Quản lý, bảo vệ rừng trên không gian số
Việc ứng dụng công nghệ số trong giám sát hiện trạng rừng đã góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại, cháy rừng, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Trà Veo, xã Tây Trà sử dụng ứng dụng Smart trên điện thoại để tuần tra rừng
Tại khu vực rừng phòng hộ Trà Veo, Tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Trà Veo, xã Tây Trà đẩy mạnh ứng dụng Smart trên chiếc điện thoại thông minh để bắt đầu chuyến tuần tra. Trước đây, mọi thông tin, dữ liệu của mỗi chuyến tuần tra rừng đều được ghi chép bằng tay, còn bây giờ, chỉ cần mở ứng dụng Smart trên điện thoại là có thể cập nhật được mọi thông tin.
Tổ trưởng Tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Trà Veo Hồ Văn Sáu chia sẻ, mỗi chuyến tuần tra, ứng dụng sẽ ghi lại thông tin tuyến đường, khoảnh rừng, tiểu khu mà tổ đã đi qua. Khi phát hiện bẫy thú, dấu vết động vật, người lạ trong lâm phận hay nguy cơ xâm hại, cháy rừng... các thành viên trong tổ tuần tra có thể nhanh chóng cập nhật lên ứng dụng để làm cơ sở báo cáo.
“Nhờ đó, hàng nghìn héc ta rừng giao khoán cho cộng đồng ở đây được bảo vệ nghiêm ngặt, không xảy ra cháy rừng hay mất rừng”, ông Sáu cho hay.
Ông Châu Văn Tạo, nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng khu tây Trà Bồng cho hay, đến nay, hầu hết các thành viên tổ cộng đồng bảo vệ rừng trên địa bàn đã thành thạo thao tác trên ứng dụng Smart. Với ứng dụng này, cơ quan quản lý sẽ biết được các thành viên của tổ cộng đồng bảo vệ rừng đang tuần tra ở tọa độ nào, tiểu khu nào, tránh trường hợp cộng đồng nhận giao khoán không đi tuần tra nhưng vẫn khai báo đi tuần tra.

Các lực lượng phối hợp tuần tra rừng
Toàn tỉnh có hơn 1,06 triệu ha thì rừng phòng hộ có diện tích hơn 308.700 ha, rừng đặc dụng hơn 93.200 ha, rừng sản xuất hơn 663.300 ha, chưa kể các diện tích rừng trồng chưa thành rừng, diện tích đất trống khác.
Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, việc quản lý rừng trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn với diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp, tinh giảm biên chế và sự khác biệt về khí hậu giữa hai vùng.
Cụ thể, vào thời điểm Quảng Ngãi (cũ) bước vào mùa nắng nóng gay gắt thì khu vực Kon Tum (cũ), với địa hình cao, lại thường xuất hiện mưa và ngược lại, nên thời gian đầu, công tác quản lý, dự báo và cảnh báo cháy rừng gặp nhiều khó khăn.
Trong năm 2025, tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra 2 vụ cháy rừng gồm: vụ cháy tại khoảnh 01, tiểu khu 273, xã Tu Mơ Rông, với diện tích 16,35ha rừng trồng chưa thành rừng và vụ cháy tại khoảnh 7, 9, tiểu khu 568, xã Đăk Rơ Wa với diện tích khoảng 1,6ha thực bì. Cả hai vụ cháy không gây thiệt hại về rừng.
“Hiện tại, Chi cục Kiểm lâm đang thử nghiệm 5 camera cảm biến nhiệt, khói cảnh báo cháy rừng sớm tại 5 khu vực có nguy cơ cháy cao trên địa bàn tỉnh, với thiết bị này, khu vực kiểm soát có thể lên đến vài trăm ha. Đồng thời, trang bị 17 flycam phục vụ tuần tra rừng, giám sát tài nguyên rừng và chỉ huy chữa cháy rừng”, ông Khánh cho biết.

Ứng dụng khoa học và công nghệ hỗ trợ tích cực cho lực lượng kiểm lâm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng
Cùng với số hóa dữ liệu tuần tra, ngành lâm nghiệp tỉnh còn tích cực ứng dụng các phần mềm Mapinfo, Microstation, Flycam, QGIS, FRMS và công nghệ viễn thám để giám sát toàn bộ diện tích rừng tự nhiên từ trên cao. Các dữ liệu này hỗ trợ xác định trạng thái rừng, theo dõi biến động, cháy rừng và phục vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng...
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, việc ứng dụng khoa học và công nghệ đã và đang hỗ trợ tích cực cho lực lượng kiểm lâm tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng, góp phần ngăn chặn những biến động xấu xâm hại đến tài nguyên rừng.
Nhờ đó, diện tích rừng ngày càng được quản lý, bảo vệ chặt chẽ hơn. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ triển khai các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ rừng, phát huy hiệu quả cao nhất các máy móc, trang thiết bị công nghệ đã được trang bị.