Khoa học xã hội và nhân văn là nền tảng cho phát triển bền vững
Dù không hiện diện sôi nổi như các ngành khoa học tự nhiên, nhưng các ngành khoa học xã hội và nhân văn luôn đóng góp rất quan trọng trong đời sống xã hội. Những vấn đề về tư tưởng, đạo đức, lịch sử, văn hóa…thuộc phạm vi nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội… thời nào cũng được xem là trụ cột trong phát triển xã hội bền vững.
Quan tâm đầu tư cho các nhà khoa học và các công trình nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn chính là quan tâm đến xây dựng nền tảng tinh thần cho nhân dân, trước sự biến động nhanh chóng của kỷ nguyên công nghệ. Nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, phóng viên có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, trong thời kỳ hiện nay, các thành tựu liên quan khoa học tự nhiên và công nghệ với những sản phẩm cụ thể đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của toàn xã hội, điều này càng khiến cho thành tựu của các ngành khoa học xã hội vốn trừu tượng dễ bị che lấp hơn. Ông nghĩ sao về điều này. Theo ông, cần nhìn nhận, đánh giá vị trí, vai trò của khoa học xã hội và nhân văn như thế nào trong đời sống hôm nay?
Tiến sĩ Phan Chí Hiếu: Đúng là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay thì khoa học xã hội và nhân văn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, có nguy cơ thoái trào và “lép vế” so khoa học tự nhiên và công nghệ.
Xu hướng này không chỉ ở Việt Nam mà còn khá phổ biến trên thế giới. Các chương trình đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn suy giảm mạnh ở các trường đại học và viện nghiên cứu. Trong vài thập kỷ qua, các chính phủ cũng dành nhiều ưu tiên cho đào tạo, nghiên cứu các ngành STEM và thương mại. Không thể trách các chính phủ hay xã hội đã không dành nhiều sự quan tâm đến khoa học xã hội và nhân văn. Tình trạng thoái trào trên cũng có nguyên nhân từ việc khoa học xã hội và nhân văn chậm thích ứng với kỷ nguyên số, với những yêu cầu mới mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra.
Theo tôi, trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước chúng ta, khoa học xã hội và nhân văn tiếp tục giữ vai trò hết sức quan trọng. Khoa học xã hội được coi là người dẫn dắt công cuộc phát triển đất nước, khoa học tự nhiên và công nghệ được coi là động lực, công cụ để thực hiện mục tiêu phát triển.
Khoa học xã hội và nhân văn có vai trò quan trọng trong xây dựng ý thức công dân và lòng yêu nước; trong phát triển con người, mà con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội; con người là tài sản vô giá của mọi quốc gia. Khoa học xã hội cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước, quản trị quốc gia hiệu quả, giải quyết các vấn đề xã hội, ứng phó với các thách thức mang tính thời đại và toàn cầu. Khoa học xã hội còn góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… Với những ý nghĩa trên, khoa học xã hội và nhân văn giữ vai trò quan trọng, góp phần tạo nên “sức mạnh mềm” quốc gia.
Phóng viên: Đánh giá của ông trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội những năm qua ở Việt Nam?
Tiến sĩ Phan Chí Hiếu: Cá nhân tôi cảm nhận, so khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ thì lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có bước đi chậm hơn; không khí cũng trầm lắng hơn. Ở lĩnh vực này, những năm gần đây chúng ta chưa có những công trình nghiên cứu lớn, giá trị, mang tính chất khai phá, mở đường, gây được tiếng vang và sự quan tâm của dư luận xã hội. Mặc dù chủ trương của Đảng ta là “Chú trọng phát triển đồng bộ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị”, nhưng thực tế khoa học xã hội và nhân văn chưa được quan tâm thỏa đáng, kể cả nhận thức, hành động và đầu tư cụ thể.

Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tiếp Giáo sư Andrey Margolin (Học viện Tổng thống Liên bang Nga) ngày 24/4/2025, trước khai mạc Hội thảo quốc tế “Việt Nam-Liên bang Nga: Quá khứ-Hiện tại-Tương lai" do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Học viện Tổng thống Liên bang Nga tổ chức.
