'Lá chắn tên lửa' tỷ đô của Mỹ liệu còn hữu dụng ở thời điểm hiện tại?

Hàng tỷ USD đã được giải ngân, hàng chục năm phát triển, hoàn thiện và chỉnh sửa, nhưng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ (NMD) đang dần trở nên lạc hậu không chỉ từ các loại vũ khí chiến lược truyền thống, mà còn là cả vũ khí siêu vượt âm tương lai.

Theo đánh giá từ chính Lầu Năm Góc, hệ thống “lá chắn tên lửa” của Mỹ hiện tại không có đủ khả năng ngăn chặn các đòn tấn công hạt nhân bất ngờ hoặc ở quy mô lớn. Dù NMD đang được các nhà thầu quân sự Mỹ nâng cấp, nhưng tư duy phòng thủ tên lửa thời Chiến tranh lạnh dường như không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại.

NMD – “Lá chắn tên lửa” quy mô và tốn kém bậc nhất thế giới của Mỹ

NMD liên tục được Lầu Năm Góc phát triển và nâng cấp trong nhiều thập kỷ qua. Cơ cấu của NMD gồm 3 lớp phòng thủ chính với nhiệm vụ và vai trò khác nhau, nhưng mục tiêu chính của hệ thống là ngăn chặn các đơn vị tên lửa đạn đạo liên lục địa đối phương nhằm vào lãnh thổ nước Mỹ với lõi là các căn cứ phòng thủ đánh chặn tên lửa mặt đất – GBMD.

 GBMD từng được kỳ vọng và quảng cáo về hiệu quả đánh chặn tên lửa, nhưng các vấn đề về hệ thống và đạn EKV khiến chúng chỉ lọt vào danh sách những loại vũ khí đắt đỏ nhất của Quân đội Mỹ. Ảnh: Topwar

GBMD từng được kỳ vọng và quảng cáo về hiệu quả đánh chặn tên lửa, nhưng các vấn đề về hệ thống và đạn EKV khiến chúng chỉ lọt vào danh sách những loại vũ khí đắt đỏ nhất của Quân đội Mỹ. Ảnh: Topwar

Lớp phòng thủ tên lửa tầm xa của Mỹ chính là các trạm radar cảnh báo sớm độ nhạy cao triển khai không chỉ tại Mỹ, mà còn trên nhiều lãnh thổ nước khác như: Căn cứ Faylingdales Moor (Anh), đảo Greenland và vùng Scandinavia. Để ngăn chặn tên lửa của đối phương ở lớp phòng thủ tầm xa này là hệ thống đánh chặn GBI với các đầu đạn tự cơ động EKV đáp ứng khả năng ngăn chặn và phá hủy các đầu đạn tên lửa của đối phương ở ngoại vi khí quyển trái đất. Các tên lửa đánh chặn GBI của Mỹ hiện triển khai tại các căn cứ Fort Greeley và Vandenberg. Chỉ tính riêng hệ thống phòng thủ này đã tiêu tốn của Mỹ hàng chục tỷ USD với khả năng đánh chặn còn nhiều nghi vấn.

Lớp phòng thủ tiếp theo là các hệ thống điều phối hỏa lực Aegis và tên lửa đánh chặn Standard Missile (SM) trang bị trên hạm. Ban đầu, chúng được thiết kế với nhiệm vụ bảo vệ các hạm đội tàu sân bay của Hải quân Mỹ trước nguy cơ bị tấn công tên lửa.

Tuy nhiên, theo thời gian, vai trò của hệ thống phòng thủ tên lửa hải quân của Mỹ đã thay đổi và là một thành phần của NMD. Các nhóm tàu chiến trang bị Aegis được Hải quân Mỹ triển khai nhiều nơi trên thế giới như: Địa Trung Hải, Biển Baltic, khu vực châu Á - Thái Bình Dương với mục đích phát hiện sớm và đánh chặn các tên lửa đối phương nhằm vào vị trí chiến lược của Mỹ trên thế giới. Các tổ hợp Aegis Ashore đặt tại Ba Lan và Romania cũng có chung nhiệm vụ.

Một vấn đề đáng chú ý là dù các hệ thống phòng thủ tên lửa hải quân rất đắt đỏ, nhưng hiệu quả chiến đấu vẫn không thực sự đáng tin cậy. Trong thử nghiệm chiến đấu, các chiến hạm trang bị Aegis chỉ đáp ứng khả năng phòng thủ hạn chế trước các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ của Lầu Năm Góc về khả năng đánh chặn của dòng tên lửa SM-3 Block IIA, lớp phòng thủ này chỉ có được khả năng phòng thủ khi tên lửa đạn đạo đối phương bay vào phạm vi đánh chặn vốn rất hạn chế của các chiến hạm được triển khai.

