Khó tìm việc sau tốt nghiệp, điểm yếu của sinh viên nằm ở đâu?
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến sinh viên ra trường khó tìm được việc làm như thiếu kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện, hòa nhập với văn hóa tại doanh nghiệp… Ngoài ra, việc ứng viên 'thổi phồng' CV (hồ sơ ứng tuyển) quá mức so với năng lực cũng khiến doanh nghiệp ngần ngại tuyển dụng.(KTSG Online) - Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến sinh viên ra trường khó tìm được việc làm như thiếu kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện, hòa nhập với văn hóa tại doanh nghiệp… Ngoài ra, việc ứng viên 'thổi phồng' CV (hồ sơ ứng tuyển) quá mức so với năng lực cũng khiến doanh nghiệp ngần ngại tuyển dụng.
Ngày 27-9, Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) tổ chức hội thảo "Boosting Employability: Strengthening universities to make graduates fit for work" (tạm dịch: Tăng khả năng được tuyển dụng: Bằng việc thúc đẩy các trường đại học đào tạo sinh viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu công việc) tại TPHCM.
Có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác tuyển dụng, bà Vi Nguyễn, Trưởng phòng nhân sự, Công ty trách nhiệm hữu hạn Endress + Hauser Vietnam cho rằng, ngày càng có nhiều người trẻ khi đi xin việc, làm tốt kỹ năng viết CV. Tuy nhiên, có một số người chỉ vì để CV được “mười phân vẹn mười” mà tô vẽ hồ sơ quá đà, thổi phồng bản thân không đúng với thực lực. Việc ứng viên thổi phồng CV quá mức có thể gây khó khăn và mất thời gian cho cả hai bên trong quá trình tuyển dụng.
Để chọn lọc ra ứng viên có năng lực thực sự, bà Vi Nguyễn và các nhà tuyển dụng thừa nhận, họ không chỉ đánh giá dựa trên CV mà còn dựa vào những tương tác trong buổi phỏng vấn trực tiếp. Có nhiều cách để xác thực thông tin như phỏng vấn bằng các câu hỏi chuyên sâu, liên hệ người tham chiếu…
Với kinh nghiệm của những nhà tuyển dụng lâu năm, mọi cử chỉ hoặc tương tác của ứng viên khó có thể qua mắt họ. Ngoài ra, tại buổi phỏng vấn, chỉ cần từ 3 đến 5 câu hỏi về chuyên môn, đơn vị tuyển dụng có thể đánh giá được mức độ đạt yêu cầu của người xin việc. Qua đó nhà tuyển dụng có thể thấy được khả năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, sự tự tin và kỹ năng giao tiếp của ứng viên. Có thể thấy rằng các nhà tuyển dụng đánh giá trên năng lực thực tế của từng cá nhân, chứ không chỉ dựa vào CV hoặc bằng cấp.
Đánh giá về tình trạng sinh viên khó xin việc hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK-Holding, giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, có rất nhiều lý do khiến sinh viên ra trường loay hoay tìm việc. Theo đó, các em còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm làm việc. Sinh viên có thể tự rèn luyện và học hỏi trong quá trình học tập tại trường đại học.
Một số sinh viên thường có tâm lý rụt rè, ngại tiếp xúc với các thầy cô. Giảng viên sẽ tạo điều kiện, giới thiệu, hướng dẫn sinh viên đến các cơ sở làm công việc bán thời gian. Đây chính là nền tảng để sinh viên có cơ hội cao hơn sau này.
“Nhiều sinh viên tốt nghiệp cũng gặp hạn chế khi tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) hoặc công ty đa quốc gia vì trình độ ngoại ngữ chưa tốt, thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện…”, Tiến sĩ Trung Dũng cho biết thêm.
Tiến sĩ Trịnh Việt Dũng, Giám đốc phân hiệu tại châu Á của Trường Đại học Kühne Logistics (Đức) chia sẻ thêm, mặc dù sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn cần phải liên tục trau dồi kiến thức và kỹ năng để không bị thụt lùi với thị trường lao động. Đặc biệt, sinh viên cần tham gia những khóa học ngắn hạn chuyên biệt như ứng dụng kỹ thuật số; công nghệ AR (thực tế ảo tăng cường), AI (trí tuệ nhân tạo); kỹ năng quản lý, lãnh đạo… để nhanh chóng thích ứng với yêu cầu công việc.
“Người mù chữ của thế kỷ này không phải là người không biết đọc, không biết viết mà là người không chủ động học hỏi, từ chối học hỏi và coi nhẹ học lại”, Tiến sĩ Việt Dũng dẫn lời của một doanh nhân và nhà văn người Mỹ Alvin Toffler.
Theo các chuyên gia, kiến thức ở trường học chỉ chiếm khoảng 40% khả năng thành công. Khi đi xin việc, doanh nghiệp còn cần các tiêu chuẩn khác như năng lực làm việc chủ động, tốc độ làm việc, làm việc nhóm, giao tiếp, tư duy sáng tạo… Do đó, các chuyên gia và nhà tuyển dụng cho rằng sinh viên nên sớm đến các doanh nghiệp để xin kiến tập, tìm hiểu công việc sẽ làm trong tương lai. Hoạt động này giúp sinh viên tiếp cận với công việc theo ngành nghề bản thân đang theo học càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, để sinh viên đáp ứng được thị trường lao động, các trường đại học và doanh nghiệp cần đẩy mạnh, mở rộng việc hợp tác với nhau. Những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường cũng có thể được ưu tiên tham gia hỗ trợ, làm việc cùng các doanh nghiệp. Đặc biệt, các tập đoàn lớn có thể tham gia với cơ sở giáo dục để đào tạo một số chứng chỉ, giúp sinh viên có thể sớm bắt nhịp được với hơi thở của doanh nghiệp.
Theo ông Felix Wagenfeld, Trưởng Văn phòng đại diện Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD), các nội dung trong hội thảo lần này được đưa ra ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đơn cử như đổi mới trong phương pháp giảng dạy. Thay vì chỉ có lý thuyết, phương pháp giảng dạy theo hướng thực hành nhiều hơn, tập trung vào làm việc nhóm, thực hành nghề nghiệp, chương trình thực tập tại các doanh nghiệp… Ngoài ra, các trường đại học cũng tăng cường xây dựng hệ sinh thái trong chính tổ chức của họ. Cùng với đó là tăng cường mạng lưới với doanh nghiệp ở các lĩnh vực như công nghiệp, kinh tế, môi trường…
Tại hội thảo, Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức đã chia sẻ về các cơ hội học bổng dành cho sinh viên Việt Nam tại Đức. Những chương trình này nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác trao đổi giữa Việt Nam và Đức.