'Khóc cười' chuyện gặp gỡ họ hàng ngày Tết
Nhiều bạn trẻ như trở thành người lạ ngay trong chính gia đình của mình khi khoảng cách thế hệ và khác biệt trong lối sống dần khiến những cuộc gặp gỡ với họ hàng trở nên xa cách, ngượng ngùng.
Người thân mà tựa...người dưng
Chiều mồng 4 Tết năm ngoái, trong chuyến đi thăm quê ngoại ở Thanh Hóa, Hoàng Anh, 26 tuổi, cảm thấy vừa háo hức vừa lạ lẫm. Đây là lần đầu tiên sau gần 10 năm, cô gái trẻ có dịp theo bố mẹ về quê ngoại ăn Tết sớm. Cảm giác lâng lâng của buổi đoàn tụ gia đình nhanh chóng bị thay thế bởi cảm giác ngượng ngùng, khó xử khi gặp họ hàng.
“Vừa về đến nhà, mình thấy mọi người nhìn mình với ánh mắt lạ lẫm, bản thân cũng ngơ ngác. Phải chờ bố giới thiệu: ‘Đây là bác A, chú B, em họ C’, mình mới biết ai là ai. Tối đó, mình ngồi một góc lướt điện thoại, chẳng biết trò chuyện với ai vì trông ai cũng rất lạ,” Hoàng Anh kể.
Hoàng Anh bắt đầu cảm nhận rõ ràng khoảng cách giữa mình và người thân ở quê: "Các cô chú vẫn nhớ mình, nhưng chỉ nhắc lại những chuyện cũ mà mình chẳng còn mấy ấn tượng. 'Nhớ hồi bé cháu gầy lắm, hay ăn vụng kẹo. Giờ lớn thế này rồi à?'. Còn mình, ngồi nghe chỉ biết cười trừ. Thú thực, mình chẳng nhận ra được ai nếu không có bố mẹ giới thiệu", Hoàng Anh kể lại.
Tương tự, Lan Phương, 27 tuổi, quê ở Nam Định, cũng ít khi trở về gặp họ hàng dù gia đình cô sống ngay ở nội thành Hà Nội, còn quê nội thì ở Phú Xuyên. Với Phương, những buổi họp mặt gia đình thường khiến cô nàng cảm thấy áp lực hơn là vui vẻ.
“Hễ gặp ai, mình lại nghe câu ‘Khi nào lấy chồng?’ hay ‘Lương tháng bao nhiêu?’. Mình biết họ hàng chỉ muốn quan tâm, nhưng kiểu quan tâm này khiến mình cảm thấy khó chịu. Thế nên mình cố tìm lý do để hạn chế về quê," Phương tâm sự.
Trần Ngọc Bích (26 tuổi, nhân viên marketing) vẫn nhớ như in chuyến thăm gia đình vào dịp Tết năm ngoái. “Mình thấy mọi người vẫn quý mình, nhưng giữa mình với các cô, các bác giờ như có một bức tường vô hình,” Bích chia sẻ.
Bích vốn sinh ra ở một huyện miền núi của Hòa Bình. Nhưng từ khi chuyển lên thành phố học đại học rồi ở lại làm việc, mỗi lần về quê, Bích lại cảm nhận rõ ràng hơn sự khác biệt trong lối sống giữa mình và họ hàng.
“Ngày trước, mình nghĩ quê hương là nơi mình thuộc về, là nơi mọi người hiểu mình. Nhưng giờ thì không phải vậy. Khi mình nói về công việc, những dự án đang làm, mọi người không hiểu mà còn bảo ‘Làm trên mạng thì thu nhập bấp bênh lắm’. Còn khi còn hỏi mình ‘Sao chưa lấy chồng?’, mình trả lời thẳng là chưa muốn, thì các bác lại tỏ ra khó chịu, bảo mình ích kỷ, không nghĩ cho gia đình, người thân”, Bích kể.
Bích từng cố gắng giải thích cho các cô chú rằng công việc marketing trực tuyến của mình đang là xu hướng và bản thân đang có thu nhập rất tốt, vì vậy cô chưa muốn kết hôn vì muốn tập trung sự nghiệp. Nhưng càng giải thích, Bích lại càng nhận ra khoảng cách về tư duy giữa các thế hệ bởi người thân, họ hàng đều muốn Bích từ bỏ công việc hiện tại để một công việc hành chính ổn định, dành nhiều thời gian để lấy chồng, chăm lo cho gia đình.
