'Khoảng lặng' ở Ukraine báo hiệu chiến dịch Xuân Hè khốc liệt, có thể định đoạt cuộc chiến
Theo đài RT, khi tiền tuyến ở Ukraine rơi vào thế bế tắc tạm thời, sự chú ý đang chuyển sang những gì Điện Kremlin có thể đang lên kế hoạch tiếp theo, đặc biệt là một chiến dịch Xuân Hè.

Động thái tiếp theo của Nga có thể mang tính quyết định. Ảnh: RT
Đài RT ngày 18/4 đăng bài phân tích của Sergey Poletaev - nhà phân tích thông tin, đồng sáng lập và biên tập viên của dự án Vatfor - đánh giá rằng, không có cuộc tấn công lớn nào đang diễn ra hiện nay, mọi dấu hiệu đều chỉ ra rằng, một chiến dịch Xuân Hè có thể lặp lại động lực của năm ngoái: Nga tiến lên trên nhiều trục, Ukraine giữ vững phòng tuyến với nguồn lực đang cạn kiệt. Nhưng ẩn sau bề mặt của mô hình quen thuộc này, những thay đổi quan trọng về chiến lược, nhân lực và công nghệ chiến trường cho thấy những tháng tới có thể mang lại nhiều điều mới, thay vì chỉ lặp lại năm 2024.
Về mục tiêu
Cần nhớ rằng đối với cả quân đội Nga và Ukraine, giữ hoặc chiếm lãnh thổ không phải là mục tiêu cuối cùng. Trong một cuộc chiến tiêu hao, mục tiêu chính là làm suy yếu đối phương - gây ra tổn thất lớn hơn những gì họ chịu được. Tuy nhiên, Ukraine không phải lúc nào cũng tuân thủ logic này. Trong ba năm qua, đã có rất nhiều trường hợp mà các mệnh lệnh chính trị lấn át các mệnh lệnh quân sự. Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU), do không muốn rút lui khỏi một số vị trí nhất định, đã phải chịu nhiều tổn thất, như ở Bakhmut và Avdiivka, ở Ugledar và Velikaya Novoselka, và gần đây nhất là ở Sudzha.
Điều này đã mang lại lợi thế cho Nga. Quân đội Nga đã hoàn thiện chiến thuật bao vây một thành phố ở nhiều bên sườn, kiểm soát hỏa lực các tuyến tiếp tế và từ từ tiêu diệt quân đồn trú trong nhiều tuần - thậm chí nhiều tháng.
Ukraine đã coi cách tiếp cận "giữ vững bằng mọi giá" này là một thành công. Nhưng thực tế là, sau cuộc phản công Azov thất bại vào mùa thu năm 2023, Ukraine đã buộc phải xây dựng phòng thủ chiến lược. Kế hoạch là xây dựng lại sức mạnh, làm suy yếu lực lượng Nga và phát động một cuộc phản công quyết định vào năm 2025.
Nhưng ngay cả những cây bút bình luận nhiệt thành nhất của Ukraine giờ đây cũng không còn nhắc đến cuộc phản công giả định ấy nữa. Ở thời điểm hiện tại, chiến sự phòng thủ mùa Xuân Hè sắp tới có vẻ như chỉ còn là một nỗ lực cầm cự, thiếu vắng mục tiêu chiến lược rõ ràng.
Vào ngày 28/3, trong một cuộc họp với các thủy thủ tàu ngầm ở Kursk, Tổng thống Vladimir Putin lần đầu tiên công khai tuyên bố rằng mục tiêu của Nga là "siết chặt và nghiền nát" Ukraine - tức là đảm bảo một chiến thắng quân sự quyết định. Điện Kremlin tin tưởng rằng thất bại của Ukraine chỉ là vấn đề thời gian.
Vậy điều này có thể xảy ra trong chiến dịch Xuân - Hè không?
