Khoác áo mới cho làng nghề truyền thống
Tại buổi trò chuyện với chủ đề 'Từ làng nghề truyền thống đến hiện đại', đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng chia sẻ, khoảng 10 năm qua, bà vẫn đau đáu làm thế nào để những sản phẩm của làng hoa giấy Thanh Tiên (Huế) có thể xuất khẩu ra nước ngoài và khẳng định thương hiệu bền vững.
Muôn nẻo đường khó
Đạo diễn Xuân Phượng nhớ lại, khi chuẩn bị cho một triển lãm tranh của các họa sĩ Việt Nam tại Canada cách đây gần 10 năm, bà suy nghĩ, thấy bên cạnh những tác phẩm hội họa, cần phải có cái gì đó mang đặc trưng của Việt Nam. Và thế là, ý tưởng mang 500 bông hoa giấy của làng nghề Thanh Tiên lóe lên, như một điểm nhấn đặc biệt của không gian triển lãm.
“Lúc đó tôi muốn khóc vì nhiều người đến triển lãm chỉ muốn mua hoa giấy, không mua tranh. Thậm chí, có người không đủ tiền mua tranh nhưng vẫn mong muốn có được những bông hoa giấy truyền thống…”, đạo diễn Xuân Phượng nhớ lại.
Cũng từ mối cơ duyên đặc biệt ấy, sau này khi có cơ hội đi nhiều nước châu Âu khác, bà luôn đặt ra câu hỏi trong đầu, tại sao mình không mang hoa giấy truyền thống xứ Huế ra nước ngoài bán. Nhưng, đi vào thực tế mới thấy mọi việc không đơn giản, những câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời đáp: sản lượng hoa giấy sản xuất tối đa mỗi năm, sản phẩm có chịu được thời tiết, làm sao để bền màu…? Và cũng vì thế, câu chuyện đưa hoa giấy Thanh Tiên ra thị trường đành phải bỏ ngỏ.
Câu chuyện của đạo diễn Xuân Phượng để lại nhiều suy ngẫm. Chính nghệ nhân hoa giấy thủ công Trần Phú - người đã có hành trình gần 50 năm làm hoa giấy, thừa nhận, việc cố gắng giữ nghề chỉ vì đó là truyền thống cha ông để lại, chứ hiệu quả kinh tế không có.
“Làm hoa giấy 1 năm chỉ bán được trong nửa tháng thì lấy gì mà sống. Để sống, chúng tôi phải tìm công việc khác làm thêm. Không ít người cũng vì kinh tế đã không thể trụ lại được với nghề”, nghệ nhân Trần Phú cho biết.
Cảm hứng từ truyền thống
Từ rất nhiều trải nghiệm thực tế, đạo diễn Xuân Phượng đặt mình vào vị trí của khách hàng quốc tế với rất nhiều yêu cầu theo tiêu chuẩn. Ví dụ như hoa giấy Thanh Tiên, thanh tre có đảm bảo an toàn, hồ dán có vệ sinh…
“Chúng ta không thể đơn giản cứ mang sản phẩm ra nước ngoài là được. Truyền thống, nhưng cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại thì mới bán được”, đạo diễn Xuân Phượng thẳng thắn chia sẻ.
Một điều đáng mừng, sự đau đáu của đạo diễn Xuân Phượng đã phần nào được giải khuây khi bà tìm thấy tiếng nói đồng điệu với chị Phan Ngọc Hiếu - người sáng lập thương hiệu hoa giấy Maypaperflower. Lấy cảm hứng từ những bông hoa giấy Thanh Tiên truyền thống, chị Ngọc Hiếu đã nâng tầm sản phẩm để có thể xuất khẩu chính ngạch đến các quốc gia như: Mỹ, Anh, Italy, Pháp, Hàn Quốc.
Theo chị Ngọc Hiếu, khi làm các sản phẩm hoa giấy hiện đại, bài học lớn nhất chị nhận được từ làng nghề hoa giấy Thanh Tiên là tính bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để đáp ứng sự khó tính của các thị trường xuất khẩu, chị mất không ít thời gian cải tiến các nguyên vật liệu cũng như cách bảo quản sản phẩm.
Trong quá trình chuẩn bị, chị phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu đầu vào, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các chứng chỉ như FSC (Forest Stewardship Council - chứng chỉ rừng bền vững). Chị Hiếu cũng tiết lộ, có nhiều sản phẩm có thể làm với giá thành rẻ, tính thương mại cao, sản xuất hàng loạt, nhưng chị vẫn cố gắng giữ theo cách làm cũ, đưa sự tỉ mỉ và tính thủ công vào từng sản phẩm.
Chị Ngọc Hiếu cũng cho biết, thương hiệu Maypaperflower hoàn toàn độc lập với hoa giấy Thanh Tiên. Mục tiêu chị đặt ra là: "Khi đã xây dựng được thương hiệu mới, tôi mong muốn giúp đỡ các hộ cá thể ở Huế sản xuất theo tiêu chuẩn có thể xuất khẩu được. Tôi tư vấn cho họ từ việc đóng gói, lựa chọn nguyên liệu sản phẩm... để họ có thể sống được với nghề, hoàn toàn không can thiệp vào tinh hoa làng nghề truyền thống, đảm bảo sản phẩm làm ra có điểm khác biệt với những sản phẩm hoa giấy khác trên thị trường. Đó chính là giá trị thủ công trong từng sản phẩm".
Một một tín hiệu đáng mừng, sau giai đoạn khó khăn, nhiều thăng trầm, hiện làng nghề hoa giấy Thanh Tiên nay đã có những khởi sắc nhất định. Các sản phẩm không chỉ phục vụ vào dịp tết, thờ cúng và tâm linh, còn được sử dụng làm quà tặng, xuất khẩu.
Chính nghệ nhân Trần Phú chia sẻ, nhờ việc bền bỉ với nghề, chỉn chu trong từng công đoạn, tỉ mỉ trong từng sản phẩm, mà từ chỗ “bán không có ai mua” hiện có những lúc gia đình ông “làm không đủ bán”. Các đơn đặt hàng cũng đến từ nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… Theo ông, yếu tố quan trọng nhất đó là dù làm nhiều hay ít, sự cẩn thận luôn phải đặt lên hàng đầu.