Khoa học công nghệ được ươm mầm, triển khai, và chuyển hóa thành nguồn lực cho quốc gia
Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã ảnh hưởng sâu rộng đến các cơ sở giáo dục đại học như thế nào? Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong xin giới thiệu loạt bài chia sẻ từ đại diện các trường đại học, học viện tiêu biểu.

PGS. TS. Hồ Sỹ Tâm.
Chỉ trong 6 tháng qua, tác động của Nghị quyết 57 đã thể hiện rõ ràng tại Trường Đại học Thủy lợi (TLU), nhất là nhờ sự cụ thể hóa kịp thời của các văn bản như Nghị quyết 103 và Nghị định 109. Việc được giao quyền phê duyệt đấu thầu mua sắm thiết bị phục vụ nghiên cứu và chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân cho hoạt động khoa học đã tạo ra sự phấn khởi, góp phần thúc đẩy tinh thần nghiên cứu trong đội ngũ giảng viên – nhà khoa học.
Đặc biệt, theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại công văn 4292, Nhà trường đã chủ động đề xuất 07 bài toán lớn và công nghệ chiến lược phục vụ phát triển bền vững ngành nông nghiệp – môi trường. Nhiều đề xuất bám sát tinh thần Nghị quyết 57 như: hệ thống giám sát – điều hành thủy lợi thông minh, công nghệ AI trong cảnh báo xâm nhập mặn và dòng chảy nguy hiểm ven biển, hay mô hình quản lý thủy lợi thông minh theo vùng miền. Những đề xuất này không chỉ thể hiện năng lực nghiên cứu chuyên sâu mà còn góp phần định hình hướng tiếp cận liên ngành – chuyển đổi số trong giải quyết các vấn đề cấp bách của quốc gia.

Sinh viên Trường Đại học Thủy lợi đang thực tập môn học tại phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học.
Nghị quyết 57 không chỉ khẳng định vai trò trung tâm của khoa học – công nghệ mà còn nhấn mạnh đột phá về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, từ đó tạo hiệu ứng xã hội tích cực đối với tuyển sinh các ngành kỹ thuật – công nghệ. Tại Trường Đại học Thủy lợi, các ngành Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện – điện tử, Tự động hóa ghi nhận mức độ quan tâm gia tăng rõ rệt, nhờ định hướng đào tạo gắn với AI, IoT và dữ liệu lớn.
Bên cạnh đó, các ngành đặc thù của Trường như kỹ thuật xây dựng, tài nguyên nước, môi trường, phòng chống thiên tai cũng đang từng bước tích hợp công nghệ số, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu thị trường và tinh thần Nghị quyết 57. Việc truyền thông rõ ràng về các cơ hội nghề nghiệp mới, cùng định hướng ứng dụng công nghệ vào giải quyết các bài toán thực tiễn, đã góp phần thu hút nhiều thí sinh có định hướng nghề nghiệp dài hạn và phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế số.
Tôi tin rằng trong 5 năm tới, các ngành khoa học – công nghệ sẽ tiếp tục có triển vọng nghề nghiệp rất sáng sủa, không chỉ vì nhu cầu thị trường tăng cao mà còn bởi các ngành này đang nằm trong trục ưu tiên chiến lược của quốc gia, thể hiện rõ trong các chính sách như Nghị quyết 57, các chiến lược chuyển đổi số quốc gia và chương trình phục hồi kinh tế xanh – bền vững.
Tại Trường Đại học Thủy lợi, chúng tôi thấy rõ xu hướng các ngành như công nghệ thông tin, kỹ thuật điện – điện tử, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu đang được thị trường “săn đón” với mức thu nhập hấp dẫn. Quan trọng hơn, các ngành truyền thống như xây dựng, tài nguyên nước, môi trường, phòng chống thiên tai cũng đang được “tái cấu trúc” theo hướng tích hợp công nghệ số, sử dụng AI, IoT, Big Data trong thiết kế, giám sát và ra quyết định. Sự hội tụ giữa chuyên môn kỹ thuật với công nghệ số sẽ mở ra nhiều không gian nghề nghiệp mới mà trước đây chưa từng có.
Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ: đó là đòi hỏi nguồn nhân lực không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải có tư duy công nghệ, năng lực số hóa và khả năng thích ứng liên ngành. Điều này đòi hỏi các trường đại học phải đổi mới mạnh mẽ về chương trình, phương pháp đào tạo và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để bắt kịp xu thế và đáp ứng yêu cầu thị trường.

Bế mạc SV. Startup - Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI, sinh viên TLU đoạt giải cao.
Thực hiện tinh thần của Nghị quyết 57, Trường Đại học Thủy lợi đã và đang chủ động chuẩn bị nguồn lực để phát triển các ngành học mới trong lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tự động hóa, và cả các lĩnh vực tiệm cận như công nghệ bán dẫn.
Trường đang triển khai hợp tác chiến lược với nhiều đại học lớn tại Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc – những quốc gia có thế mạnh hàng đầu về công nghệ – để cùng xây dựng chương trình đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên và phối hợp nghiên cứu. Bên cạnh đó, TLU cũng từng bước đầu tư phát triển hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, đồng thời thiết lập mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm triển khai mô hình đào tạo gắn với thực tiễn.
Trong những năm qua, Trường đã phối hợp hiệu quả với các tập đoàn như SAMSUNG, HINO Motors… để xây dựng phòng thí nghiệm ứng dụng, tạo môi trường học tập – nghiên cứu hiện đại cho sinh viên. Đây là nền tảng quan trọng để tiếp tục mở rộng sang các ngành công nghệ mới, đảm bảo chất lượng đào tạo và khả năng đáp ứng thị trường lao động trong thời kỳ chuyển đổi số.
Lý do cốt lõi khiến Nghị quyết 57 có sức lan tỏa mạnh mẽ và tác động nhanh chóng đến các cơ sở giáo dục – đào tạo trên cả nước, đặc biệt trong khối trường đại học nằm ở chỗ: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là nền tảng trọng yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh và sức mạnh quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sâu rộng. Nghị quyết 57 không chỉ đề cập đến khoa học công nghệ như một lĩnh vực riêng biệt, mà đặt nó vào vị trí trung tâm, giữ vai trò “dẫn dắt – kích hoạt” các lĩnh vực kinh tế – xã hội khác phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và chủ động hội nhập quốc tế.

Một góc không gian thư viện của trường.
Trong hệ sinh thái đó, các cơ sở giáo dục đại học vừa là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa là cái nôi hình thành và phát triển các ý tưởng, công nghệ mới. Vì vậy, khi Nghị quyết 57 được ban hành, các trường đại học như Trường Đại học Thủy lợi đón nhận nó như một cơ hội và động lực để đổi mới mạnh mẽ: từ mô hình đào tạo, đầu tư nghiên cứu đến cách tiếp cận thị trường và kết nối doanh nghiệp. Việc Chính phủ cụ thể hóa Nghị quyết bằng các chính sách về tự chủ, tài chính, đấu thầu, thuế thu nhập, danh mục bài toán lớn… đã tạo điều kiện thuận lợi để các trường triển khai nhanh và có chiều sâu.
Có thể nói, tác động mạnh mẽ của Nghị quyết 57 đến khối giáo dục đại học là điều tất yếu, bởi chính tại đây, khoa học công nghệ được ươm mầm, triển khai, và chuyển hóa thành nguồn lực cho quốc gia.
PGS. TS. Hồ Sỹ Tâm
(Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế Trường Đại học Thủy lợi)