Khoảnh khắc khí tài 'của hiếm' của Ukraine bị Nga phá hủy

80K6KS1 Phoenix-1 có tầm hoạt động lên tới 400km, có thể tương thích với cả hệ thống Buk-M1 do Liên Xô sản xuất và hệ thống của phương Tây.

Radar giám sát trên không 80K6KS1 Phoenix-1 được đánh giá là “của hiếm” của Lực lượng Vũ trang Ukraine. Thế nhưng, những hình ảnh vừa được công bố cho thấy hệ thống “của hiếm” này đã bị máy bay không người lái cảm tử Lancet Nga phá hủy.

Theo SF, hiện chưa rõ thời điểm chính xác và địa điểm cụ thể radar này bị tấn công. Tuy nhiên, đoạn video quay lại cuộc tấn công đã được công khai trên truyền thông vào ngày 29/6. Đoạn video cho thấy một máy bay không người lái cảm tử Lancet đã tấn công thẳng vào ăng-ten chính của radar và rồi phá hủy nó.

Radar Phoenix-1 được phát triển bởi Cơ sở Nghiên cứu và Sản xuất Iskra thuộc sở hữu nhà nước Ukraine. Nó được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2021, chưa đầy một năm trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Radar giám sát trên không 3D này được cho là có tầm hoạt động lên tới 400km và được thiết kế để tương thích với các hệ thống phòng không tầm trung Buk-M1 do Liên Xô sản xuất. Theo báo cáo, nó có thể được tích hợp với các hệ thống khác của Liên Xô và thậm chí cả các hệ thống của phương Tây.

Máy bay không người lái cảm tử Lancet được phát triển bởi ZALA Aero, một công ty con của tập đoàn quốc phòng khổng lồ Kalashnikov Concern (Nga).

Công ty sản xuất hai phiên bản máy bay không người lái cảm tử, gồm: Izdeliye-52 với thời gian hoạt động 30 phút với đầu đạn nặng 1kg và Izdeliye-51 lớn hơn có thời gian hoạt động 40 phút, được trang bị đầu đạn nặng 3kg.

Máy bay không người lái cảm tử Lancet bay về phía khu vực được chỉ định bằng hệ thống dẫn đường quán tính với sự hỗ trợ GLONASS. Sau khi đến khu vực, người điều khiển sử dụng hệ thống quang điện trên máy bay thông qua liên kết dữ liệu hai chiều để phát hiện, theo dõi và khóa mục tiêu. Sau đó, một hệ thống đo khoảng cách bằng laser sẽ điều khiển quá trình phát nổ của đầu đạn.

Tiết diện radar nhỏ và tín hiệu hồng ngoại tối thiểu của loại máy bay không người lái này khiến nó rất khó bị phát hiện và đánh chặn. Những nỗ lực của Ukraine nhằm ngăn chặn Lancet bằng hỏa lực phòng không, tác chiến điện tử hoặc các biện pháp đối phó khác hầu hết đều không thành công.

Theo Lostarmour.info, một trang web theo dõi và ghi lại tổn thất quân sự, quân đội Nga cho đến nay đã sử dụng máy bay không người lái cảm tử Lancet để phá hủy hoặc làm hư hỏng 106 radar và hệ thống liên lạc của lực lượng Kiev. Con số này chỉ bao gồm các vụ tấn công, phá hủy được xác minh bằng video.

HÒA AN (Theo SF, AVP)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khoanh-khac-khi-tai-cua-hiem-cua-ukraine-bi-nga-pha-huy-a670896.html
Zalo