Khoảng trống tuần hoàn của doanh nghiệp nhỏ

Doanh nghiệp nhỏ không sở hữu hệ sinh thái riêng hoàn chỉnh giúp triển khai các giải pháp kinh tế tuần hoàn, đòi hỏi phải có những hệ sinh thái dùng chung đóng vai trò hỗ trợ.

Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam

Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam

Đôi khi, các tập đoàn lớn hầu như không tiêu tốn công sức gì để sở hữu một giải pháp kinh tế tuần hoàn hay bền vững hóa chuỗi cung ứng. Bởi lẽ, có rất nhiều nhà cung ứng đang ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi những giải pháp tiết kiệm chi phí, tài nguyên, quản trị hiệu quả với mong muốn được “chen chân” vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lớn.

Điển hình như giải pháp tư vấn thời trang và cho thuê quần áo thông qua ứng dụng di động được một số startup cung cấp, giúp người tiêu dùng hạn chế lãng phí quần áo, vừa giúp cung cấp thông tin thị trường, dữ liệu khách hàng cho các hãng thời trang.

Hoặc như giải pháp làm sạch khay nhựa đựng linh kiện điện tử được một doanh nghiệp miền Bắc cung ứng cho các nhà sản xuất điện tử lớn. Nhờ đó, nhà sản xuất điện tử tiết kiệm được hàng chục triệu USD nhờ tái sử dụng khay nhựa.

Nhiều trường hợp khác, doanh nghiệp lớn triển khai các giải pháp kinh tế tuần hoàn một cách tương đối thuận lợi, có thể thông qua nhập khẩu một dây chuyền, công nghệ từ nước ngoài, thiết lập một chuỗi sản xuất mới. Bởi lẽ, không chỉ tiềm lực tài chính, doanh nghiệp lớn còn có lợi thế về năng lực công nghệ, nghiên cứu và lao động.

Chẳng hạn như nhà máy tái chế của Tập đoàn Tân Hiệp Phát tại Hậu Giang, được doanh nghiệp nước giải khát này lý giải là “tận dụng thế mạnh sản xuất và sáng tạo trong sản xuất”. Hoặc tại Bóng đèn phích nước Rạng Đông, công nghệ số được ứng dụng triệt để giúp giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi, tận dụng nhiệt năng, điện năng trong sản xuất.

Trong khi đó, áp dụng kinh tế tuần hoàn với doanh nghiệp nhỏ tương đối khó khăn. Thiếu nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân lực, doanh nghiệp nhỏ có thể dễ dàng triển khai giải pháp kinh tế tuần hoàn đơn giản như tái sử dụng, tái chế tại chỗ nhưng lại loay hoay trong các bài toán phức tạp hơn.

Cần gì để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ?

Tuy nhiên, nói kinh tế tuần hoàn chỉ phù hợp với doanh nghiệp lớn là chưa chính xác. Bởi lẽ, các mô hình kinh tế tuần hoàn sơ khai vốn dĩ xuất phát từ quy mô nhỏ, thậm chí là quy mô hộ gia đình nhằm tiết kiệm chi phí, cải thiện thu nhập và bảo vệ môi trường sống xung quanh, điển hình nhất là mô hình vườn ao chuồng trong nông nghiệp.

Có thể nói, con đường đến với các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả của doanh nghiệp nhỏ đang bị cản trở bởi những nút thắt.

So sánh với doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ thường thiếu hụt về nguồn lực cũng như không có một hệ sinh thái toàn diện. Không đủ điều kiện để sở hữu riêng một hệ sinh thái, doanh nghiệp nhỏ cần những hệ sinh thái hỗ trợ chung, giống như một dịch vụ công cộng.

Điều này cần đến vai trò từ phía Nhà nước, thông qua việc thiết lập một nền tảng chia sẻ thông tin, mô hình, giải pháp điển hình về kinh tế tuần hoàn. Dựa vào những thông tin chung đó, doanh nghiệp có thể tìm ra giải pháp phù hợp nhất với điều kiện hiện có nhằm triển khai kinh tế tuần hoàn hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực do đầu tư nhầm chỗ.

Việt Nam đã tính đến giải pháp này, với việc thành lập Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam (CE Hub) do Bộ Tài nguyên và môi trường vận hành theo hình thức hợp tác công tư, dưới sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam.

CE Hub gồm năm phần, bao gồm đối thoại chính sách; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn; chia sẻ thông tin tài chính; diễn đàn doanh nghiệp và cuối cùng là cơ sở dữ liệu để chia sẻ thông tin cộng đồng và các câu chuyện truyền cảm hứng.

Tuy nhiên, có lẽ CE Hub cần thêm nhiều thời gian triển khai thực tiễn để có thể đạt được hiệu quả tạo ra hệ sinh thái cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/khoang-trong-tuan-hoan-cua-doanh-nghiep-nho-1716886691963.htm
Zalo