestine tại Bờ Tây, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các nước Ả-rập như Ai Cập và Jordan.

- Huy động ít nhất 50 tỷ USD từ các nước giàu có trong khu vực như Ả-rập Saudi, UAE, Qatar, cùng sự đóng góp của cộng đồng quốc tế, bao gồm Liên minh Châu Âu (EU) và Liên Hợp Quốc, để tái thiết cơ sở hạ tầng bị phá hủy tại Gaza sau hơn 15 tháng chiến tranh, bao gồm nhà ở, bệnh viện, trường học và hệ thống cung cấp nước, điện.

"Bài toán khó" trị giá 50 tỷ USD

Tuy nhiên, bất chấp sự đồng thuận về mặt nguyên tắc, giữa các nước Ả-rập vẫn tồn tại nhiều bất đồng lớn. Một số nước như UAE. Ả-rập Saudi và Ai Cập nhấn mạnh phải loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Hamas, đồng thời đề xuất cử một lực lượng an ninh để duy trì trật tự ở Gaza trong giai đoạn chuyển tiếp. Trong khi đó, Qatar – nước từng đóng vai trò trung gian giữa Hamas và Israel – lập luận rằng người Palestine cần tự quyết định ai sẽ lãnh đạo họ sau khi chiến sự kết thúc.

Phía Hamas thì vẫn kiên định với lập trường cứng rắn của mình, khi khẳng định vai trò không thể thay thế trong việc kiểm soát Gaza và đại diện cho người Palestine tại đây. Trong một tuyên bố được phát sóng trên kênh Al-Aqsa TV ngày 22/2, Sami Abu Zuhri - người phát ngôn cấp cao của Hamas, nhấn mạnh: "Gaza là của người Palestine. Bất kỳ kế hoạch nào không có sự tham gia của chúng tôi, dù là từ ông Trump hay các nước Ả-rập, đều sẽ thất bại thảm hại. Chúng tôi sẽ không để bất kỳ ai biến Gaza thành sân chơi cho lợi ích ngoại bang".

Việc phân chia đóng góp về tài chính để tái thiết Dải Gaza cũng là vấn đê gây tranh cãi. Các nước vùng Vịnh giàu có như UAE, Ả-rập Saudi và Qatar được kỳ vọng là nhà tài trợ chính, với ước tính đóng góp chiếm khoảng 60-70% tổng ngân sách, trong khi phần còn lại dự kiến đến từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, EU và các nhà tài trợ phương Tây.

Tuy nhiên, các quốc gia này cũng tỏ ra dè dặt trước cam kết tài chính khổng lồ trên, với những lo ngại về tính bền vững của dự án trong bối cảnh Gaza vẫn là điểm nóng xung đột. Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Dubai ngày 18/2, một quan chức UAE thẳng thắn bày tỏ: "Chúng tôi không muốn ném tiền vào một vòng luẩn quẩn: tái thiết rồi lại bị phá hủy trong vòng vài năm tới nếu không có giải pháp chính trị lâu dài".

Thử thách ngoại giao trường kỳ

Để giải quyết bài toán tài chính, một số ý tưởng sáng tạo đã được đề xuất tại hội nghị ngày 21/2 ở Riyadh. UAE gợi ý thành lập một quỹ đầu tư quốc tế, trong đó các công ty tư nhân từ Mỹ và châu Âu có thể tham gia với các dự án phát triển kinh tế tại Dải Gaza, như khu công nghiệp xanh hoặc cảng thương mại, nhằm chia sẻ gánh nặng tài chính với các chính phủ. Trong khi đó, Qatar đề xuất sử dụng 50 tỷ USD không chỉ để tái thiết mà còn để xây dựng một "vùng đệm kinh tế" dọc biên giới Gaza với Ai Cập, giúp giảm áp lực dân số và tạo nguồn thu lâu dài.

Tuy nhiên, tất cả các kế hoạch này đều phụ thuộc vào khả năng đạt được sự đồng thuận giữa các bên – một nhiệm vụ mà các nhà ngoại giao khối Ả-rập thừa nhận là "cực kỳ khó khăn" khi Israel và Hamas vẫn tiếp tục đối đầu gay gắt. Thêm vào đó, Mỹ – một nhân tố quan trọng trong việc thuyết phục các nhà đầu tư tư nhân – vẫn chưa đưa ra lập trường chính thức về các đề xuất này.

Sự thiếu nhất trí trên, kết hợp với tình trạng bất ổn chính trị tại Dải Gaza, khiến các nhà tài trợ tiềm năng như Ả-rập Saudi và EU do dự, lo ngại rằng hàng tỷ USD có thể bị lãng phí nếu chiến sự tái diễn.

Xung đột tại Gaza không chỉ là vấn đề nội bộ giữa người Palestine và Israel, mà còn là phép thử quan trọng cho năng lực ngoại giao của các nước Ả-rập nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung trong việc giải quyết một trong những cuộc khủng hoảng dai dẳng nhất thế kỷ 21.

Liệu các lãnh đạo từ Washington, Tel Aviv, Riyadh đến Doha có đủ thiện chí để đặt lợi ích của người dân Gaza lên trên những toan tính chính trị và lợi ích địa chiến lược? Lời giải cho câu hỏi này không chỉ định hình số phận của một trong những khu vực bất ổn nhất thế giới, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến trật tự khu vực Trung Đông và lòng tin vào các cơ chế hòa bình trên toàn cầu.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khoi-a-rap-loay-hoay-viec-thay-the-ke-hoach-tai-thiet-gaza-cua-ong-trump.html
Zalo