Khoảng hở pháp lý tạo đất sống cho hàng giả

Luật sư Trương Anh Tú Chủ tịch TAT Law Firm, đại diện pháp lý của Công ty CP Nhựa Bình Minh cho biết, tình trạng 'đăng ký chặn đầu' nhãn hiệu đặc biệt với các thương hiệu chưa kịp hoàn tất thủ tục bảo hộ, đang diễn ra phổ biến ở nhiều lĩnh vực.

Tại tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp” do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 10-7 vừa qua, Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch TAT Law Firm, đại diện pháp lý của Công ty CP Nhựa Bình Minh – đã có phát biểu gây chú ý: “Hàng giả hôm nay không chỉ là sản phẩm nhái, mà còn là thông tin giả, quyền sở hữu trí tuệ giả, được hợp pháp hóa qua kẽ hở pháp luật”.

Dưới đây là tóm lược các quan điểm chính từ bài tham luận chuyên sâu của ông Tú, cho thấy một “mặt trận mới” đang mở ra đối với doanh nghiệp chân chính.

Không còn đơn thuần là hành vi lén lút sản xuất và phân phối hàng nhái, hàng giả thời nay đang chuyển hóa thành một chiến lược tinh vi hơn đó là giả mạo quyền sở hữu trí tuệ, kết hợp với thông tin giả để công kích ngược doanh nghiệp thật. Trong bối cảnh hành lang pháp lý còn kẽ hở, hành vi này có thể “hợp pháp hóa” việc chiếm đoạt thương hiệu và làm tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin, thị phần và danh dự của các doanh nghiệp sáng tạo ra sản phẩm.

 Gần 50 năm qua thương hiệu Nhựa Bình Minh đã ghi dấu trong lòng người tiêu dùng Việt Nam (Nhựa Bình Minh thành lập năm 1977).

Gần 50 năm qua thương hiệu Nhựa Bình Minh đã ghi dấu trong lòng người tiêu dùng Việt Nam (Nhựa Bình Minh thành lập năm 1977).

Luật sư Trương Anh Tú chia sẻ: “Tôi từng chứng kiến một vụ việc doanh nghiệp sản xuất thật bị khởi kiện vì sử dụng nhãn hiệu mà chính họ đã phát triển và đưa ra thị trường nhiều năm. Đối phương nộp đơn đăng ký trước và dùng điều đó làm căn cứ pháp lý để yêu cầu bồi thường, rút sản phẩm khỏi thị trường, cắt hợp đồng phân phối”.

Tình trạng “đăng ký chặn đầu” nhãn hiệu đặc biệt với các thương hiệu chưa kịp hoàn tất thủ tục bảo hộ, đang diễn ra phổ biến hơn, không chỉ ở lĩnh vực hàng tiêu dùng mà cả dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Trong khi đó, pháp luật về sở hữu trí tuệ vận hành theo nguyên tắc “nộp đơn trước, được quyền trước” (first-to-file), dẫn đến hệ quả: Người đăng ký trước trên giấy tờ có thể thắng kiện, dù hoàn toàn không sản xuất hay sử dụng sản phẩm nào ngoài mục đích chiếm chỗ.

Ở nhiều quốc gia, cơ chế pháp lý đã tiến xa hơn để bảo vệ các DN sản xuất thật. Chẳng hạn tại Hoa Kỳ, hệ thống bảo hộ nhãn hiệu áp dụng nguyên tắc first-to-use – tức ai sử dụng trước trong thực tế, có quyền ưu tiên, kể cả chưa nộp đơn đăng ký. Tòa án thường dựa vào bằng chứng sử dụng thực tế, phạm vi phổ biến, và mức độ nhận biết công chúng để xác lập quyền sở hữu. Liên minh châu Âu và một số nước ASEAN cũng dần bổ sung các tiêu chí tương tự để ngăn ngừa tình trạng “đăng ký chiếm chỗ”.

Không dừng lại ở sở hữu trí tuệ, một làn sóng nguy hiểm khác mà doanh nghiệp đang phải đối mặt là thông tin giả. Bằng hình thức tung tin thất thiệt, tạo tài khoản mạng xã hội mạo danh, phát tán clip cắt ghép… các đối tượng có thể hạ thấp uy tín của thương hiệu một cách nhanh chóng, tạo hiệu ứng lan truyền tiêu cực trước cả khi cơ quan chức năng kịp lên tiếng.

Luật sư Tú cảnh báo: “Chỉ cần một video vu khống phát tán rộng trên TikTok, doanh thu có thể giảm 40% trong vòng một tuần. Hệ thống phân phối rút lui, nhà đầu tư hoang mang, và niềm tin thị trường mất sạch. Khi thông tin sai lệch được phối hợp với chiến thuật pháp lý tinh vi, doanh nghiệp bị đẩy vào thế vừa phòng thủ vừa giải trình – rất tốn kém và rủi ro”.

 Nhựa Bình Minh luôn đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại để ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm

Nhựa Bình Minh luôn đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại để ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm

Từ đó LS Tú đề xuất 4 nhóm kiến nghị mang tính thực tiễn cao. Thứ nhất, thừa nhận giá trị sử dụng thực tế của nhãn hiệu trong các tranh chấp, đặc biệt khi có bằng chứng rõ ràng về phạm vi phân phối, truyền thông, quảng bá và nhận diện thương hiệu. Thứ hai, bổ sung tiêu chí giám sát động cơ đăng ký nhãn hiệu, trong đó cơ quan có thẩm quyền có quyền từ chối đơn nếu phát hiện dấu hiệu chiếm đoạt, không có hoạt động sản xuất kinh doanh đi kèm.

Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa tòa án, Cục Sở hữu trí tuệ và hiệp hội ngành nghề trong việc phân tích yếu tố kỹ thuật, ngăn ngừa phán quyết lệch chuẩn do đánh giá hình thức. Thứ tư là bảo đảm thống nhất giữa các cấp xét xử, đặc biệt trong các vụ án nhạy cảm về thương hiệu.

“Điều doanh nghiệp chân chính cần là một hệ thống pháp luật công bằng có thể dự báo, có thể phòng ngừa, và bảo vệ được giá trị thật trước các cuộc tấn công giả mạo”, Luật sư Tú nhấn mạnh.

Ông Tú cũng lưu ý, nếu không kiểm soát được thông tin giả và quyền sở hữu trí tuệ bị lợi dụng, hệ lụy không chỉ là vài doanh nghiệp thua kiện. Đó là việc mất niềm tin, sự bất ổn trong chính sách đầu tư, và thậm chí là nguy cơ tạo ra một thị trường “giả hợp pháp – thật bất an”.

PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/khoang-ho-phap-ly-tao-dat-song-cho-hang-gia-post860209.html
Zalo