Ưu điểm của Ukraine:
Đầu tiên, Ukraine đã cố gắng giữ vững chiến tuyến. Mặc dù thiếu hụt nhân sự, AFU đã ngăn chặn được những đột phá lớn của Nga. Nga thường cần tập trung lực lượng theo tỷ lệ 2:1 hoặc thậm chí 3:1 để đạt được bất kỳ lợi ích có ý nghĩa nào và tiến độ thường chậm.
Một lý do chính là việc Ukraine sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) hiệu quả. Kết hợp với hoạt động giám sát và trinh sát liên tục, UAV mang lại lợi thế đáng kể cho phe phòng thủ. Tình hình này gợi nhớ đến chiến tranh chiến hào trong Thế chiến thứ nhất, nơi súng máy và pháo binh khiến bất kỳ bước tiến nào qua vùng đất không người đều vô cùng tổn thất. Chiến tranh UAV hiện là tài sản tốt nhất của Ukraine.
Thứ hai, chiến dịch của Nga mang tính chất viễn chinh. Ukraine đã huy động toàn diện – về quân sự, kinh tế và chính trị. Trong khi đó, Nga đang tiến hành cuộc chiến chủ yếu với lực lượng tình nguyện. Chưa có lệnh tổng động viên nào được ban hành, và nền kinh tế cũng chưa hoàn toàn chuyển sang trạng thái thời chiến. Đúng là chi tiêu quốc phòng đã tăng gấp đôi tính theo tỷ trọng GDP, nhưng tác động tài chính phần lớn được bù đắp nhờ doanh thu dầu mỏ tăng cao và đồng rúp mất giá.
Cách tiếp cận này giúp Nga duy trì ổn định kinh tế về dài hạn, nhưng đồng thời cũng giới hạn nguồn nhân lực và vật lực có thể huy động ra tiền tuyến. Chiến lược của Ukraine là làm cạn kiệt những giới hạn đó, buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán một lệnh ngừng bắn – với điều kiện không để mất thêm lãnh thổ hay chấp nhận những nhượng bộ chính trị không thể chấp nhận, như giải thể quân đội hay thay đổi thể chế.
Những bất lợi của Ukraine
Bất kỳ chiến dịch quân sự nào, kể cả chiến dịch phòng thủ, đều cần sự chuẩn bị: lập kế hoạch, hậu cần, nhân lực. Với Ukraine, điều đó có nghĩa là phải đảm bảo viện trợ từ phương Tây và huy động thêm quân.
Tính đến giữa tháng 4, cả hai điều kiện đó đều chưa thành hiện thực. Mỹ đang gửi nốt phần viện trợ còn lại từ thời chính quyền Biden, trong khi chưa có gói hỗ trợ mới nào được thông qua. Châu Âu, dù tuyên bố ủng hộ về mặt nguyên tắc, lại không thể cung cấp viện trợ ở quy mô như Mỹ.
Nhân lực lại càng là vấn đề cấp bách hơn. Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, tướng Oleksandr Syrsky, cho biết nước này cần 30.000 tân binh mỗi tháng chỉ để duy trì quân số hiện tại.
Mọi dấu hiệu đều cho thấy cả Ukraine lẫn các đối tác phương Tây đều chưa thực sự sẵn sàng cho chiến dịch mùa này. Một số người dường như đang đặt cược vào việc Tổng thống Donald Trump sẽ thực hiện những lời hứa mơ hồ về việc "kết thúc nhanh chóng cuộc chiến".
Ngay cả khi Nga gặp khó khăn trong việc bổ sung quân số, thì những vấn đề của Ukraine còn nghiêm trọng hơn. Theo một số ước tính, các đơn vị tiền tuyến của Ukraine chỉ còn hoạt động ở mức 40–50% công suất (nhiều nhất là 60%), trong khi phía Nga giữ được mức 80–90%.
