Khoảng trống văn hóa số
Trong buổi livestream ngắn ngủi của streamer, YouTuber ViruSs mới đây, có thời điểm đạt tới gần 1,5 triệu tài khoản xem cùng lúc là một hiện tượng đáng suy ngẫm. Nó cho thấy rõ nét xu hướng thị hiếu của người dùng mạng xã hội hiện nay: Thích thú, tò mò và bị cuốn hút mạnh mẽ bởi những drama (các tình huống xung đột, mâu thuẫn).
Không phải ngẫu nhiên mà một cuộc tranh cãi cá nhân lại có sức hút hơn cả những vấn đề thời sự, xã hội hay các giá trị tích cực. Đó là bởi drama luôn đánh vào sự hiếu kỳ bản năng của con người. Điều này càng được khuếch đại bởi các thuật toán của mạng xã hội, vốn luôn ưu tiên những nội dung giật gân, gây tranh cãi để thu hút tương tác từ người dùng.

Ảnh minh họa: vtv.vn
Và phía sau con số gần 1,5 triệu người xem ấy là một sự thật đáng buồn. Khi hàng triệu người bị cuốn vào những drama như thế, người ta dần mất đi khả năng tập trung vào những giá trị tích cực và lành mạnh. Chúng ta vô tình nuôi dưỡng thứ thị hiếu độc hại được đặt cao hơn các nội dung bổ ích, ý nghĩa.
Nguy cơ hơn cả là lâu dần, cộng đồng mạng sẽ hình thành một "thói quen số" nguy hiểm: Chỉ quan tâm tới những gì kịch tính, kích thích sự hiếu kỳ. Khi đó những nội dung chất lượng, những vấn đề xã hội cấp thiết hay các giá trị nhân văn sẽ bị chìm khuất giữa những ồn ào vô nghĩa.
Để mạng xã hội trở thành không gian có giá trị, giải pháp duy nhất nhưng cũng là khó khăn nhất chính là sự thay đổi từ nhận thức của mỗi người. Mỗi lượt xem, lượt like hay bình luận đều góp phần định hình môi trường số. Chỉ cần dừng lại vài giây suy nghĩ trước khi nhấn vào một drama nào đó, chúng ta đã góp phần định hướng lại những giá trị tích cực trên mạng xã hội.
Bởi suy cho cùng, nội dung chúng ta thấy trên mạng không gì khác hơn chính là tấm gương phản chiếu thị hiếu của chính mình.