Lớp phòng thủ cuối cùng được giới chuyên gia quân sự quốc tế nghi ngờ về khả năng đánh chặn tên lửa nhất là các tổ hợp PAC-3 Patriot và THAAD. Vai trò của các dòng vũ khí phòng thủ tên lửa này không nằm ở cấp chiến lược, mà chỉ là các đơn vị phòng thủ cấp chiến thuật và bảo vệ các căn cứ hoặc vị trí quan trọng của Mỹ. Cả hai tổ hợp phòng thủ tên lửa trên đều chưa được chứng minh trong thực tế.

Các tổ hợp Patriot (trên) và THAAD (dưới) vẫn bị nghi ngờ về khả năng phòng thủ tên lửa. Ảnh: Defense News

Các tổ hợp Patriot (trên) và THAAD (dưới) vẫn bị nghi ngờ về khả năng phòng thủ tên lửa. Ảnh: Defense News

Trong khi THAAD chưa bao giờ được “ra trận”, thì PAC-3 Patriot không chứng minh được khả năng đánh chặn tên lửa tấn công tại nhiều cuộc xung đột. Cũng vì sự không đáng tin cậy của PAC-3 Patriot, Israel đã quyết định tự phát triển dòng vũ khí phòng thủ tên lửa Arrow, còn nhiều đồng minh khác của Mỹ tìm kiếm các loại vũ khí hiệu quả hơn từ Nga và châu Âu.

Lạc hậu khi chưa kịp hoàn thiện

Không chỉ hệ thống phòng thủ tên lửa có vấn đề, khả năng cảnh báo sớm tên lửa của Mỹ hiện tại vẫn chưa được hoàn thiện. Mạng lưới vệ tinh cảnh báo sớm của Mỹ với tên gọi SBIRS vẫn đang trong quá trình xây dựng. Với hàng chục tỷ USD được giải ngân, Washington chỉ đưa lên quỹ đạo 8 vệ tinh, thay vì 29 chiếc như kế hoạch. Sự chậm trễ này khiến SBIRS kể cả khi được triển khai cũng trở nên lạc hậu với công nghệ hiện tại.

Từ năm 2019, trước sự xuất hiện các loại vũ khí siêu vượt âm mới của Nga và Trung Quốc, Lầu Năm Góc đã buộc phải thay đổi chương trình SBIRS thành NGOPIR. Sự thay đổi này đã khiến Mỹ gần như phải triển khai hệ thống cảnh giới trên quỹ đạo lại từ đầu với chi phí đắt đỏ.

Quá trình phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa không đồng bộ và vì mục tiêu riêng của từng lực lượng đã khiến chúng bị phân mảnh và khó có thể phối hợp trong biên chế Quân đội Mỹ. Ảnh: Topwar

Quá trình phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa không đồng bộ và vì mục tiêu riêng của từng lực lượng đã khiến chúng bị phân mảnh và khó có thể phối hợp trong biên chế Quân đội Mỹ. Ảnh: Topwar

Một vấn đề quan trọng khác của NMD là sự rời rạc của hệ thống. Theo ý tưởng thiết kế, NMD phải là một hệ thống đồng nhất, có phân cấp và kết nối với nhau trong một mạng lưới chỉ huy và tác chiến hợp nhất. Tuy nhiên, mục tiêu này tới tận thời điểm hiện tại vẫn chưa đạt được. NMD chỉ là sự ghép lại của các hệ thống phòng thủ đơn lẻ, chưa đủ tin cậy và không bổ trợ hiệu quả cho nhau.

Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, NMD hiện tại chỉ đảm bảo khả năng ngăn ngừa các vụ tấn công tên lửa đơn lẻ từ các quốc gia đối thủ nhằm vào nước Mỹ, còn để đạt mục tiêu như tham vọng của Washington về hệ thống “lá chắn tên lửa” hiệu quả, bao phủ toàn cầu là bất khả thi.

Với sự xuất hiện của các thế hệ vũ khí siêu vượt âm mới, Lầu Năm Góc sẽ buộc phải bước vào cuộc đua “mâu và thuẫn” mới tiêu tốn nhiều tiền của và thời gian.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/la-chan-ten-lua-ty-do-cua-my-lieu-con-huu-dung-o-thoi-diem-hien-tai-783838
Zalo