Toàn bộ chiến lược phòng thủ của Ukraine hiện nay cũng chỉ dựa vào một trụ cột duy nhất: UAV (drone). Điều này khiến hệ thống trở nên mong manh. Nếu Nga có thể triệt tiêu hiệu quả các hoạt động drone của Ukraine – đặc biệt nhờ ưu thế về số lượng – mọi thứ có thể sụp đổ dây chuyền.
Ukraine cũng đã điều chỉnh các chiến thuật phòng ngự, nhưng bước đột phá của Nga tại Sudzha vào đầu năm 2025 cho thấy Nga tiếp tục đạt bước tiến. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, lực lượng Nga đã xuyên thủng phòng tuyến Ukraine một cách rõ rệt, buộc phía Kiev phải rút lui khỏi một vị trí vốn được củng cố chắc chắn.
Các báo cáo cho thấy ưu thế về drone của Nga cũng đang đóng vai trò then chốt. Họ triển khai một lực lượng áp đảo, xác định và vô hiệu hóa các tổ drone FPV của Ukraine.
Theo phân tích của chuyên gia Sergey Poletaev, xét trên toàn cục, lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, khả năng tuyến phòng thủ của Ukraine sụp đổ một phần hoặc toàn diện trước khi năm 2025 kết thúc được đánh giá là đã vượt quá 50%. Tất cả phụ thuộc vào việc liệu Nga có thể duy trì được đà đột phá hay không.
Chiến dịch của Nga có thể sẽ như thế nào?
Chúng ta có thể dự đoán một chiến lược nối tiếp năm ngoái: tạo áp lực trên toàn tuyến để kéo giãn lực lượng Ukraine, thăm dò điểm yếu và khai thác bất kỳ lỗ hổng nào. Nhìn chung, chiến tuyến có thể được chia thành bốn khu vực chính, theo trục Bắc - Nam:

4 khu vực chiến tuyến chính được dự báo trong chiến dịch Xuân Hè ở Ukraine. Ảnh: RT
Sumy: Sau khi lực lượng Ukraine bị đẩy ra khỏi vùng Kursk, Nga có thể sẽ tìm cách mở rộng chiến dịch tấn công tại đây. Ít nhất, mục tiêu sẽ là thiết lập một vùng đệm dọc biên giới. Cũng có tin đồn rằng Nga đang nhắm đến thành phố Sumy. Dù Nga chưa từng đưa ra yêu sách lãnh thổ đối với khu vực này, Sumy vẫn là một điểm gây áp lực hữu hiệu như bất kỳ nơi nào khác.
Volchansk–Kupiansk: Khu vực này bị cô lập về mặt địa lý bởi sông Seversky Donets. Mục tiêu của Nga có thể là quét sạch bờ đông sông Oskol, tái chiếm Liman và bao vây Kupiansk. Một mũi tiến công sâu hơn hướng về Kharkiv từ phía bắc qua Volchansk cũng có thể xảy ra.
Donetsk: Đây là chiến trường chính trong năm 2024. Các hướng tấn công chủ lực là Konstantinovka và Pokrovsk. Pokrovsk có vẻ hứa hẹn hơn, với hệ thống hậu cần vững chắc, các chiến thuật đánh vu hồi đã định hình và những khu vực tập kết còn sót lại từ các chiến dịch trước. Konstantinovka hiện đã bị bao vây một phần, nhưng việc tiếp cận từ phía bắc gặp khó khăn do có kênh Seversky Donetsk – Donbas cắt qua, gây trở ngại cho việc tiếp tế.
Mặt trận phía Nam: Vào tháng 3, sau khi các trận đánh mùa đông lắng xuống, giao tranh đã bùng phát trở lại gần sông Dnipro. Nhiều khả năng đây là một nỗ lực nhằm thiết lập các bàn đạp vượt sông, chuẩn bị cho chiến dịch tấn công hướng về Zaporizhia - một thành phố trọng yếu mà Nga coi là thủ phủ của vùng Zaporizhia. Thành phố này chỉ cách chiến tuyến khoảng 30 km, và Ukraine đã củng cố phòng thủ tại đây từ mùa thu năm ngoái.