'Khoảng trống' trong tuyên truyền, trang bị kỹ năng phòng cháy chữa cháy đối với học sinh
Một trong những thực trạng của ngành giáo dục của chúng ta, là đến nay chưa chú trọng quan tâm tới việc giáo dục, đào tạo kỹ năng phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở trong các trường học.
Theo thực tế, chương trình học kiến thức văn hóa của các trường học đang chiếm hết thời gian lên lớp của giáo viên và học sinh, thay vì có những tiết học về kỹ năng an toàn, hoặc chương trình học ngoại khóa được đào tạo quy mô về phòng cháy chữa cháy.
Có nhiều nhà trường cũng dành sự quan tâm trong việc tập huấn PCCC, nhưng đa phần là theo hình thức tuyên truyền, lý thuyết mà không có thực hành, kỹ năng PCCC cụ thể. Với lứa tuổi học sinh, nếu chỉ nói lý thuyết mà không có thực hành thì không thể có phản xạ kỹ năng.
Bên cạnh đó, nếu không phải là chuyên gia hoặc lực lượng làm công tác PCCC hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền thì giáo viên cũng không đủ năng lực để tuyên truyền hoặc giảng dạy về PCCC cho học sinh.
Thực trạng này đang là lỗ hổng, khoảng trống trong ngành Giáo dục và Đào tạo, trong hầu hết các trường học của Việt Nam.
Vấn đề nữa là trang bị PCCC trong nhiều nhà trường rất thiếu và rất yếu. Có nơi trang bị để cho có; hoặc có thì chưa được cán bộ, giáo viên, học sinh hay người lao động trong nhà trường quan tâm hoặc biết vận hành, sử dụng.
Công tác tập huấn, thực hành PCCC đòi hỏi cơ sở vật chất phải quy mô thì mới thực hành. Bởi khi thực hành PCCC còn là vấn đề tài chính, kinh phí đầu tư trang thiết bị, nhiên liệu… Hoặc các địa phương dành cho ngành giáo dục nguồn kinh phí để triển khai công tác PCCC, nhưng lại chỉ chọn ở một số mô hình tiêu biểu chứ không phải hoàn toàn 100% nhận được sự quan tâm này. Trong khi đó, với công tác PCCC trong nhà trường, thì yếu tố đầu tiên phải là sự đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt, trong đó đặc biệt chú trọng tới vấn đề PCCC.
Ngành Giáo dục và Đào tạo của nhiều địa phương thời gian qua đã có sự quan tâm tới vấn đề PCCC, tuy nhiên lại chưa được thường xuyên, liên tục do nguồn kinh phí cho công tác này từ ngân sách còn hạn hẹp. Chủ yếu vẫn phụ thuộc vào kế hoạch tuyên truyền, tập huấn định kỳ của cơ quan PCCC có liên quan, hoặc sự ủng hộ của phụ huynh, các tổ chức xã hội hóa.
Điển hình ở phía Bắc có các tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa… ngành giáo dục đã thường xuyên mời các viện nghiên cứu, chuyên gia về kỹ năng an toàn, các cơ quan chức năng có liên quan tới công tác PCCC đến các nhà trường, địa phương để tuyên truyền, tập huấn thực hành kỹ năng PCCC cho cán bộ, giáo viên và học sinh thông qua nguồn kinh phí huy động từ xã hội hóa hoặc đóng góp của phụ huynh.
Để có thể phối hợp được thường xuyên, liên tục công tác PCCC trong trường học, trang bị kỹ năng PCCC cho giáo viên và học sinh, thiết nghĩ các nhà quản lý, các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, ngành giáo dục và đào tạo cần đồng lòng tăng cường, đẩy mạnh công tác xã hội hóa; thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, thực hành kỹ năng PCCC, thoát hiểm, cứu nạn cứu hộ để trang bị cho học sinh kiến thức cũng như kỹ năng về PCCC, tránh những điều đáng tiếc, đau lòng xảy ra.