“Với mình, công việc không phải chỉ để kiếm sống, mà còn để khẳng định giá trị bản thân. Nhưng với họ hàng, ổn định gia đình vẫn là ưu tiên hàng đầu. Đó là lý do các cô bác ở quê không hiểu, và cũng không muốn hiểu những gì mình nói,” Bích trầm ngâm. Mỗi lần như vậy, mình lại có cảm giác cô đơn ngay giữa những người thân yêu. Mình không muốn tranh cãi, nên cứ chọn cách im lặng. Nhưng im lặng lâu ngày lại khiến mối quan hệ càng thêm xa cách".
Cần tạo dựng sự đồng cảm, thấu hiểu
Thạc sĩ Nguyễn Nam Anh, chuyên gia tâm lý và khoa học thần kinh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Đại học California tại Davis, Mỹ nhận định, trường hợp của Hoàng Anh, Lan Phương và Ngọc Bích chính là ví dụ điển hình của hiện tượng đang ngày càng trở nên phổ biến ở giới trẻ Việt: sự xa cách với các mối quan hệ họ hàng, mặc dù các thế hệ lớn tuổi vẫn duy trì sự gắn kết gia đình. Theo chuyên gia, điều này đã âm thầm phát triển trong nhiều năm qua, nhưng hiện nay mới thật sự rõ ràng ở những bạn trẻ Gen Z.
Thạc sĩ Nguyễn Nam Anh cho rằng, hiện tượng này phản ánh sự thay đổi trong cách thức mà thế hệ trẻ nhìn nhận về gia đình và mối quan hệ xã hội. "Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự kết nối giữa các cá nhân không còn chỉ dựa vào các mối quan hệ huyết thống khi những yếu tố bên ngoài như sự nghiệp, tài chính, sự khát khao khẳng định bản thân,... đang ngày càng trở nên quan trọng đối với thế hệ trẻ," ông nói.
Hành động xa cách,e dè với họ hàng, người thân được cho là xuất phát từ một số nguyên nhân. Đầu tiên là khoảng cách thế hệ và sự khác biệt trong lối sống giữa các thế hệ, điều này khiến cho việc chia sẻ và tìm sự đồng điệu trở nên khó khăn. "Các thế hệ lớn tuổi thường giữ những quan niệm, giá trị truyền thống, trong khi thế hệ trẻ lại sống trong một thế giới hiện đại, với những quan điểm và lựa chọn sống khác biệt. Chính sự khác biệt này khiến cho họ cảm thấy khó hòa nhập, thiếu sự kết nối," ông giải thích.
Ngoài ra, yếu tố cách biệt địa lý cũng là nguyên nhân tạo ra khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình. Ngày nay, nhiều bạn trẻ rời quê đi học hoặc làm việc ở các thành phố lớn, khiến họ ít có cơ hội gặp gỡ và duy trì mối quan hệ với họ hàng. "Với lịch trình công việc bận rộn và cuộc sống đô thị, việc trở về quê gặp mặt họ hàng không còn là thói quen thường xuyên nữa. Điều này càng khiến sự e dè và cảm giác xa lạ trong các cuộc gặp gỡ trở nên rõ rệt hơn," chuyên gia cho biết.
Theo chuyên gia, điều này không có nghĩa là các bạn trẻ không yêu thương gia đình, mà là họ bắt đầu nhận ra rằng mỗi người có thể có những lựa chọn và con đường riêng, không nhất thiết phải tuân theo những kỳ vọng truyền thống. Ông cũng chỉ ra rằng, sự phát triển của công nghệ và các nền tảng trực tuyến đã tạo ra một môi trường sống và làm việc khác biệt, khiến cho giới trẻ có những quan điểm và cách thức giao tiếp rất khác so với thế hệ đi trước.
"Việc bạn trẻ cảm thấy ngượng ngùng hoặc khó hòa nhập với các cuộc trò chuyện truyền thống ở quê không phải là dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng, mà là sự phản ánh một quá trình thay đổi văn hóa, khi mà các giá trị hiện đại dần thay thế những giá trị cũ," ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý rằng, mặc dù sự khác biệt trong tư tưởng là không thể tránh khỏi, nhưng việc duy trì những mối quan hệ gia đình vẫn rất quan trọng. "Gia đình là nền tảng của sự phát triển cá nhân. Tuy không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng việc tạo dựng sự đồng cảm và hiểu biết giữa các thế hệ là điều cần thiết để không làm tổn thương các mối quan hệ vốn đã được gắn kết từ lâu."