Kho khoáng sản 12.000 tỷ USD của Ukraine bị ông Trump để ý có gì?
Các mỏ khoáng sản quan trọng của Ukraine ước tính trị giá 12.000 tỷ USD có thể giúp mở rộng thị trường cung cấp nguyên liệu thô, từ đó giúp Mỹ giành ưu thế cạnh tranh với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3/2 tuyên bố muốn đạt được thỏa thuận với Ukraine bằng cách cung cấp vũ khí và viện trợ để đổi lấy “đất hiếm và những thứ khác”.
“Tôi muốn có sự đảm bảo về đất hiếm. Chúng tôi đang đầu tư hàng trăm tỷ USD. Họ lại đang có nguồn đất hiếm lớn. Tôi muốn có sự đảm bảo về đất hiếm, họ cũng sẵn sàng làm như vậy”, ông Trump nói.
Theo Kyiv Independent, Ukraine có tới 20 loại khoáng sản và kim loại quan trọng đối với thế giới như titanium sử dụng trong ngành công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ, hay lithium vốn là thành phần quan trọng trong pin xe điện.
Ngoài ra, Ukraine còn có các nguyên liệu đất hiếm khác như cerium, yttrium, lanthanum và neodymium. Nhu cầu đối với các nguyên liệu này đã tăng mạnh trong những năm gần đây, khi thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Việc ông Trump quan tâm tới các nguồn nguyên liệu quan trọng tại Ukraine xuất phát từ lý do Trung Quốc đang thống trị trên thị trường đất hiếm. Cụ thể, Trung Quốc hiện kiểm soát 70% công suất khai thác đất hiếm toàn cầu, và 90% công suất xử lý đất hiếm. Với chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết”, ông Trump muốn nâng khả năng cạnh tranh bằng cách chiếm ưu thế trước Trung Quốc.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), thị trường các loại khoáng sản quan trọng trên toàn cầu hiện có giá 320 tỷ USD, và có thể tăng gấp đôi trong 5 năm tới.
Đáng nói, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng đã đưa các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine là một phần trong kế hoạch hòa bình.
“Kho báu” 12.000 tỷ USD của Ukraine
Các mỏ khoáng sản quan trọng của Ukraine ước tính trị giá 12.000 tỷ USD có thể giúp mở rộng thị trường cung cấp nguyên liệu thô. Con số này có thể tăng lên thành 26.000 tỷ USD khi tính cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên như than và khí đốt.
Theo phân tích của Trường Kinh tế Kiev (KSE), các mỏ đất hiếm của Ukraine chủ yếu tập trung ở khu vực miền trung, và trong tình trạng chưa được khai thác nên giá trị thực chưa thể xác định. Nga cũng đang nắm quyền kiểm soát khoảng 33% nguồn tài nguyên đất hiếm ở Ukraine.
Cũng theo KSE, các khoáng sản thô quan trọng nằm trong khu vực chính phủ Ukraine kiểm soát là gần 120 triệu tấn đã khai thác hoặc mới khai thác một phần, cùng 305 triệu tấn tài nguyên ước tính sơ bộ. Con số này bao gồm 46 mỏ titanium, 34 mỏ polymetallic, 11 mỏ graphite, và 2 mỏ lithium.
Theo Bộ Tài chính Ukraine, nước này đứng đầu châu Âu về trữ lượng titanium, chiếm 1/3 trữ lượng lithium ở châu Âu, và 20% trữ lượng graphite trên thế giới. Ukraine còn đứng thứ 4 ở châu Âu về trữ lượng đồng, thứ 5 về chì, thứ 6 về kẽm, và thứ 9 về bạc.
Ukraine hiện là nhà sản xuất gallium lớn thứ 5 dùng trong chất bán dẫn và đèn LED, cũng như là nhà sản xuất khí neon quan trọng khi cung cấp 90% neon cho ngành công nghiệp chip của Mỹ. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, nguồn cung khí neon trên toàn cầu bị sụt giảm và làm ảnh hưởng tới các nhà sản xuất chip tại Mỹ.
Các mỏ khoáng sản tại Ukraine còn quan trọng đối với ngành công nghiệp hạt nhân. Bởi Ukraine chiếm 1% sản lượng zirconium toàn cầu, đồng thời cung cấp cả beryllium và uranium.
Tuy nhiên, vấn đề đối với Ukraine hiện tại là địa lý. Bởi các khoáng sản thô nằm rải rác khắp Ukraine, và khoảng 12.000 tỷ USD tập trung ở các khu vực mà quân đội Nga đang kiểm soát. Theo Phòng Thương mại Mỹ, Nga kiểm soát 42% kim loại và 33% đất hiếm, cùng 63% trữ lượng than, 11% dầu, và 20% khí đốt tự nhiên của Ukraine.
Nga được cho là đang "để mắt" đến nguồn nguyên liệu thô của Ukraine. Theo báo cáo hồi tháng 7/2024 của tình báo Anh, dù chưa khai thác trữ lượng khoáng sản quan trọng tại Ukraine, nhưng Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng và chặn khả năng tiếp cận của Kiev đối với các tài nguyên này nhằm làm suy yếu nền kinh tế Ukraine.