Phóng viên: Những khó khăn nào đáng kể nhất trong công tác nghiên cứu khoa học xã hội hiện nay, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Phan Chí Hiếu: Đầu tiên phải kể đến là nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển đất nước còn chưa đầy đủ và sâu sắc, dẫn đến sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và xã hội cho phát triển khoa học xã hội và nhân văn còn hạn chế. Ngoài ra, sản phẩm nghiên cứu của khoa học xã hội và nhân văn thường ít phát huy tác dụng ngay, với kết quả thấy rõ, nên khó thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Bất cập nữa là kinh phí cấp cho các nhiệm vụ khoa học thường rất thấp, trong khi việc huy động các nguồn lực xã hội không dễ, thủ tục hành chính trong thực hiện đề tài còn phức tạp. Vì lý do thu nhập thấp mà đội ngũ nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội ngày càng hao hụt. Một số chuyên ngành nghiên cứu sâu, hiếm như Hán-Nôm, Khảo cổ học đang có nguy cơ bị mai một.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những công trình nghiên cứu khoa học lĩnh vực khoa học xã hội được ứng dụng trong thực tế thời gian vừa qua?
Tiến sĩ Phan Chí Hiếu: Nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã được ứng dụng hiệu quả trong thực tế. Các kết quả nghiên cứu đã cung cấp nhiều luận cứ có giá trị cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cung cấp những luận cứ khoa học cho đường lối đổi mới toàn diện đất nước, góp phần vào sự hình thành những quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền và lãnh đạo của Đảng, về xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…
Các nghiên cứu thời gian gần đây về chính trị, pháp luật, văn hóa, xã hội, con người, môi trường, về cục diện thế giới, về toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, về chuyển đổi xanh… đóng góp thiết thực cho quá trình tổng kết 40 năm Đổi mới đất nước, phục vụ quá trình xây dựng văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX của Đảng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng...
Nhiều kết quả nghiên cứu đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương; các kết quả nghiên cứu về lịch sử, truyền thống, khảo cổ, văn hóa, con người… giúp chuẩn bị hồ sơ công nhận di sản văn hóa, từng bước hình thành công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu địa phương, góp phần góp phần gia tăng “sức mạnh mềm” quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Phóng viên: Để các công trình nghiên cứu khoa học thành sản phẩm ra thị trường luôn cần một khâu trung gian là doanh nghiệp, chủ đầu tư. Hiện nay, những cái “bắt tay” giữa nhà khoa học và doanh nghiệp hiện còn rất hạn chế. Theo Tiến sĩ, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị với nhiều điểm đột phá mới đã “gỡ rối” cho vấn đề này như thế nào?
Tiến sĩ Phan Chí Hiếu: Trong nghiên cứu khoa học từ trước tới nay, vướng mắc nhất là vấn đề sở hữu đối với kết quả nghiên cứu từ hoạt động nghiên cứu được Nhà nước cấp kinh phí. Pháp luật hiện hành quy định Nhà nước là chủ sở hữu của các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, do đó việc giao kết quả nghiên cứu cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu để thương mại hóa kết quả nghiên cứu gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có quy định tổ chức chủ trì được sở hữu kết quả nghiên cứu thì quá trình thương mại hóa mới nhanh và thuận lợi. Nghĩa là phải có thiết chế chuyên nghiệp (doanh nghiệp) để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đưa ra chủ trương: Có cơ chế cho phép và khuyến khích các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng việc tổ chức khoa học và công nghệ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp cũng không dễ dàng. Thực tế cho thấy trước đây một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập đã thành lập doanh nghiệp, nhưng do không có kinh nghiệm quản lý nên hoạt động không hiệu quả, bị thua lỗ.
Theo tôi, bên cạnh việc quy định quyền được thành lập doanh nghiệp, cần quy định tổ chức khoa học và công nghệ công lập có quyền ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực phù hợp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, theo đó tổ chức khoa học và công nghệ công lập góp vốn bằng kết quả nghiên cứu, tham gia quản lý quá trình thương mại hóa và được phân chia sản phẩm hoặc lợi nhuận theo tỷ lệ, tương tự như phương thức đối tác công tư. Chủ trương này là nòng cốt gỡ rối cho các nhà khoa học để các công trình nghiên cứu sớm biến thành các sản phẩm phục vụ đời sống nhân dân, phát triển kinh tế đất nước.
Phóng viên: Ưu tiên cho phát triển khoa học, công nghệ đang là quốc sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Với vai trò là người đứng đầu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, theo ông, đâu là những “điểm nghẽn” trong đào tạo, nghiên cứu các ngành khoa học xã hội hiện nay cần được Nhà nước quan tâm, đầu tư, để khoa học xã hội ngày càng làm tốt vai trò nền tảng trong phát triển bền vững đất nước kỷ nguyên mới?
