Kho vũ khí tiến gần giới hạn đỏ, phương Tây chạy đua sản xuất hỗ trợ Ukraine

Mỹ và châu Âu đang cố gắng cung cấp cho Ukraine số lượng lớn đạn dược mà nước này cần để tiếp tục phản công Nga, đồng thời chạy đua với thời gian nhằm tăng cường sản xuất, tránh nguy cơ thiếu đạn dược trên chiến trường - điều có thể cản trở tiến triển của Kiev.

Kho vũ khí tiến gần “giới hạn đỏ”

Nguồn cung đạn dược đang giảm dần là một lời cảnh báo với NATO bởi thực tế là, liên minh này không có sự chuẩn bị trước cho khả năng xảy ra một cuộc xung đột kéo dài trên lãnh thổ châu Âu sau hàng thập kỷ tương đối hòa bình, các quan chức Mỹ và châu Âu nhận định.

Binh lính Ukraine chuẩn bị khai hỏa súng cối tại một vị trí gần Bakhmut ngày 13/7. Ảnh: Reuters

Binh lính Ukraine chuẩn bị khai hỏa súng cối tại một vị trí gần Bakhmut ngày 13/7. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhận định với CNN tuần trước rằng, trong khi NATO sẵn sàng cho cuộc tấn công "ngày một ngày hai" thì "không ai thực sự tự hỏi rằng điều gì xảy ra nếu ‘ngày một ngày hai’ biến thành ‘tuần hai, tuần ba, tuần bốn?” Ông cũng đặt ra câu hỏi về khả năng kho vũ khí của NATO.

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh, Washington duy trì mức độ nhất định đạn dược trong các kho vũ khí. Tuy nhiên, theo các quan chức này, Mỹ đang tiến gần đến giới hạn đỏ nếu tiếp tục cung cấp cho Ukraine đạn pháo cỡ nòng 155mm. Washington bắt đầu tăng cường sản xuất đạn dược vào năm ngoái khi hiểu rõ cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kéo dài lâu hơn dự đoán. Tuy nhiên, đạn dược sẽ cần "một vài năm" để tăng cường sản xuất hàng loạt ở mức có thể chấp nhận được, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay.

Chính quyền Tổng thống Biden đã quyết định cung cấp đạn chùm cho Ukraine để giúp làm giảm nguy cơ thiếu đạn dược trong thời điểm này. Tuy nhiên, bởi vì loại đạn này có thể gây rủi ro lâu dài cho dân thường nên các quan chức Mỹ cho biết, việc vận chuyển chúng cho Kiev chỉ là giải pháp tạm thời đến khi đạn theo quy ước được sản xuất nhiều hơn.

CNN dẫn nguồn tin từ chính phủ Đức khẳng định, Berlin đã tiến hành các biện pháp để thu hẹp khoảng trống trong kho đạn và tăng cường dự trữ đạn dược, đồng thời thông báo, loại đạn sử dụng cho pháo phòng không Gepard do Thụy Sĩ sản xuất đã cung cấp cho Ukraine, hiện đang được sản xuất tại Đức. Đạn dược từ các dây chuyền sản xuất mới dự kiến sẽ được cung cấp trong mùa hè này, cho phép Đức tự vận chuyển đạn của mình bởi Thụy Sĩ vẫn chưa sẵn sàng cung cấp chúng cho Kiev.

Trong khi đó, Anh sẽ đầu tư thêm 2,5 tỷ bảng vào kho vũ khí và đạn dược, đồng thời tăng cường "đầu tư vào khả năng thích ứng cũng như mức độ sẵn sàng của các cơ sở sản xuất".

Phương Tây đau đầu nghĩ cách lấp lỗ hổng vũ khí

Theo Lầu Năm Góc, cho đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 2 triệu quả đạn pháo 155mm. Bộ Quốc phòng đặt mục tiêu sản xuất 70.000 quả đạn pháo mỗi tháng và hiện chỉ sản xuất được chưa tới 30.000 quả đạn pháo hàng tháng, tăng khoảng 15.000 quả so với khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.

