Khoáng sản TKV (KSV): Vốn hóa vượt 1,8 tỷ USD, sẽ làm tổ hợp khai thác mỏ - luyện kim
Tổng Công ty Khoáng sản TKV (mã cổ phiếu KSV) cho biết sẽ hướng tới việc phát triển các tổ hợp hoặc trung tâm khai thác mỏ kim loại - luyện kim đồng bộ, công nghệ hiện đại, bao gồm cả công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới.
Lợi nhuận cao kỷ lục, gia nhập câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD
Theo Báo cáo tài chính quý 4/2024, Tổng Công ty Khoáng sản TKV - CTCP (mã cổ phiếu KSV - sàn HNX) ghi nhận 3.636 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng gấp gần 9,5 lần cùng kỳ lên 422 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2024, Khoáng sản TKV đạt 13.251 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11% so với năm 2023, và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 7,5 lần, đạt 1.229 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp này.
![Một phần nhà máy luyện đồng tại mỏ Đồng Sin Quyền của Khoáng sản TKV.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_503_51458377/f26120071749fe17a758.jpg)
Một phần nhà máy luyện đồng tại mỏ Đồng Sin Quyền của Khoáng sản TKV.
Chia sẻ về mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong năm 2024, ban lãnh đạo Khoáng sản TKV cho biết giá bán bình quân các sản phẩm chính của tổng công ty đã tăng cao so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt là giá vàng.
Trong đó, giá bán đồng tấm là 230 triệu đồng/tấn, tăng 16,1% so với năm 2023; giá vàng tăng 33,3%, đạt 1,797 tỷ đồng/kg; giá bạc tăng 28,7%, đạt 17,9 triệu đồng/kg; giá bán tinh quặng manhetit tăng 45%, đạt 1,6 triệu đồng/tấn… Theo đó, biên lợi nhuận gộp của tổng công ty trong năm 2024 đạt tới 19%, so với mức 9,7% của năm 2023.
Trong năm 2024, sản lượng sản xuất đồng tấm của Khoáng sản TKV đã vượt mốc 30.000 tấn, sản lượng axit sunfuric đạt hơn 141.000 tấn, và sản lượng kẽm thỏi đạt trên 9.100 tấn.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Khoáng sản TKV là 9.551 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,6% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng 22,6%, đạt 2.826 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng tài sản của tổng công ty. Bên cạnh đó, nhờ mức lợi nhuận tăng trưởng tích cực, lượng tiền và tiền gửi ngân hàng của tổng công ty đã tăng gấp 1,6 lần, lên mức 467 tỷ đồng.
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, quy mô nợ vay tài chính của Khoáng sản TKV đã giảm 15% trong năm 2024, xuống còn 3.429 tỷ đồng, chủ yếu nhờ vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm mạnh. Vốn chủ sở hữu của tổng công ty là 3.949 tỷ đồng bao gồm 1.318 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
![Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu KSV của Khoáng sản TKV từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_503_51458377/f3341752201cc942900d.jpg)
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu KSV của Khoáng sản TKV từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Không chỉ báo lãi kỷ lục mà cổ phiếu KSV của Khoáng sản TKV đã tăng gần gấp 8 lần kể từ đầu năm 2024 đến nay. Qua đó, vốn hóa thị trường của tổng công ty chính thức gia nhập câu lạc bộ tỷ USD, đạt khoảng 46.600 tỷ đồng (tương đương 1,82 tỷ USD).
Sẽ hình thành các tổ hợp, trung tâm khai thác mỏ - luyện kim
Khoáng sản TKV là công ty thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin, chi phối 98,06% vốn cổ phần). Đây cũng là doanh nghiệp hàng đầu cả nước về khai thác, tuyển luyện, gia công chế biến khoáng sản kim loại màu và kim loại quý hiếm như: vàng, đồng, kẽm, chì, bạc... Ngoài ra, tổng công ty còn có sản phẩm axit sunfuric là phụ phẩm trong quá trình luyện đồng.