Tiến sĩ Phan Chí Hiếu: Bên cạnh những “điểm nghẽn” của khoa học, công nghệ nói chung thì theo tôi trong đào tạo, nghiên cứu các ngành khoa học xã hội còn gặp phải một số vấn đề riêng sau đây:
Đội ngũ cán bộ nghiên cứu các ngành khoa học xã hội ngày càng giảm sút về số lượng, thiếu các chuyên gia đầu ngành có khả năng định hướng, dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu lớn, mới, phức tạp; sự hẫng hụt giữa thế hệ cán bộ nghiên cứu đã thấy rõ. Do những khó khăn về chế độ, chính sách mà nhiều nhà nghiên cứu chuyển sang công việc khác, dễ dàng hơn và có thu nhập tốt hơn. Mặc dù thời gian qua, chúng ta có nhiều chủ trương thu hút, trọng dụng nhân tài, nhưng vẫn còn chậm được cụ thể hóa thành các chính sách, quy định cụ thể; một số chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh.
Các tổ chức khoa học, công nghệ công lập vẫn phải thực hiện việc tinh giản biên chế theo quy định chung nên không có điều kiện tuyển dụng mới để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ nghiên cứu. Bên cạnh đó, để có một chuyên gia giỏi cần quá trình phát hiện, chọn lựa, đào tạo, sàng lọc kỹ càng, mất nhiều thời gian. Theo tôi, các tổ chức khoa học, công nghệ công lập cần được trao quyền tự chủ rộng rãi hơn trong việc xác định chỉ tiêu, biên chế; quy định điều kiện, thủ tục tuyển dụng phù hợp với nhu cầu, tính chất công việc của viên chức làm công tác nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ Phan Chí Hiếu trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Khoa học Công nghệ 18/5.
Cần có chế độ đãi ngộ cao hơn mặt bằng chung để các nhà khoa học có điều kiện nuôi dưỡng lòng đam mê nghiên cứu khoa khoa học, yên tâm theo đuổi những nhiệm vụ nghiên cứu lớn, phức tạp, kể cả những nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản chưa thể áp dụng ngay trong thực tiễn.
Hiện nay trong lĩnh vực khoa học xã hội có nhiều tổ chức nghiên cứu, nhưng còn thiếu vai trò định hướng, điều phối chung nên hoạt động nghiên cứu còn manh mún, dàn trải, trùng lặp, phân tán nguồn lực. Chưa có báo cáo chính thức của cả nước về tình hình nghiên cứu khoa học xã hội hằng năm và cả nhiệm kỳ, từ đó xác định những hướng nghiên cứu lớn cho năm tiếp theo hoặc nhiệm kỳ tiếp theo. Chưa có những diễn đàn khoa học xã hội và nhân văn thường niên chung của cả nước.
Theo tôi, trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về khoa học xã hội và nhân văn của Bộ Khoa học và Công nghệ, cần chú trọng vai trò định hướng chung về chuyên môn của các cơ quan nghiên cứu lớn (đề xuất những định hướng nghiên cứu lớn; xây dựng, phát triển những phương pháp nghiên cứu mới, tiên tiến; bồi dưỡng, cập nhật phương pháp, kỹ năng nghiên cứu…). Cần đầu tư để tăng cường năng lực, phát triển một số trung tâm nghiên cứu trọng điểm của đất nước, có đủ khả năng định hướng, dẫn dắt về chuyên môn cho hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.
Một vấn đề nữa trong nghiên cứu khoa học xã hội hiện nay, là chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa thật gắn kết với hoạt động nghiên cứu; một số chuyên ngành đào tạo hẹp, chuyên sâu, khó xin việc như Hán- Nôm, khảo cổ học, dân tộc học, tôn giáo học… ít có người theo học.
Để gắn kết giữa hoạt động đào tạo với nghiên cứu khoa học, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo, cần có cơ chế để các cán bộ nghiên cứu tham gia giảng dạy, hướng dẫn khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học và được hưởng cơ chế như đối với giảng viên thuộc biên chế cơ hữu của các trường đại học. Đối với các chuyên ngành đào tạo chuyên sâu, ít người theo học cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cụ thể như: miễn, giảm học phí, cơ chế ưu tiên trong tuyển dụng, bố trí công việc sau khi tốt nghiệp…
Phóng viên: Xin cảm ơn Tiến sĩ Phan Chí Hiếu về cuộc trò chuyện.