Khó khăn với chính phủ Nhật Bản
Điều hành một chính phủ thiểu số, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru được nhận định sẽ vấp phải nhiều khó khăn trong quá trình đưa ra các quyết sách lãnh đạo đất nước khi cần tìm kiếm sự ủng hộ, nhượng bộ của phe đối lập. Truyền thông Nhật Bản cho rằng, năm 2025 là một năm không mấy dễ dàng với ông Ishiba Shigeru và nhà lãnh đạo này phải vượt qua nhiều 'bài kiểm tra' để chứng minh khả năng lèo lái đất nước giữa sóng gió.
Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ 2024 và năm mới 2025, trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru từng nhấn mạnh quyết tâm của chính phủ mang lại cuộc sống phồn vinh và tràn ngập nụ cười cho người dân. Dù vậy, nhà lãnh đạo này cũng thừa nhận, đất nước đang đứng trước hàng loạt thách thức như tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, suy giảm dân số nghiêm trọng làm suy yếu sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Với việc lần đầu trong 15 năm qua, liên minh cầm quyền mất thế đa số tại Hạ viện trong khi phe đối lập tăng cường sức mạnh, tình hình chính trường Nhật Bản càng trở nên khó đoán định. Chia sẻ với báo chí, Thủ tướng Ishiba Shigeru cho biết, với chính phủ thiểu số hiện nay, nếu không có được sự ủng hộ của các đảng đối lập, mọi chính sách sẽ không được thông qua và đây là một thực tế mà chính phủ phải đối mặt.
Một bài phân tích trên tờ The Japan Times cho biết, “phép thử” lớn sẽ đến với chính phủ Nhật Bản ngay từ đầu năm 2025. Đó là việc nhiều dự thảo nghị quyết, trong đó nổi bật là dự thảo ngân sách cho năm tài khóa 2025 cần được thông qua tại kỳ họp Quốc hội đầu tiên trong năm 2025, theo kế hoạch khai mạc vào ngày 24/1 tới. Nhật Bản cũng sẽ tổ chức bầu cử Thượng viện vào năm 2025. Đây là áp lực với chính quyền của ông Ishiba, khi thế đa số của liên minh cầm quyền tại Thượng viện có thể gặp rủi ro nếu ông không thể khôi phục lòng tin của công chúng vào chính quyền, nhất là sau vụ bê bối gây quỹ của đảng Dân chủ Tự do (LDP).
Trong bối cảnh ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại rằng vị này có thể đưa ra các biện pháp bảo hộ thương mại, gây tác động không tốt tới kinh tế Nhật Bản và khơi lại các yêu cầu để Tokyo trả nhiều hơn cho chi phí đồn trú của lực lượng Mỹ tại quốc gia châu Á.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, nhờ mối quan hệ chặt chẽ giữa ông Trump với Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Abe Shinzo, các vấn đề trong quan hệ Mỹ-Nhật Bản phần lớn đã được giải quyết êm đẹp. Ngay sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức mới đây, Thủ tướng Ishiba bày tỏ mong muốn sớm gặp trực tiếp Tổng thống Trump tại Mỹ, có những cuộc thảo luận nghiêm túc nhằm xây dựng lòng tin, cũng như tìm kiếm cách thức để quan hệ song phương đóng góp cho hòa bình và kinh tế thế giới.
Nền kinh tế Nhật Bản được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng ở mức vừa phải trong năm 2025. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2025. Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế lo ngại khả năng Mỹ tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tác động tiêu cực đến Nhật Bản. Tỷ lệ sinh thấp cũng là vấn đề nghiêm trọng khác. Giáo sư Hiroshi Yoshida thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và xã hội lão hóa của Đại học Tohoku đã cảnh báo nguy cơ Nhật Bản sẽ chỉ còn lại một trẻ dưới 14 tuổi vào năm 2720, nếu tỷ lệ sinh tiếp tục duy trì ở mức như hiện nay.
Trước bộn bề thách thức về chính trị, kinh tế, an ninh, ngoại giao, trong cuộc họp báo đầu tiên của năm 2025, Thủ tướng Nhật Bản vẫn khẳng định quyết tâm cải tổ mạnh mẽ để bảo đảm tương lai tốt đẹp của quốc gia châu Á. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chặng đường phía trước của chính phủ Nhật Bản, đứng đầu là Thủ tướng Ishiba, tuy đầy rẫy khó khăn nhưng lại là cơ hội để chính trị gia kỳ cựu này và các cộng sự khẳng định uy tín, khả năng của mình.