Khó thực hiện việc kê khai thông tin người lái xe trước khi chạy hợp đồng vận tải

Doanh nghiệp vận tải kêu khó vì phải khai báo thông tin đầy đủ của người lái xe theo đề xuất mới của Bộ GTVT trong Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động vận tải đường bộ.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hoạt động vận tải đường bộ được xây dựng, trên cơ sở kế thừa các nội dung của các Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và bổ sung một số nội dung cho phù hợp với quy định tại Luật Đường bộ.

Dự thảo tiếp tục tháo gỡ

Theo Bộ GTVT, Dự thảo sẽ giải quyết một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn thực hiện. Đơn cử như quá trình triển khai thực hiện Nghị định 10, Bộ GTVT nhận được ý kiến phản ánh của các tổ chức và cá nhân về vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện các quy định về quản lý hoạt động vận tải: Vấn đề về không khả thi đối với gửi hợp đồng về Sở GTVT trước chuyến đi; Vấn đề về phân cấp công bố tuyến cố định, thủ tục đối với tuyến cố định thay đổi hành trình, mở mới hành trình; Vấn đề về cấp phù hiệu đối với xe đăng ký tuyến mới; Vấn đề về thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, thu hồi phù hiệu chưa bảo đảm tính răn đe đối với đơn vị vi phạm; Tình trạng xe tuyến cố định bỏ bến ra hoạt động chạy xe dù; Vấn đề truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình…

 Bộ GTVT đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định về quản lý vận tải đường bộ. Ảnh: TN

Bộ GTVT đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định về quản lý vận tải đường bộ. Ảnh: TN

Trên cơ sở các bất cập nêu trên, để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và quán triệt tinh thần thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật, đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng. Bộ GTVT cũng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Trong đó nội dung Nghị định 41 đã cơ bản giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan đến: tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ, tăng cường tính răn đe đối với các vi phạm dẫn đến thu hồi phù hiệu, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, phân cấp triệt để đến các Sở GTVT trong công tác quản lý tuyến cố định, khắc phục các hạn chế trong thực hiện và quản lý đối với vận tải đường bộ quốc tế…

Đến thời điểm hiện nay Nghị định 41/2024 đã được điều chỉnh, khắc phục những vướng mắc, khó khăn trước đây của Nghị định 10/2020, Nghị định 119/2021 và đã tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ cho cơ quan quản lý nhà nước, tạo sự công bằng bình đẳng trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ trong nước cũng như hoạt động vận tải quốc tế.

Để đảm bảo hướng dẫn thực hiện Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 và xuất phát từ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và thực tiễn thực hiện nêu trên, việc ban hành Nghị định thay thế (Dự thảo) các Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là phù hợp với các quy định hiện hành và đáp ứng được yêu cầu của thực tế.

Bổ sung quy định về Hợp đồng vận tải

Trong Dự thảo, Bộ GTVT đã sửa đổi bổ sung một số quy định về Hợp đồng vận tải bằng văn bản. Cụ thể, tại Điều 17 quy định chung về Hợp đồng vận tải có quy định về cung cấp đầy đủ thông tin của người lái xe.

Hợp đồng vận tải hành khách, hàng hóa bằng văn bản (văn bản giấy hoặc hợp đồng điện tử) là sự thỏa thuận giữa các bên tham gia ký kết hợp đồng; theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách hoặc người thuê vận tải phải thanh toán cước phí vận chuyển.

 Bộ GTVT đề xuất Hợp đồng vận tải hàng hóa phải có thông tin về lái xe. Ảnh: TN

Bộ GTVT đề xuất Hợp đồng vận tải hàng hóa phải có thông tin về lái xe. Ảnh: TN

Hợp đồng vận tải hành khách, hàng hóa phải có đầy đủ các nội dung tối thiểu sau: Thông tin về đơn vị kinh doanh vận tải ký hợp đồng: Tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế, người đại diện ký hợp đồng (Tên, số định danh cá nhân (số căn cước công dân); Thông tin về lái xe: Họ và tên, số định danh cá nhân (số căn cước công dân), số điện thoại, Số giấy phép lái xe; Thông tin về hành khách hoặc người thuê vận tải (tổ chức hoặc cá nhân): Tên, số định danh cá nhân (số căn cước công dân), địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế (nếu có); Thông tin về xe: Biển kiểm soát xe và sức chứa (trọng tải); Thông tin về thực hiện hợp đồng: Thời gian bắt đầu thực hiện (ngày, giờ) và kết thúc hợp đồng; địa chỉ điểm đầu, địa chỉ điểm cuối và các điểm đón, trả khách (hoặc xếp, dỡ hàng hóa) trên hành trình vận chuyển; cự ly của hành trình vận chuyển (km); số lượng khách (hoặc khối lượng hàng hóa vận chuyển); Thông tin về giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán;

Đồng thời, quy định về trách nhiệm của các bên tham gia thực hiện hợp đồng vận chuyển, trong đó thể hiện việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước; quyền, nghĩa vụ của bên vận chuyển, hành khách hoặc người thuê vận tải; số điện thoại liên hệ tiếp nhận giải quyết phản ánh, khiếu nại, tố cáo của hành khách; cam kết trách nhiệm thực hiện hợp đồng và quy định về đền bù thiệt hại cho người thuê vận tải, hành khách.

Nội dung tối thiểu của hợp đồng vận tải hành khách, hàng hóa được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, cung cấp cho lực lượng chức năng có thẩm quyền; cung cấp cho cơ quan quản lý giá, cơ quan Thuế, Công an, Thanh tra giao thông khi có yêu cầu.

Hiệp hội vận tải hàng hóa kiến nghị

Liên quan đến Dự thảo, Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cũng đã có văn bản kiến nghị đến Bộ GTVT phản hồi một số nội dung.

Trong đó, Hiệp hội cho biết Điểm b Khoản 2 Điều 17 quy định chung về Hợp đồng vận tải nội dung tối thiểu của Hợp đồng vận tải hàng hóa phải có thông tin về lái xe: họ và tên, số định danh cá nhân, số điện thoại, số giấy phép lái xe.

Theo Hiệp hội, quy định này các Doanh nghiệp phản ánh là không thực hiện được, dẫn đến doanh nghiệp không đáp ứng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Vì ở giai đoạn ký hợp đồng vẫn chưa thể xác định được phân công lái xe nào. Tình hình lái xe biến động liên tục, tăng/giảm và thay đổi qua chạy xe khác nên rất khó để đưa cụ thể vào hợp đồng, gây mất thời gian điều chỉnh lại hợp đồng và chậm tiến độ vận chuyển hàng.

Trong trường hợp khối lượng lô hàng lớn năng lực lái xe của công ty không đủ thì công ty phải thuê hộ đơn vị vận chuyển khác để chạy, đối tác ký kết hợp đồng cũng không quan tâm về thông tin lái xe. Tùy thuộc vào tình hình lái xe thực tế, khối lượng lô hàng sẽ có phân công cụ thể sau khi ký kết hợp đồng vận tải.

Ngoài ra, thông tin về lái xe được thể hiện ở Giấy vận tải.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/kho-thuc-hien-viec-ke-khai-thong-tin-nguoi-lai-xe-truoc-khi-chay-hop-dong-van-tai-post812935.html
Zalo