Khoảng 600m3 cát biển đã về cao tốc Hậu Giang - Cà Mau
Ngày 11/7, tin từ nhà thầu xây dựng gói thầu XL-02, thuộc dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau cho biết, hiện đã có khoảng 600m3 cát biển từ Sóc Trăng về phục vụ đắp nền ở đoạn cuối dự án cao tốc.
Ông Phạm Văn Dự, Giám đốc Ban điều hành XL-02 (đoạn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) cho biết: Sau nhiều tháng chờ đợi nên chuyến cát biển về đợt này có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà thầu xây dựng.
“Phần công trình mà chúng tôi đảm nhận cần khoảng 1 triệu m3, tuy nhiên đến nay mới có được khoảng 300.000m3, hiện còn thiếu khoảng 700.000m3. Hiện tại phần cầu do được ưu tiên làm trước nên giờ đã ổn. Do đó, với việc có lượng cát tăng cường sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và bù tiến độ đã bị chậm”, ông Phạm Văn Dự nói.
Theo ghi nhận vào chiều 10/7, với việc 600m3 cát biển đầu tiên cặp bến kênh xáng Huyện Sử, thuộc địa bàn xã Tân Phú, huyện Thới Bình, không khí trên công trường xây dựng cũng sôi động hơn.
Ông Phạm Văn Tý, đội bơm cát tuyến cao tốc đoạn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cho biết: Vị trí các sà lan chở cát thường cách xa các điểm thi công đường cao tốc, có đoạn lên đến vài km nên để cát đến được công trình thường phải qua nhiều công đoạn bơm chuyền.
“Các tổ máy bơm chuyền có hàng chục người phụ trách từ hút cát dưới sà lan, vận hành tổ máy và khuân vác ống… Nếu cát về nhiều thì nhân công sẽ được chia ca ra làm, tuy cực nhưng vui vì tiến độ công trình được đẩy nhanh, đóng góp chung vào kế hoạch đưa tuyến cao tốc hoàn thiện theo đúng kế hoạch đề ra”, ông Phạm Văn Tý, phấn khởi nói.
Trước đó, theo thông báo từ Bộ Giao thông Vận tải, đầu tháng 7 sẽ thi công cát biển đắp nền tại cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Việc này được thực hiện sau khi hoàn thành thí điểm dùng 5.000m3 cát biển đắp nền gần một km đường ở Bạc Liêu - thuộc tuyến cao tốc hồi năm ngoái. Kết quả cho thấy cát biển đáp ứng tiêu chuẩn về vật liệu thi công nền đường tương tự cát sông.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, nguồn cát biển sẽ được dùng đắp nền cho đoạn tuyến chính dài khoảng 45 km, thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu; huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang và huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ngoài ra, nguồn vật liệu này cũng được sử dụng cho đoạn 10 km thuộc địa bàn các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời và Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Để chuẩn bị cho nguồn vật liệu mới phục vụ thi công cao tốc, từ ngày 29/6, mỏ cát biển ở Sóc Trăng diện tích gần 100 ha đã được đưa vào khai thác. Theo đó, lượng cát được thác mỗi ngày khoảng 100.000m3, sau đó dùng sà lan đưa về các công trường xây dựng tuyến cao tốc.
Qua khảo sát, các bộ ngành liên quan và địa phương xác định khu vực vùng biển tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng cát 680 triệu m3; trong đó, khoảng 145 triệu m3 cát có thể khai thác làm vật liệu xây dựng, san lấp nền các công trình hạ tầng, đường cao tốc.
Riêng dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có tổng chiều dài 73,223km; trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Cà Mau dài 21,9 km. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có đầu tư đoạn tuyến nối để kết nối từ điểm cuối cao tốc đến Quốc lộ 1, chiều dài 16,6km. Tổng chi phí giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo dự án được duyệt là 675,6 tỷ đồng.
Đối với đoạn qua địa bàn tỉnh Cà Mau có tổng diện tích giải phóng mặt bằng là 140 ha thì đến nay đã chi trả và bàn giao mặt bằng đạt tỷ lệ 100%. Dù vậy, từ nhiều tháng qua, do chưa có cát để san lấp nên hiện còn nhiều đoạn chỉ mới đắp khuôn hộ; nhiều vị trí xây dựng cầu dù có khối lượng nhưng chưa đạt tiến độ…
Với vai trò của địa phương, tỉnh Cà Mau đã yêu cầu từng nhà thầu phải rà soát cụ thể; trong đó những khó khăn, vướng mắc phát sinh phải được báo cáo đầy đủ, kịp thời, để có giải pháp xử lý dứt điểm, sớm đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng, từ đó tạo động lực phát triển cho tỉnh Cà Mau cũng như của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.