![Toàn cảnh nhà máy luyện đồng công suất 20.000 tấn/năm của Khoáng sản TKV tại Lào Cai.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_503_51458377/3dc9d3afe4e10dbf54f0.jpg)
Toàn cảnh nhà máy luyện đồng công suất 20.000 tấn/năm của Khoáng sản TKV tại Lào Cai.
Theo bản cáo bạch công bố năm 2022, Khoáng sản TKV và các công ty con đang nắm giữ quyền khai thác tại loạt mỏ khoáng sản, gồm mỏ Đồng Sin Quyền, Vi kẽm tại Bát xát, Lào Cai; mỏ Kẽm - Chì Chợ Điền, Bắc Kạn; mỏ Chì Lang Hít và mỏ Kẽm - Chì Cúc Đường, Thái Nguyên; mỏ Sắt Nà Rụa, Cao Bằng,... Trong đó, Sin Quyền là mỏ đồng lớn nhất Việt Nam.
Đây là các mỏ có trữ lượng tài nguyên lớn, với thời gian khai thác các mỏ quặng lớn còn khá dài, chẳng hạn các mỏ đồng (sản phẩm chủ lực) vẫn còn thời hạn trong 10 - 20 năm, mỏ kẽm còn hơn 10 năm, các mỏ thiếc, sắt, vàng, đất hiểm có những mỏ thời hạn còn trên 20 năm.
So với các doanh nghiệp khác cùng ngành, Khoáng sản TKV có khả năng chế biến sâu (đồng, kẽm, thiếc kim loại…) với quy mô lớn, trong khi đa phần các đơn vị khác chủ yếu dừng ở mức sản xuất tinh quặng hoặc công suất chế biến sâu không lớn.
Ban lãnh đạo Khoáng sản TKV cũng cho biết, một số doanh nghiệp đang khai thác tại các mỏ Nickel Bản Phúc (Sơn La), mỏ Núi Pháo (Thái Nguyên)… tuy có mặt hàng liên quan tới đồng/vàng nhưng tổng sản lượng có thể khai thác không lớn. Trong đó, mỏ Nickel Bản Phúc có trữ lượng đồng kim loại quy đổi là khoảng 45.000 tấn, mỏ Núi Pháo có trữ lượng đồng kim loại quy đổi là khoảng 110.000 tấn và vàng kim loại quy đổi là khoảng 11,7 tấn.
Đặc biệt, Khoáng sản TKV còn là chủ đầu tư dự án khai thác chế biến quặng đất hiếm Đông Pao - mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước. Mỏ có diện tích gần 133 ha tại tỉnh Lai Châu, với tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn, chiếm hơn một nửa trữ lượng đất hiếm của cả nước.
Về chiến lược kinh doanh thời gian tới, ban lãnh đạo Khoáng sản TKV cho biết sẽ tiếp tục tập trung khai thác và chế biến sâu các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, trọng tâm là quặng đồng, quặng sắt, quặng kẽm và đất hiếm; tiến tới hình thành tổ hợp hoặc trung tâm khai thác mỏ kim loại - luyện kim đồng bộ, công nghệ hiện đại, bao gồm cả công nghiệp phụ trợ có quy mô phù hợp với trữ lượng khoáng sản của từng cụm mỏ, vùng mỏ, nhất là ở vùng Việt Bắc, Tây Bắc.
Bên cạnh đó, tổng công ty cũng sẽ quan tâm phát triển ở quy mô hợp lý một số ngành, lĩnh vực liên quan đến sản xuất chính như xây lắp công trình công nghiệp mỏ, tuyển, luyện kim; gia công, chế tạo các sản phẩm cơ khí; sửa chữa thiết bị khai thác mỏ, luyện kim… nhằm phục vụ hoạt động sản xuất chính.