Tuy nhiên, Ukraine đang sử dụng các nguồn cung sẵn có một cách nhanh chóng.

"Đây là một cuộc đọ sức pháo binh cao độ. Như đã thấy, hai bên đều triển khai số lượng lớn pháo binh. Điều đó đặt sức ép lên nguồn cung đạn pháo toàn cầu", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhận định với CNN tuần trước.

Một lô vũ khí phương Tây chuyển tới Ukraine (Ảnh: Reuters).

Một lô vũ khí phương Tây chuyển tới Ukraine (Ảnh: Reuters).

Sau 1 năm rưỡi xung đột, tỷ lệ sử dụng đạn pháo của Ukraine hầu như không hề giảm bớt và thậm chí ngay cả khi kho đạn dược của nước này ở mức thấp, quân đội Ukraine vẫn phóng khoảng 2.000 - 3.000 quả pháo/ngày.

Một số quan chức Mỹ hy vọng Ukraine sẽ xoay sở được với số lượng đạn pháo hạn chế hơn ở thời điểm này và phụ thuộc nhiều hơn vào các cuộc tấn công phối hợp - một hình thức chiến đấu mà Mỹ đã huấn luyện cho Ukraine trong nhiều tháng qua.

Dù vậy, việc Nga bố trí các bãi mìn dày đặc tại các khu vực Ukraine muốn giành lại đã làm chậm tiến độ phản công của Kiev và buộc các lực lượng này phải sử dụng pháo để phá hủy các mục tiêu từ xa.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thông tin, trong cuộc họp trực tuyến của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, các quan chức đã thảo luận về "nhu cầu đạn dược cấp bách" của Kiev.

"Chúng tôi cũng thảo luận về các kế hoạch tăng cường sản xuất ở cả cấp độ quốc gia và đa quốc gia qua sáng kiến quan trọng của EU để sản xuất nhiều đạn dược hơn", ông Austin nói.

Tham mưu trưởng Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ John Kirchhofer cho biết trong một hội nghị an ninh quốc gia tuần trước rằng, giao tranh đang phần nào đi vào bế tắc. Các quan chức cấp cao Mỹ thì thừa nhận cuộc phản công diễn biến chậm hơn mong đợi. Trong những tuần gần đây, họ đặc biệt lo ngại về khả năng cung cấp vũ khí của Mỹ cho Ukraine khi Tổng thống Biden quyết định hỗ trợ Ukraine đạn chùm, loại đạn bị cấm sử dụng ở nhiều quốc gia, trong đó có các đồng minh của Mỹ.

Theo ông Sullivan, dù vậy, động thái trên là cần thiết do kho vũ khí của Mỹ đang ở mức thấp. Ông cho biết, Tổng thống Biden đã yêu cầu Lầu Năm Góc "nhanh chóng tăng cường khả năng sản xuất tất cả các loại đạn cần thiết cho bất kỳ cuộc xung đột nào vào bất kỳ thời điểm nào".

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Nebraska - ông Deb Fischer cho rằng "Tôi nghĩ là các thành viên trong quân đội nên chú trọng về điều này ngay từ đầu". Dẫn ra việc dây chuyền sản xuất tên lửa chống tăng Javelin của Lockheed Martin có thể sản xuất 2.100 tên lửa/năm trong khi Ukraine đang sử dụng 500 tên lửa/ngày, ông Fischer nói đó là một "tín hiệu đỏ". Ông hối thúc đầu tư nhiều hơn vào sản xuất vũ khí để đáp ứng các thách thức từ Nga tại châu Âu và Trung Quốc tại Thái Bình Dương.

Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Sullivan nhận định, Washington nhận ra rằng khả năng sản xuất hàng loạt đạn dược không phải diễn ra theo ngày, tuần hay tháng mà sẽ mất nhiều năm để đạt được mức độ cần thiết.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/kho-vu-khi-tien-gan-gioi-han-do-phuong-tay-chay-dua-san-xuat-ho-tro-ukraine-post1033736.vov
Zalo